Xử lý môi trường, tuyên truyền phòng, chống bệnh tay chân miệng

Cập nhật: 01-07-2023 | 08:51:05

Sau khi ghi nhận 2 ca tử vong do bệnh tay chân miệng (TCM) trên địa bàn phường Thuận Giao và phường An Thạnh, TP.Thuận An, chính quyền địa phương phối hợp cùng ngành y tế, chủ nhà trọ tiến hành phun hóa chất, xử lý môi trường và tuyên truyền người dân tại các khu trọ, đặc biệt là gia đình có trẻ dưới 5 tuổi không lơ là, chủ quan trong phòng bệnh.


Tuyên truyền phòng, chống bệnh tay chân miệng tại khu nhà trọ 1/583 khu phố Hòa Lân 2, phường Thuận Giao

Ghi nhận 2 ca tử vong

Ca tử vong đầu tiên là bệnh nhi 38 tháng tuổi, tạm trú tại khu phố Thạnh Hòa B, phường An Thạnh, TP.Thuận An, được chẩn đoán bệnh TCM độ IV-N2 phù phổi cấp. Bệnh nhân nhập Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.Hồ Chí Minh trong tình trạng sốt cao, giật mình, đi loạng choạng. Quá trình truyền Gama globulin, bệnh nhân giảm sốt, giật mình nhiều, mạch rõ 130 lần/phút, huyết áp không đo được do bé quấy nên dùng Phenobarbital uống. Sau 10 ngày nhập viện, bệnh nhi nằm yên, đừ, môi hồng nhạt, chi ấm, mạch bắt rõ 160 lần/phút, huyết áp 95/60, thở không đều, có cơn ngưng thở dưới 10 giây. Các bác sĩ tiến hành đặt NKQ, trào bọt hồng, an thần sau đó chuyển Khoa Hồi sức tích cực.

Tại Khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhi bị sốc được thở máy, vận mạch Dobutmin liều tăng dần, phối hợp Adrenalin chống phù não, hạ sốt tích cực, kháng sinh, lọc máu liên tục, truyền Gama globulin liều 2. Bệnh nhân tạm ổn, tuy nhiên chỉ vài giờ sau bệnh nhi đột ngột vào cơn nhịp nhanh nhất, 20 giây sau bệnh nhân vào rung thất được xử trí xốc điện, hồi sức tim, phổi. Sau 120 phút hồi sức tích cực và sau 40 giờ nhập viện, bệnh nhân tử vong.

Ca tử vong thứ 2 là bệnh nhi nam, 10 tháng tuổi có hộ khẩu thường trú tại huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, tạm trú tại khu nhà trọ 1/583, khu phố Hòa Lân 2, phường Thuận Giao, TP.Thuận An khoảng gần 1 tháng. Bệnh nhân khởi sốt vào khoảng ngày 19-6, gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.Hồ Chí Minh khám và được bác sĩ tư vấn bị thiếu máu, cho thuốc bổ về uống. Ngày 22-6, bé xuất hiện thêm triệu chứng nôn ói, gia đình đưa đến phòng khám tư nhân thuộc phường Thuận Giao được chẩn đoán bệnh TCM và điều trị ngoại trú. Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, gia đình chuyển bé đến bệnh viện tư nhân rồi tiếp tục chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng lơ mơ. Ngay sau đó, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.Hồ Chí Minh trong tình trạng bất tỉnh và tử vong ngày 25-6.

Quá trình điều tra thực địa tại 2 địa phương, ngành y tế tỉnh ghi nhận khu vực gần nhà bệnh nhi là các phòng trọ, sử dụng nước giếng khoan để sinh hoạt. Nhân viên y tế điều tra các khu vực quanh nhà trọ nhưng trong vòng 14 ngày qua không có ca mắc bệnh TCM.

Xử lý môi trường, phát tờ rơi tuyên truyền

Ghi nhận của P.V tại khu nhà trọ 1/583 khu phố Hòa Lân 2, phường Thuận Giao có 28 phòng trọ. Sau khi nhận được thông tin có ca bệnh TCM tử vong tại đây, nhân viên y tế cùng với chính quyền địa phương, chủ nhà trọ tiến hành phun hóa chất, xử lý môi trường trong vòng bán kính 200m và tuyên truyền người dân tại các khu trọ, đặc biệt gia đình có trẻ dưới 5 tuổi không lơ là, chủ quan phòng bệnh.

Nói về công tác xử lý dịch bệnh của địa phương, chị Phạm Thị Ni, ở phòng số 5, khu trọ 1/583, cho biết: “Tôi trọ ở đây đã lâu, nghe tin có ca tử vong TCM trong khu trọ tôi rất hoang mang. Hôm qua cán bộ phường, nhân viên y tế, chủ nhà trọ xuống khử khuẩn, phát tờ rơi, hướng dẫn cách phòng bệnh nên tôi cũng yên tâm hơn”.

Bà Hồ Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Giao, cho biết: “Không phải khi xảy ra ca bệnh tử vong trên địa bàn thì phường mới tuyên truyền người dân phòng bệnh mà đây là công việc thường xuyên, liên tục của phường và khu phố. Sau ghi nhận ca tử vong, cán bộ địa phương phối hợp chủ nhà trọ giám sát, theo dõi sức khỏe của người dân ở 28 phòng trọ trên. Nếu các thành viên trong gia đình, đặc biệt trẻ dưới 5 tuổi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh cần thông báo ngay cho phòng khám đa khoa khu vực để được hướng dẫn kịp thời. Địa phương cũng đẩy mạnh tuyên truyền, phát tờ rơi phòng, chống bệnh TCM đến người dân, khuyến cáo thực hiện vệ sinh cá nhân, rửa tay, súc miệng bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường”.

Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tính đến ngày 29-6 Bình Dương ghi nhận 938 ca bệnh mắc bệnh TCM và 2 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc giảm nhưng có xu hướng gia tăng ca bệnh nặng, phức tạp. Các địa phương có số ca mắc cao là: TP.Dĩ An 236 ca, TP.Thuận An 227 ca, TP.Thủ Dầu Một 165 ca, TP.Tân Uyên 129 ca.

“Mỗi ngày, Khoa Nhi, bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận khoảng 20 ca mắc TCM, trong đó có khoảng 10% là ca nặng. Bệnh TCM hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, có thể diễn tiến nặng, nhanh đe dọa tính mạng. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, người nhà cần đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế gần nhất, theo dõi trẻ để phát hiện sớm các dấu hiệu chuyển nặng, như: Giật mình, sốt cao liên tục, quấy khóc liên tục, mạch nhanh, nổi bông tím, yếu tay chân”.

(Bác sĩ CKI Lê Thị Trang, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh)

HOÀNG LINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên