“Xóm mồ côi” Rạng ngời xuân mới

Cập nhật: 03-03-2010 | 00:00:00

14 con người mồ côi từng trải qua những tháng ngày gian truân trong cuộc đời với hai chữ “mồ côi”. Rồi ngày định mệnh cũng tới, một người đàn ông “lạ mà quen” xuất hiện làm xôn xao cả “xóm mồ côi”, ông nhận 14 cặp vợ chồng làm con nuôi, từ ấy xóm hết mồ côi. Kỳ tích xảy ra trong đời thực vào những ngày mà dân mồ côi tự hỏi “phải chăng có phép lạ?”. 20 năm sau, một cuộc sống mới hồi sinh trên vùng đất đỏ bazan từ đôi bàn tay lao động không mệt mỏi của con người...

Đường đất đỏ vào xóm mồ côi

Vượt 60km từ hướng TX.TDM về Bến Cát, chúng tôi trở lại thăm “xóm mồ côi” vào những ngày cuối tháng chạp, một buổi sáng gió hanh khô, tiết trời se lạnh báo hiệu một mùa xuân mới chuẩn bị ùa về. “Xóm mồ côi” yên ả thoải mình, nhấp nhô quanh con đường đất đỏ nối tuyến quốc lộ 13 với tổ 4, ấp 4, xã Trừ Văn Thố. Lúc chúng tôi đến, cả xóm vắng tanh bởi hết thảy người lớn đều đã đi làm. Nhưng, khi một trong số 14 gia đình “bắt” được tín hiệu có khách ghé thăm, buổi chiều hôm đó cả xóm quyết định “nghỉ xả hơi”. Những câu chuyện quá khứ và hiện tại cùng đan xen ùa về trong nụ cười, nước mắt của những con người mồ côi cơ cực...

Cổ tích “xóm mồ côi”

Năm 1990, cô giáo Phan Thị Liên Hoa, Hiệu trưởng trường Giáo dục Thanh thiếu niên 3, Gò Vấp, TP.HCM có mặt ở vùng đất “khỉ ho cò gáy” thuộc xã Trừ Văn Thố với gần 70 em học viên là thành phần mồ côi, lang thang, cơ nhỡ. Từ năm 1990-1992 với 4 đợt “hành quân”, họ có mặt trên mảnh đất xa lạ vốn chưa từng đậm dấu chân người để thực hiện khát vọng “cùng nhau xây dựng vùng kinh tế mới”. Theo các anh, những đứa trẻ mồ côi ngày ấy kể lại hành trình “khai thiên lập địa” với bao nỗi cơ cực đắng cay, vừa học vừa khai phá, vừa chịu sốt rét vừa chịu đói khổ nhưng không hề phai nhạt ý chí mỗi người. Sự hớn hở kiểu “chí làm trai dặm ngàn da ngựa” đan xen với nỗi tủi nhục của các phận đời bị bỏ rơi khiến những đứa trẻ chỉ mới 15, 16 tuổi làm việc “như trâu”, vắt kiệt mồ hôi trên mảnh đất khô cằn, sỏi đá. Nhờ quá trình lao động của các anh, sự giúp đỡ của một Việt kiều người Pháp, chẳng lâu sau Nông trường Dương Minh Đức ra đời. Các anh vẫn vừa học vừa làm với những chỉ tiêu “khai phá đất hoang” đặt ra ngày một nặng. Tiếp đó, Nông trường Dương Minh Đức và Trung tâm Phát triển kinh tế mới Tân Hiệp nằm bên kia cầu Tham Rớt, thuộc địa phận tỉnh Bình Phước sáp nhập, đổi tên thành Phân hiệu 3 Tân Hiệp. Đến năm 1997, Phân hiệu 3 bất ngờ giải thể, một bước ngoặt mới xảy ra đối với gần 70 con người từng là học viên của trường. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM bấy giờ “vô tư” thông báo rằng: các cháu cứ hồi gia nếu muốn. Và, người khăn gói trở về với gia đình, người đi biệt xứ ở nơi đâu không ai rõ... riêng 14 chàng trai còn lại băn khoăn “biết đi đâu khi cuộc đời của họ gắn với 2 chữ mồ côi?”. Trong 14 con người này có anh là trẻ bụi đời bị cha mẹ bỏ rơi từ khi lọt lòng, có anh bị cha mẹ nuôi hành hạ đến mức bỏ đi bụi, có anh “tự dưng” sáng ngủ dậy thấy mình nằm ở vỉa hè Sài Gòn mà không biết mình là ai!? Cuối cùng, tất cả được gom vào trường Thanh thiếu niên 2, ở quận Bình Tân, TP.HCM; Thanh thiếu niên 3, ở quận Gò Vấp, TP.HCM và Trung tâm Phát triển kinh tế mới Tân Hiệp ở Bình Phước. 6 trong số 14 anh đủ 18 tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự, thanh niên xung phong. Mãn nghĩa vụ, họ trở về với trường bởi “không còn biết đi đâu”! Được một thời gian, tất cả khăn gói theo cô hiệu trưởng đi “mở cõi”.

