“Xử lý tham nhũng không chừa đối tượng nào”

Cập nhật: 04-08-2011 | 00:00:00

"Tham nhũng có đường dây của nó. Tinh thần chỉ đạo và xử lý là không chừa một ai, không chừa bất cứ đối tượng nào, có chức vụ nào nhưng đúng pháp luật, tránh oan sai".

Đó là phát biểu của tân Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với PV bên hành lang Quốc hội chiều 3-8.

 

Ông Phúc nói:

- Chính phủ nhiệm kỳ này tiếp tục cải cách bộ máy, cải cách hành chính công, tập trung nhất là cải cách công vụ làm sao để cán bộ công chức hiểu biết chuyên môn nghiệp vụ sâu sắc, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Mỗi cán bộ công chức thực thi công việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tránh nhũng nhiễu phiền hà, tiêu cực. Mình cải cách thủ tục tốt đến mấy nhưng khâu cán bộ không tốt thì chủ trương “cải cách để gần dân, phục vụ dân” cũng không có kết quả.

- Cá nhân Phó Thủ tướng có cam kết gì trên cương vị mới?

- Tôi nhận thức phải cùng các thành viên Chính phủ đồng tâm hiệp lực, đoàn kết nhất trí, tương trợ tương đồng, sâu sát với dân, lắng nghe nguyện vọng của dân. Trước hết giải quyết những nỗi bức xúc của dân đang đặt ra đối với các cấp chính quyền. Bức xúc này rất nhiều, như vấn đề ùn tắc giao thông, tiêu cực tham nhũng, thủ tục hành chính, chất lượng công trình, đặc biệt là thái độ phục vụ dân của cơ quan công quyền. Trong khi đây đều là những bức xúc có thể giải quyết được nếu có quyết tâm.

- Ông khẳng định quyết tâm chống tham nhũng?

- Tôi cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng vừa qua có kết quả bước đầu quan trọng chứ không phải không có kết quả nào. Một trong những nhiệm vụ hàng đầu ở nhiệm kỳ này là tiếp tục chống tham nhũng. Tôi nghĩ phải có quy định cụ thể hơn, giám sát của dân tốt hơn và thông tin đại chúng tốt hơn. Tức là biện pháp đồng bộ mà trước hết là biện pháp về luật pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn.

- Nhưng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi trả lời báo chí sau nhậm chức có nói rằng văn bản giấy tờ đầy đủ rồi, vấn đề là hành động?

- Nói đủ không sai nhưng luật pháp của chúng ta vẫn cần chỉnh sửa, tạo thuận lợi hơn cho công cuộc này.

- Cụ thể chỉnh sửa thế nào?

- Đầu tiên là phát huy tính phát hiện của người dân. Rồi hình thức xử lý mạnh hơn. Cũng phải rà soát các cơ quan đơn vị về tính công khai minh bạch trong việc phục vụ dân.

Hay như giám sát, tôi ví dụ đầu tư xây dựng hiện nay giám sát tốt chưa? Tôi nói chưa tốt. Tại sao có những công trình sau một thời gian rất ngắn đã hư hỏng? Phải quy trách nhiệm chứ không phải anh cứ xây xong là thôi đâu. Phải theo đến cùng những việc như thế. Cho nên cần tập trung vào một số khâu dễ xảy ra tham nhũng và có phương pháp giám sát tốt hơn để hạn chế tham nhũng. Tham nhũng có đường dây của nó. Tinh thần chỉ đạo và xử lý là không chừa một ai, không chừa bất cứ đối tượng nào, có chức vụ nào nhưng đúng pháp luật, tránh oan sai.

- Nhưng phổ biến lâu nay là “tham nhũng vặt”?

- Đúng. Đó chính là vấn đề mà ở các nước không có. Không phải tham nhũng chỉ rơi vào cán bộ ở chức vụ cao. Một nhân viên bình thường liên quan tới khâu giải quyết thủ tục cho dân cũng có thể tham nhũng. Vì thế phải công khai minh bạch như tôi đã nói.

- Ông nhấn mạnh yếu tố công khai minh bạch, nhưng có một vấn đề là tài sản của cán bộ công chức lâu nay mới dừng ở mức kê khai mà chưa công khai?

- Theo tôi thì cần công khai. Công khai tài sản cán bộ có được để dân, nhất là tại nơi cư trú, giám sát. Điều đó rất cần thiết. Chứ nếu kê khai mà đút trong tủ thì tác dụng không bao nhiêu.

- Thưa, Phó thủ tướng kê khai tài sản thế nào?

- Tôi đã kê khai (kèm lý lịch khi làm nhân sự). Quốc hội đã biết.

Tôi kê rất rõ nhà đất thế nào, ở đâu, phương tiện thế nào.

Ý kiến cử tri

Thạc sĩ Vũ Quốc Chinh (giảng viên ĐH Kinh tế TP.HCM): Thay đổi tư duy quản lý

Mấu chốt hiện nay là phải khôi phục được lòng tin của người dân bằng yếu tố quan trọng nhất là sự phát triển kinh tế. Tôi hi vọng bộ máy Chính phủ trong nhiệm kỳ mới có bước đột phá trong điều hành. Kiềm chế lạm phát, nâng cao hiệu quả của đầu tư công, tạo môi trường kinh doanh tốt... là những điều kiện tiên quyết để khôi phục niềm tin về kinh tế trong người dân, doanh nghiệp. Tất cả những điều này chỉ có thể thực hiện được khi có một tư duy mới về quản lý.

Ông Đỗ Hà Nam (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex TP.HCM): Trả lại môi trường kinh doanh bình thường

Tôi hi vọng tính quyết đoán của các thành viên Chính phủ trong nhiệm kỳ mới đủ mạnh để phá vỡ những rào cản trong phát triển kinh tế đất nước hiện nay, tạo ra một đà phát triển mới trong tương lai. Không một doanh nghiệp nào có thể tồn tại được với mức lãi suất hiện nay. Chúng tôi luôn mong muốn lãi suất được cải thiện, hạn chế rủi ro trong kinh doanh. Để làm được, phải cải thiện tình trạng lạm phát, trả lại môi trường kinh doanh bình thường để doanh nghiệp có cơ hội phát triển.

Theo Tuổi Trẻ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên