Xử lý kịp thời các vụ án liên quan chính trị, đối ngoại, xã hội quan tâm

Cập nhật: 31-03-2022 | 16:21:35

Hội nghị trực tuyến sơ kết 7 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Sáng 31/3, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 7 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) chúc mừng những kết quả đạt được trong thực hiện các Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao trong thời gian qua.

Tạo bước đột phá trong phát hiện, xử lý tham nhũng

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh Ban Nội chính Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao đã rất trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, tham mưu có hiệu quả cho Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, đảm bảo kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật; góp phần hiện thực hóa và khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.”

Các cơ quan kịp thời phối hợp tham mưu Ban Chỉ đạo chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc có tính đột phá mạnh mẽ, quyết liệt, tạo bước tiến mới trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, không để oan sai, không để lọt tội phạm; xử lý kịp thời, đồng bộ vừa nghiêm khắc, nhưng cũng rất nhân văn, tạo bước đột phá trong phát hiện, xử lý tham nhũng.

Nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhiều vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực được cho là "nhạy cảm” đã được tập trung chỉ đạo điều tra, đi sâu làm rõ bản chất; xử lý nghiêm minh, cả cán bộ cao cấp, cả đương chức và đã nghỉ hưu, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Bốn cơ quan đã phối hợp tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời các vụ án, vụ việc có liên quan đến chính trị, đối ngoại; những vấn đề liên quan đến an ninh tôn giáo, dân tộc; khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài, bắt giữ người trái pháp luật; các vụ việc tụ tập đông người, biểu tình, gây rối, nhằm âm mưu gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch... góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị-xã hội, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của đất nước.

Các cơ quan đã chủ động phối hợp tham mưu cho Đảng sơ kết, tổng kết, xây dựng ban hành chỉ thị, nghị quyết, đề án quan trọng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng tiêu cực và cải cách tư pháp; xây dựng hoàn thiện thể chế kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng.

Qua 7 năm thực hiện Quy chế, các cơ quan đã phối hợp nghiên cứu, tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ ban hành gần 200 nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; phối hợp tham mưu xây dựng, ban hành các chủ trương, chính sách lớn về đảm bảo an ninh quốc gia; về xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp... tạo cơ sở chính trị-pháp lý siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, xử lý vi phạm và tội phạm; từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng.”

Ban Nội chính Trung ương đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tham mưu Ban Chỉ đạo chỉ đạo, kiểm tra, giám sát những khâu yếu, lĩnh vực trọng tâm, nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; phối hợp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo và các kiến nghị của các đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo; phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn xử lý các khó khăn, vướng mắc trong xử lý các vụ việc, vụ án ở địa phương...

Các lãnh đạo chủ trì hội nghị.

Qua đó, góp phần thúc đẩy, đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan thực hiện tốt hơn công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc; nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế phức tạp, dư luận quan tâm được chỉ đạo, xử lý dứt điểm; hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế được nâng lên.

Các cơ quan phối hợp tham mưu thực hiện có hiệu quả chương trình công tác hàng năm của Ban Chỉ đạo; chuẩn bị chu đáo, chất lượng tài liệu, nội dung các Phiên họp, Cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Các cơ quan chủ động phối hợp cung cấp thông tin, định hướng dư luận về kết quả điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, góp phần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, kịp thời đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, tạo sự đồng thuận cao trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bên cạnh những kết quả này, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng lưu ý vẫn còn những hạn chế như báo cáo đã nêu nhất là phối hợp, tham mưu chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc còn chậm so với kế hoạch của Ban Chỉ đạo; phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn xử lý khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp thông tin, tài liệu, đánh giá chứng cứ, quan điểm xử lý... vẫn còn hạn chế.

Có lúc, có việc, công tác phối hợp vẫn chưa thực sự nhịp nhàng, có biểu hiện “quyền anh, quyền tôi;” có vụ, việc chậm được hướng dẫn, chỉ đạo xử lý hoặc hướng dẫn thiếu thống nhất, gây khó khăn, kéo dài trong xử lý một số vụ án, vụ việc ở địa phương. Bốn cơ quan cần nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế, đề ra các giải pháp khắc phục, nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong thời gian tới.

Xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp

Nhắc lại phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính vừa qua, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng lưu ý đây là tư tưởng, quan điểm chỉ đạo quan trọng cho công tác phối hợp giữa các cơ quan nội chính nói chung và giữa bốn cơ quan nói riêng.

