“Xóm vắng” đã thành dĩ vãng!

Cập nhật: 01-12-2012 | 00:00:00

Hơn 20 năm về trước khu phố Thống Nhất 2 và Nhị Đồng 1 (còn gọi là xóm nghèo, xóm vắng thuộc P.Dĩ An, TX.Dĩ An) là một vùng đất nông nghiệp cằn cỗi, người dân thưa thớt, bám ruộng không đủ ăn. Giờ đây xóm đã thay da đổi thịt, khiến ai một lần đến cũng không khỏi ngỡ ngàng.

Một thời đất rộng, người thưa

Tìm đường đến khu phố (KP) Thống Nhất 2 và Nhị Đồng 1 vào một buổi sáng cuối thu, không cần nói tên khu phố là gì, chỉ cần đi tới địa phận TX.Dĩ An hỏi xóm vắng, xóm nghèo ở đâu đã được người dân ở đây chỉ dẫn cụ thể. “Cô tới xóm nghèo, xóm vắng phải không, bây giờ đổi thay nhiều lắm”, một người dân vừa chỉ đường vừa nói. Đi trên con đường bê tông hóa uốn lượn trải dài, ngắm nhìn những ngôi nhà khang trang, với quán xá mọc san sát hai bên đường, chúng tôi tự hỏi đây là xóm nghèo, xóm vắng ư?  

 Khu phố Nhị Đồng 1 ngày một sầm uất hơn

Dừng lại ở xóm nghèo (KP. Thống Nhất 2), tiếp chuyện với chúng tôi, anh Lê Khanh Hải, Trưởng khu phố cho biết: “Cái tên xóm nghèo không biết có từ bao giờ, chỉ nghe mọi người truyền tai nhau là do một số thanh niên, trẻ em ở khu vực này trước đây không có nghề gì làm nên chuyên đi lượm trộm phế liệu, ve chai, nghĩ rằng nghèo nên mới hay đi ăn trộm nên người đời đã đặt tên cho khu này là “xóm nghèo”. Rồi cái tên xóm nghèo cũng từ đó mà ra đời. Còn nói về cái tên xóm vắng thì được lý giải rằng, KP.Nhị Đồng 1 trước đây gọi là xóm đình, theo nhiều người dân kể lại thì xóm trước đây người ở rất thưa thớt. Năm 2000 ông Sáu (chủ quán cà phê Xóm Vắng bây giờ) mở quán cà phê đầu xóm, khách thưa vắng nên ông mới đặt tên cho quán là Xóm Vắng, còn theo lời của ông Sáu thì quán đặt tên theo một bộ phim truyện nhựa Việt Nam tên là “Xóm Vắng”. Và cái tên “xóm đình” trở thành “xóm vắng” lúc nào không hay.

Dù lý giải thế nào thì khi nhìn vào bối cảnh thực tế lúc đó cái tên cũng đủ nói lên tất cả. Gọi là xóm nghèo cũng bởi sau ngày giải phóng, xóm chỉ ngót nghét 60 hộ gia đình với khoảng 300 nhân khẩu, xóm vắng tính cả dân nhập cư cũng được 350 hộ, đất nông nghiệp thì nhiều mà sự màu mỡ thì ít nên người dân chỉ trồng khoai, đậu phộng… được một mùa trong năm, vì vậy mà cái ăn cái mặc chưa đủ chứ nói gì đến việc cho con em đến trường. Đến sau năm 1995, khi quy hoạch phát triển công nghiệp, các công ty mọc lên thì cuộc sống của người dân nơi đây mới bắt đầu có sự đổi thay.

