(BDO) Tin 2 em học trò nghèo vừa đậu điểm cao vào các trường đại học tốp đầu khiến xóm nhà không số ở khu phố Chiêu Liêu, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An suốt mấy ngày qua rộn rả tiếng cười vui.
Nụ cười của người đưa đò
Hai em học trò làm cả trường, cả xóm lâng lâng niềm vui đó là Lê Tuấn Vũ, học sinh trường THPT Dĩ An và Hoàng Thị Chinh, học sinh trường Nguyễn An Ninh, thị xã Dĩ An. Hai em đều thi chung vào trường Đại học Kinh tế TP.HCM, riêng Chinh thi đợt 2 vào trường Đại học Y dược TP.HCM và Vũ thi đợt 2 vào khoa Y trường Đại học Quốc gia TP.HCM. Kết quả điểm của 2 em khá cao, Tuấn Vũ đạt 28 và 26,5 điểm, Hoàng thị Chinh đạt 27,5 và 25 điểm.
Em Lê Tuấn Vũ bên góc học tập của mình
Người thông tin niềm vui này cho chúng tôi là thầy Võ Hữu Hùng, giáo viên dạy Toán trường THPT Dĩ An. Ngại thầy không có thời gian, tôi xin địa chỉ nhà 2 em nhưng thầy bảo cả 2 em đều ở nhà không số và hẹn tôi đến trường, thầy sẽ trực tiếp đưa tôi đến tận nhà. Đúng hẹn, tôi đến trường THPT Dĩ An gặp anh bảo vệ nói rõ lý do xin gặp thầy Hùng. Vừa nói xong, tôi nghe một cái “vù” ngay sau lưng mình. “Đó, thầy Hùng đó!” anh bảo vệ chỉ tay, tôi vội chạy theo cái bóng một ông giáo già vừa chạy khuất vào sân trường.
Thầy Hùng giới thiệu với các giáo viên nhà trường hôm nay có nhà báo đến trường viết bài về gương học sinh giỏi vừa thi đậu đại học. Một cô trong Ban Giám hiệu bảo năm nay nhà trường có nhiều em thi đậu đại học lắm, biết chọn em nào. Khi nghe thầy Hùng giới thiệu em Lê Tuấn Vũ, ai cũng nức lời ngợi khen em Vũ đúng là một học sinh nghèo biết vượt khó học giỏi. Thế là uống chưa xong ly nước, tôi lại lên xe hối hả chạy theo sau thầy. Xóm nhỏ Chiêu Liêu nằm khuất sau mấy con đường ngập nước mưa, có chỗ nước ngập gần nửa bánh xe, vậy mà thầy Hùng cứ chạy băng băng, nước bắn lên tung tóe. Qua mấy cái ngả rẽ chằng chịt, đến một con hẻm nhỏ, thầy dừng lại rút chiếc điện thoại trong túi ra cười khà khà: “Tôi bị lạc đường rồi, chú đợi chút để tôi liên lạc lại nhờ… chỉ đường”.
Thầy Hùng đi dạy học đã nhiều năm, trước đây thầy dạy ở Bạc Liêu, 9 năm nay thầy chuyển về dạy Toán ở trường THPT Dĩ An, thị xã Dĩ An. Thầy tâm sự: “Tôi dạy kèm cho các em học sinh chuẩn bị thi đại học từ nhiều năm nay, thú thiệt với chú chưa bao giờ tôi có cảm xúc hân hoan muốn được chia sẻ cùng mọi người về 2 trường hợp đặc biệt của em Vũ và em Chinh. Cả 2 em đều rất đáng được khen ngợi, các em đều có hoàn cảnh thật khó khăn, bù lại các em đều thông minh, chăm ngoan và có ý thức tự học rất cao. Đây là lần đầu tiên, tôi chủ động liên hệ với nhà báo để thông tin về trường hợp học sinh nghèo thi đậu đại học”. Thầy nở nụ cười tự hào khi nói về 2 em học trò nghèo học giỏi của mình, tôi nheo mắt nhìn kỹ ông giáo người xứ Nghệ này, ông có cái miệng hơi móm, vì thế nụ cười của ông trông có duyên hết sức.