Cơ bản đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong báo cáo, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã nêu lên một số vấn đề cụ thể. Đó là cần tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong công tác nghiên cứu, tham mưu các chủ trương, quan điểm, định hướng lớn của Đảng về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; các chủ trương, giải pháp về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Trước mắt cần tập trung phối hợp nghiên cứu, xây dựng Đề án về chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; đề án về mô hình cơ quan đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; đề án về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án...

Nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác thẩm định, tham gia ý kiến các đề án, văn bản về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, bảo đảm cho pháp luật phù hợp với Cương lĩnh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng.

Các cơ quan tiếp tục tăng cường phối hợp, tham mưu chỉ đạo đẩy mạnh công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong tham mưu, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo “Có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó; có dấu hiệu phạm tội phải khởi tố, điều tra; kết luận có tội phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật”; và “không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào.”

Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh những vi phạm có tính chất thách thức đối với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thách thức dư luận xã hội cần xử lý nghiêm minh và kịp thời.

Một số vụ việc cần đẩy mạnh hơn, nhất là các vụ việc mà dư luận xã hội quan tâm, liên quan tới nhiều người, đặc biệt là lãnh đạo chủ chốt, đã có chỉ đạo, phải khẩn trương giải quyết.

Dẫn chứng 3 vụ việc xử lý vừa qua có tác dụng xã hội tốt, xa hơn là vụ xử lý nhóm "báo sạch" gần đây là xử lý vụ bà Nguyễn Phương Hằng và mới đây là vụ thao túng thị trường chứng khoán, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nêu rõ đây là ba vụ sai phạm có tính chất thách thức đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; những xử lý đó là nghiêm minh, kịp thời.

Các cơ quan phối hợp tham mưu có hiệu quả cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Ông Võ Văn Thưởng yêu cầu, chủ động phối hợp, tham mưu chỉ đạo xử lý kịp thời các vụ án, vụ việc có liên quan đến chính trị, đối ngoại, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm theo đúng Chỉ thị số 26-CT/TW của Bộ Chính trị và Hướng dẫn 04-HD/TW của Ban Bí thư.

Quan tâm phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn xử lý các khó khăn, vướng mắc, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực ở địa phương. Phối hợp tham mưu chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp, nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhất là về an ninh biên giới, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn; hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; hoạt động của các loại tội phạm nguy hiểm; những bức xúc, khiếu kiện đông người kéo dài, phức tạp... không để phát sinh “điểm nóng,” bị động, bất ngờ.

Các cơ quan tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước ở các cơ quan nội chính, nhất là kiểm tra, giám sát hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; thực hiện kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo tại các phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo và thực hiện kiến nghị của các Đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo.

Trước mắt, các cơ quan cần phối hợp tham mưu, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Kế hoạch kiểm tra của Ban Chỉ đạo về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực.

Nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính; xây dựng đội ngũ cán bộ các cơ quan nội chính, tư pháp trong sạch, liêm chính, có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước; chủ động phối hợp, nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách để hoàn thiện tổ chức, bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nội chính; tham gia ý kiến trong việc quy hoạch, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với các chức danh cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tỉnh ủy, thành ủy quản lý trong các cơ quan nội chính. Phối hợp tham mưu cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; đổi mới cơ chế tuyển chọn, bổ nhiệm các chức danh tư pháp…, xây dựng đội ngũ cán bộ các cơ quan nội chính nói chung, cơ quan tư pháp nói riêng thực sự liêm chính, bản lĩnh, công tâm, khách quan "phụng công thủ pháp;" phải là những "bao công" trong thời đại mới, như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng...

Phát biểu kết thúc hội nghị, ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đã nhấn mạnh phát biểu của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã đánh giá sâu sắc, toàn diện những kết quả đạt được, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và định hướng những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng về công tác phối hợp của bốn cơ quan trong thời gian tới, nhất là là phải nêu cao trách nhiệm, thực sự trong sáng, chân thành, thấu hiểu, tin tưởng lẫn nhau, chia sẻ thông tin và hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong thực hiện nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao.

Tại hội nghị, các đồng chí lãnh đạo đã trao thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Nội chính Đảng,” Bằng khen của Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho nhiều tập thể và cá nhân./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=385
Quay lên trên