Lớp công dân mới của xóm nay đã hết mồ côi

Trong số các học viên, cũng có người là con em gia đình chính sách nên dù sinh ra là những đứa trẻ mồ côi, lớn lên không được học hành tử tế nhưng cuộc đời vẫn cho họ trở thành những con người lao động chân chính của xã hội, những người cha gương mẫu của gia đình. Giai đoạn Phân hiệu 3 giải thể là thời điểm “Lửa thử vàng gian nan thử sức”. Thanh niên nào có sức, có chí đều quyết bám trụ “vùng đất mới” để tiếp tục khai hoang lập nghiệp. Từ mảnh đất khô cằn chỉ có nắng và gió, nay với quá trình lao động không mệt mỏi, 94,6 ha đã đơm hoa kết trái. Theo lời hứa của người lái đò Phân hiệu 3 “trừ trường hợp Nguyễn Văn Tùng vừa bỏ đi thì 13 em, mỗi người sẽ được chia 2 mẫu đất để lập nghiệp”. Lời hứa không thực hiện trọn vẹn nhưng cuối cùng, tất cả đều có đất dựng nhà, cưới vợ. Một thời gian sau, Nguyễn Văn Tùng trở về, 14 anh em lại được đoàn tụ. Những đứa trẻ mồ côi ngày nào bây giờ đã có gia đình, có mái nhà vách lá che nắng che mưa. Đám cưới từng người được anh em trong xóm tổ chức đơn giản, ấm cúng tình thân. Ngày nay, dù mỗi người đều có gia đình riêng với bao bộn bề lo lắng, nhưng hễ trong “xóm” ai gặp khó khăn, hoạn nạn, cả xóm đều chung vai gánh vác. Có đợt, đứa con anh Phạm Ngọc Phước bị bại não, phải nằm Bệnh viện Nhi đồng 2 một thời gian dài, cả xóm như cũng ốm theo.Thế mới biết “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”...

Điều ước “xóm mồ côi”...

17 năm sống trong tình trạng “mồ côi toàn phần” không biết gì đến CMND hay sổ hộ khẩu. Thậm chí những chiếc xe máy, xe đạp cà tàng hay con đường mòn gập ghềnh cũng gắn với hai chữ “mồ côi”. Rồi một ngày đẹp trời điều ước của “xóm mồ côi” bỗng trở thành hiện thực khi một vị tướng già xuất hiện và nhận cả xóm làm con. Ông là thượng tướng Phan Trung Kiên, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. 14 gia đình từ nay đã có cha, thế hệ thứ hai ra đời gọi tướng quân bằng ông nội. Chẳng còn hạnh phúc gì hơn mỗi khi xóm có biến cố, điều gì lạ, điều gì mới, xóm trưởng Trần Văn Tuấn lại gọi điện “thủ thỉ” với ba. Bằng tấm lòng trắc ẩn của một con người, ông huy động sức mạnh của cả bộ máy chính quyền từ tỉnh đến xã “biến lời nói suông thành hành động thiết thực”. Ngày 6-6-2007 là một ngày “rất đặc biệt”, cả xóm hân hoan đón mừng sự kiện được cấp CMND và sổ hộ khẩu. Theo anh Vũ Đức Trung thì “đã qua rồi cái thời chúng tôi tủi nhục vì mình là người sống ngoài vòng pháp luật.” Không thể kể hết những hệ lụy khốn khó từ việc thiếu hộ khẩu, thiếu CMND mang lại. Từ việc học hành của con cái, kinh tế gia đình cho đến việc sang tay một chiếc xe máy đều bị “thủ tục hành chính” đè bẹp. Anh Huỳnh Long Minh chia sẻ “có lần muốn đi xa làm ăn kiếm tiền nuôi con nhưng thiếu CMND nên không ai nhận”. Nói vậy thôi chứ về mặt tinh thần họ vui hơn cả. Dù nay giấy tờ tùy thân đã có nhưng ai cũng quyết bám trụ lại vùng đất “ruột thịt” này sinh sống bất kể cái nghèo cứ đeo bám. Ngày ngày, những người cha, người mẹ đi làm thuê cuốc mướn kiếm thêm 70.000 đồng, gom góp cho các con ăn học. Thế hệ thứ 2 ra đời dường như nhận thức được nỗi vất vả của cha, chú nên chí thú học hành, nhiều cháu luôn giữ vững thành tích xuất sắc trong học tập.