Nụ cười của bậc sinh thành
Sau khi liên lạc được với gia đình, anh Hoàng Văn Sơn, ba của em Chinh ra đón tôi và thầy Hùng ngoài con đường nhựa. Sau một vài đoạn đường đất loanh quanh, chúng tôi đến được nhà em Chinh nằm trong dãy nhà không số thuộc khu phố Chiêu Liêu, phường Tân Đông Hiệp. Anh Sơn cho biết đây là khu có đông dân nhập cư, sau nhiều năm làm ăn dành dụm, vài người đã mua được đất, cất được nhà nhưng do còn thiếu thủ tục nên nhà chưa được cấp số. Tôi nhìn quanh, khung cảnh nơi đây êm ả như những vùng nông thôn miền Bắc, ba mẹ em Chinh làm nghề nấu đậu hủ, trước nhà có vườn rau nho nhỏ và một cái chuồng vịt, chắc là gia đình tận dụng bả đậu để tăng gia sản xuất, kiếm thêm nguồn thu nhập. Anh Sơn cho biết, quê anh ở Thọ Xuân, Thanh Hóa, anh vào Bình Dương lập nghiệp năm 2002. Trước đây, anh làm thợ hồ, sau một lần bị té ngã từ giàn giáo, anh không làm việc nặng được nên chuyển sang nghề nấu đậu hủ. Mỗi ngày 2 vợ chồng anh cùng với sự phụ giúp của em Chinh nấu 30 kg đậu hạt thành 100 kg đậu hủ vừa bán ở chợ vừa bỏ mối cho các cơ sở nấu cơm tập thể.
Em Hoàng Thị Chinh đang phụ ba mẹ làm đậu hủ
Nhắc lại chuyện em Chinh thi đậu đại học với số điểm cao, ánh mắt anh Sơn lấp lánh như đang cười. “Người đầu tiên tôi báo tin vui là bà nội của cháu. Ở ngoài quê, bà vẫn luôn điện thoại thăm hỏi và động viên các cháu cố gắng học hành”- Anh Sơn kể. Còn chị Đỗ Thị Lam, mẹ em Chinh thì dừng tay đang nấu đậu, chị vừa quệt mồ hôi vừa cười tươi như nông dân được mùa, chị cho hay suốt mấy ngày qua, biết chị có con gái chăm ngoan, học giỏi năm nay dự thi đại học, ai ai cũng hỏi thăm. Hay tin cháu thi đậu trường Đại học Y dược TP.HCM với số điểm cao, mọi người đều chúc mừng, chia vui với chị.
Trong lúc chúng tôi trò chuyện, có nhiều người đi ngang qua, tươi cười chia sẻ niềm vui và chúc mừng gia đình, chúc mừng 2 em học sinh nghèo nhưng có chí lớn. Quả thật, thành tích học tập của 2 em khiến bà con lối xóm cũng thấy tự hào.
Hoàn cảnh nhà em Lê Tuấn Vũ cũng tương tự như em Hoàng Thị Chinh. Ba mẹ của em Vũ là anh Lê Văn Lục và chị Nguyễn Thị Xuân, người quê xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Cả 2 đều từ giả những cánh đồng lúa và những cánh đồng muối ở làng quê Thạch Hà vào Nam sinh sống khi Vũ vừa lên lớp 8. Từ ngày hay tin con mình thi đậu đại học, ba của Vũ rất vui nhưng mỗi tuần anh chỉ về nhà được 1 ngày để xoa đầu chia vui cùng con rồi vội vã trở lại thành phố làm việc kiếm tiền lo cho Vũ sắp sửa nhập học. Công việc của anh là nhân viên giữ xe cho nhà thờ, công ty, trường học. Còn mẹ Vũ thì làm công nhân xí nghiệp may. Sau nhiều năm dành dụm, anh chị mua được miếng đất nhỏ ở Chiêu Liêu, cô ruột của Vũ hỗ trợ tiền xây nhà, thế nhưng đến nay, ngôi nhà của gia đình em vẫn chưa có số.
Suốt buổi trò chuyện, chị Xuân luôn nở nụ cười tươi rói trên môi khi kể về thành tích học tập của cậu con trai ốm yếu của mình. Học kỳ I năm học lớp 11, Vũ bị sốt xuất huyết một trận khá nguy kịch, do ba đi làm xa, mẹ vất vả với công việc, không ai hay biết em mắc bệnh, may nhờ thầy Võ Hữu Hùng và thầy Đặng Thành Sâm phát hiện đưa em đến bệnh viện chữa trị mất gần 2 tuần. Mặc dù sức khỏe ốm yếu và điều kiện học tập không được như các bạn cùng trang lứa, nhưng thành tích học tập của cậu học trò nghèo này thật đáng nể: Huy chương vàng Giải Lương Thế Vinh của tỉnh; Giải I giải thi Toán Casio cấp tỉnh; Giải III giải thi toán Casio khu vực miền Đông Nam bộ. Em Chinh cũng vậy, thành tích của em cũng là chiếc Huy chương vàng Giải Lương Thế Vinh, ngoài ra em Chinh còn là thành viên đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia môn Hóa.