Đổi thay

Khu công nghiệp Sóng Thần mọc lên đánh dấu bước phát triển mới nơi xóm nghèo, xóm vắng. Người dân nhập cư đổ xô về tìm việc, từ số tiền được đền bù giải tỏa, một số hộ đầu tư vào việc xây nhà trọ, một số lại mở quán ăn, buôn bán nhỏ lẻ. Dần dà thanh niên trong xóm đều có việc làm, con cái họ được đến trường đầy đủ. Số hộ thường trú của xóm nghèo ngày xưa giờ đã lên tới 566 hộ với 2.135 nhân khẩu, số người nhập cư là 8.000 nguời. Xóm vắng không còn vắng mà đã trở nên đông vui nhộn nhịp, tấp nập người mua, kẻ bán. Người dân từ làm nông nghiệp giờ đã chuyển sang kinh doanh dịch vụ cho thuê nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, buôn bán nhỏ lẻ…

Được giới thiệu là người cho thuê nhiều phòng trọ nhiều nhất (60 phòng), chúng tôi tìm đến gia đình anh Phan Văn Diễn (KP.Thống Nhất 2) nhưng không gặp, hỏi bà quán nước gần đó thì bà cho biết: “Ở xóm này nhiều người có đến hàng trăm phòng trọ ấy chứ, rồi bà chỉ sang nhà cô Loan nói quê cô ở Hải Dương, vào đây đã mấy chục năm, có đến mấy khu trọ cho thuê với trên 100 phòng”. Theo như anh Hải cho biết thì trung bình 1 phòng có giá 550.000 - 700.000 đồng. Nhẩm ra dãy trọ của cô Loan một tháng cũng cho thu nhập trên 50 triệu đồng.

Rời KP.Thống Nhất 2, chúng tôi đến gia đình vợ chồng ông Trịnh Văn Anh và Tô Thị Kim Liên ở KP.Nhị Đồng 1, ngôi nhà nhỏ khá đầy đủ tiện nghi, mặt tiền có mấy ki-ốt gia đình ông cất riêng cho thuê, ở cái tuổi xế chiều nhưng vợ chồng ông vẫn nhận hợp đồng nấu ăn cho công nhân. Thu nhập của gia đình ông cũng vào loại khá cao. Chứng kiến cuộc sống đổi thay từng ngày ở cái xóm vắng này ông Trịnh Văn Anh cho biết: “Cũng như nhiều gia đình ở xóm này, trước đây vợ chồng tôi cũng trồng khoai mì, tầm vông… cuộc sống thiếu thốn đủ bề, nhưng sau này các công ty mở ra, dân nhập cư về đây làm ăn và sinh sống nên từ làm nông nghiệp người dân chuyển sang kinh doanh dịch vụ nhà trọ, buôn bán nhỏ lẻ, đời sống cũng từ đó mà khá lên”.

Anh Phạm Mạnh Hùng, chiến sĩ Quân đoàn 4 cho biết: “Hơn 30 năm công tác và sinh sống ở đây, tôi còn nhớ như in hình ảnh những ngôi nhà thưa thớt, những con đường vắng không người lui tới, hình ảnh những trẻ em chui vào khu căn cứ lượm ve chai về bán lấy tiền… Ấy vậy mà sau chừng ấy năm nơi đây giờ đã trở thành khu phố nhộn nhịp, cuộc sống của người dân đã no đủ hơn”.

Vâng, về với KP.Thống Nhất 2 và Nhị Đồng 1 hôm nay, những điều tai nghe mắt thấy về cuộc sống mới ở đây đã chứng tỏ xóm nghèo, xóm vắng ngày nào đang phát triển không ngừng, dấu tích của một thời nghèo khó đã lùi vào dĩ vãng. Rời xóm khi trời đã về chiều, chạy xe trên con đường bê tông nhựa trải dài, hai bên là những ngôi nhà cao tầng đang xây dở, chúng tôi thầm nghĩ cái tên xóm vắng xóm nghèo giờ có lẽ chỉ còn là kỷ niệm mà thôi!

 Theo thống kê, KP.Nhị Đồng 2 hiện có hơn 300 hộ kinh doanh phòng trọ, tổng số hơn 3.000 phòng với 6.000 người tạm trú. Số hộ nghèo chỉ còn 2 hộ, giảm 80% so với năm 2009. KP.Thống Nhất 2 hiện có 270 hộ kinh doanh phòng trọ tổng số hơn 3.000 phòng, với 8.000 người tạm trú. Theo ông Nguyễn Công Danh, Bí thư chi bộ KP.Thống Nhất 2 thì việc kinh doanh phòng trọ và buôn bán nhỏ lẻ đã mang về nguồn thu nhập đáng kể cho bà con nơi đây.

 

 TÂM BÌNH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2494
Quay lên trên