Những tưởng cuộc đời cứ thế trôi qua đối với cái “xóm mồ côi” cho đến những ngày dự án quy hoạch len lỏi qua từng lũy tre, gốc măng rồi “lùng bùng” qua tai cả xóm. Dù biết cả xóm đang sống trên đất công và chẳng hiểu mấy về quy hoạch nhưng họ ý thức được rằng mảnh đất mà mình “đổ mồ hôi sôi nước mắt” ra gầy dựng sẽ được sử dụng làm khu chăn nuôi, giết mổ công nghệ cao “gì gì đó”. Hơn 4 năm trôi qua, việc triển khai quy hoạch chưa thể thực hiện trong khi dân “xóm mồ côi” như ngồi trên lửa. Tre già, mỗi năm chỉ thu được 1 vụ vào tháng 3, tiền lời không đủ trang trải cuộc sống, vợ chồng anh Nguyễn Hữu Vĩnh nhiều lần muốn chuyển đổi từ trồng tre sang giống cây trồng có năng suất cao hơn như cao su, điều... nhưng không dám “nhúc nhích” bởi vợ chồng anh biết giá đền bù cây cao su non sẽ không bằng cây tre già. Vì quy hoạch, không một gia đình nào dám mạnh dạn thay đổi phương thức làm ăn. Gia đình anh Tuấn đông con được địa phương công nhận hộ nghèo và hứa sẽ cấp nhà tình thương nếu không... vướng quy hoạch! Trong xóm, nhiều ngôi nhà xuống cấp đến mức “dột chỗ nào thì hứng nước mưa chỗ đó” nhưng không một ai dám sửa hoặc xây mới. Ngày gặp chúng tôi, cả xóm gửi gắm nguyện vọng “muốn được báo chí thông tin rõ ràng về dự án quy hoạch. Nếu không quy hoạch thì cấp GCN QSDĐ cho chúng tôi ổn định cuộc sống”.

Trong một bài báo cách đây 3 năm, khi làm việc với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Trung Kiên, lãnh đạo tỉnh hứa sẽ thực hiện 3 việc “Một, làm hộ khẩu và CMND cho các em. Hai, phần đất của “xóm mồ côi” đang sử dụng sẽ không bị quy hoạch mà sẽ được triển khai cấp sổ đỏ cho các em. Ba, tỉnh sẽ xây dựng cho mỗi hộ một căn nhà tình thương”. 3 năm sau, “xóm mồ côi” vẫn đang chờ lãnh đạo, chính quyền từ tỉnh đến xã quan tâm thực hiện trọn vẹn lời hứa thứ nhất và thực hiện “nốt” hai lời hứa còn lại. Nhờ tình thương và lòng trắc ẩn, không còn nữa vị đắng hai chữ “mồ côi”. Trong năm mới, hy vọng với sự chung tay, nỗ lực của Đảng ủy, chính quyền tỉnh “xóm mồ côi” sẽ rũ bỏ những băn khoăn, lo lắng năm cũ để hưởng cuộc đời “an cư lạc nghiệp” đồng thời hướng tới một tương lai rạng ngời như bao “xóm” khác.

TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=596
Quay lên trên