Nhìn nụ cười chứa chan hạnh phúc của chị Lam và chị Xuân, tôi cho rằng em Chinh và em Vũ đã lập được kỳ tích, bởi nhiều người muốn “đổi cả thiên thu” đế có “tiếng mẹ cười” mà nào có được đâu. Thế nhưng vui đó rồi lo lắng đó, cười đó rồi lại ngẹn ngào đó vì anh Sơn cho rằng sắp tới đây khi Chinh vào đại học, suốt 6 năm dài, vợ chồng anh sẽ tiếp tục cố gắng thắt chặt chi tiêu để dành tiền lo cho cháu yên tâm học tập. Chị Xuân cũng vậy, chị cho biết thu nhập cả 2 vợ chồng mỗi tháng được khoảng 3,5 triệu đồng. Thời gian gần đây, chị bị đau cột sống nên đã nghỉ việc ở nhà nấu rượu, thu nhập cũng chẳng khá hơn, chỉ đủ gói ghém chi tiêu trong gia đình.
Nụ cười của người chiến thắng
Khi tôi hỏi về con đường dẫn đến thành công, 2 cô, cậu học trò nghèo vừa xuất sắc vượt qua kỳ thi lớn nhất của đời học sinh đều cười bẻn lẻn và cho rằng kết quả học tập của 2 em được vậy cũng là điều bình thường. “Tất cả các bạn, ai cũng cố gắng thêm một chút, chuyên cần thêm một chút thì cũng sẽ đạt được kết quả như tụi em” - Vũ thật thà cho biết. Còn Chinh thì cho rằng, trước hết phải nắm vững các lý thuyết cơ bản, sau đó cố gắng làm thật nhiều bài tập. Vũ tự nhận mình còn yếu môn tiếng Anh, thậm chí năm học lớp 11 em còn bị rớt hạng từ loại giỏi xuống loại khá. Phương châm học tập của Vũ là “Hãy luôn luôn cố gắng rồi ta cũng sẽ vượt qua khó khăn”. Biết mình không đủ điều kiện học tập như các bạn, Vũ chọn cách tự học qua sách vở. Cuối năm lớp 11, em mới được người thân tặng cho một máy vi tính, nhưng không có tiền đăng ký dịch vụ internet, em ra tiệm download đề và bài giải các môn học về nhà tự làm rồi so sánh với đáp án để tìm ra những cái sai của mình. Suốt học kỳ II của năm học lớp 12, mỗi tối em đều dành thời gian giải các đề bài thi đại học đến 12 giờ mới đi ngủ. Trò chuyện với Vũ hơn 1 giờ đồng hồ, tôi đã cảm thấy nhức đầu vì tiếng máy hàn khá ồn sát bên cạnh nhà. Tôi hỏi tiếng máy đinh tai như vậy có ảnh hưởng đến việc học của em không. Vũ cười hiền trả lời: “Mình phải tập thích ứng thôi chú ạ! Ban đầu cháu cũng hơi khó chịu, nhưng bây giờ cháu đã quen, mỗi khi học bài, cháu đóng tất cả cánh cửa sổ lại, hơi oi bức một chút nhưng giảm được tiếng ồn và khi cháu đã tập trung làm bài, hầu như cháu chẳng còn quan tâm đến việc gì cả”.
Lê Tuấn Vũ nhận huy chương giải Toán cấp khu vực
Cũng giống như Vũ, đến năm lớp 11, Chinh mới được một người bác họ cho mượn một máy vi tính để chuẩn bị ôn thi đại học. Nhưng Chinh kém may mắn hơn Vũ là em chuyển trường từ quê vào Dĩ An ngay năm học lớp 10, theo quy định, em chỉ được học trường bán công. Mỗi ngày, Chinh đạp xe từ nhà đến trường khoảng 5km. Buổi trưa, em phụ ba mẹ làm đậu hũ, tối em thức học bài đến 2 giờ sáng. Tôi hỏi phương châm học tập của em là gì? Chinh đáp ngay: “Thiếu thông minh thì phải bù siêng năng”. Thầy Hùng cho biết thêm, ngày đầu tiên Chinh đạp xe đến nhà thầy xin học thêm, thầy không nhận vì không biết em từ đâu đến. Nhưng sự kiên nhẫn của Chinh đã thuyết phục được thầy và cũng ngay từ buổi học đầu tiên, thầy đã có ấn tượng với cô học trò suốt buổi học chỉ biết chăm chú nghe giảng và làm bài. Với em Vũ, thầy nhận xét em có tính tự lập rất cao, là con trai nhưng ăn nói nhỏ nhẹ, lễ phép, hòa đồng với mọi người.
Chinh cho biết, em sẽ chọn học trường Đại học Y dược TP.HCM, còn Vũ chọn học trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Thật sự 2 em chỉ mới sắp sửa đặt bước chân đầu tiên vào giảng đường đại học, con đường đi tới còn dài và ắt hẳn không ít khó khăn đang chờ đợi phía trước nhưng sự nỗ lực vượt qua vũ môn quan trọng nhất của đời học sinh với số điểm khá cao, 2 em đã là người chiến thắng.
NGUYỄN CÔNG LUẬN