Ngày 29-10, Báo Bình Dương có thông tin phản ánh “Cần xử lý nghiêm vi phạm nuôi chó thả rông”. Sau đó, người dân tiếp tục phản ánh việc một số địa phương bắt chó thả rông trên địa bàn theo kiểu “làm lấy lệ”. Qua trao đổi với một số lãnh đạo chính quyền cơ sở, được biết thời gian qua đơn vị đã gặp khó khăn trong công tác này.
Giữa năm 2024, phường Tân Bình, TP.Dĩ An thành lập đội bắt chó thả rông chuyên nghiệp, xử lý đúng theo quy định
Chưa quyết liệt
Đó là lời khẳng định của nhiều người dân khi tiếp chuyện với P.V báo Bình Dương về công tác bắt, xử lý chó thả rông không đeo rọ mõm của một số chính quyền cơ sở. Nhiều người dân cho rằng, thời gian qua, chính quyền cơ sở chỉ ra quân bắt chó thả rông được một vài lần, sau đó công tác này đi vào lãng quên. Vì chưa thể hiện tinh thần kiên quyết bắt và xử lý, nên chó không được đeo rọ mõm vẫn thường xuyên xuất hiện trên đường, nơi công cộng.
Từ thông tin người dân phản ánh, chiều 13-11, P.V có mặt tại Bến đò Trạm, thuộc khu phố Tân Ba, phường Thái Hòa, TP.Tân Uyên để ghi nhận sự việc có một đàn chó tại địa điểm này. Qua quan sát, tại Bến đò Trạm có gần 10 chú chó không đeo rọ mõm, thả rông trên phố. Đàn chó này rất hung dữ, thấy người lạ, cả đàn chó rượt đuổi. Việc này gây mất an toàn giao thông, người qua đường lo sợ bị chó cắn.
Trao đổi với P.V, bà Trần Thị L. (32 tuổi), ngụ khu phố Tân Ba, phường Thái Hòa cho biết qua truyền thông, mới đây một cháu bé 7 tuổi ở Quảng Nam bị chó dại cắn, tử vong sau đó. Thế nhưng tại phường Thái Hòa, tình trạng người dân nuôi chó thả rông không đeo rọ mõm khá nhiều nhưng chính quyền địa phương chưa triển khai quyết liệt bằng việc bắt, xử lý”.
Tương tự, ông Lê Hữu T. (59 tuổi), ngụ khu phố 8 phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một, cho biết thời gian qua việc người dân nuôi chó thả rông không đeo rọ mõm diễn biến rất phức tạp nhưng chính quyền địa phương chưa triển khai việc bắt, xử lý. Ông T. cho rằng chính quyền địa phương nên lập đường dây nóng để người dân “chỉ điểm” hoặc thông qua hệ thống cụm loa đài của phường, chính quyền địa phương thông báo công khai tên người nuôi chó thả rông không đeo rọ mõm.
Người dân mong muốn chính quyền phường Thái Hòa triển khai bắt giữ đàn chó hung dữ tại Bến đò Trạm, thuộc khu phố Tân Ba
Chính quyền cơ sở gặp khó
Bà Nguyễn Thị Mỹ Khanh, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, cho biết việc người dân nuôi chó thả rông không đeo rọ mõm trên địa bàn còn xảy ra nhiều. Để người dân nâng cao ý thức, địa phương cấp phát 2.542 bảng hướng dẫn và ký cam kết trong việc nuôi chó, mèo. Giữa năm nay, địa phương đã thành lập tổ kiểm tra xử lý chó thả rông. Sau thời gian vào cuộc xử lý, đến nay đơn vị đã lập biên bản nhắc nhở 15 trường hợp. Sau đó có nhiều hộ dân đã làm chuồng, xích chó tại nhà.
Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Khanh, thời gian qua địa phương gặp nhiều khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý chó thả rông. Cụ thể, hiện địa phương không có kinh phí hỗ trợ cho các thành viên tổ chuyên bắt chó tiêm ngừa bệnh dại. Khi bắt chó về không có địa điểm chăn nhốt, tiềm ẩn gây mất vệ sinh tại trụ sở ủy ban phường khi người dân không đến nhận. Mặt khác, địa phương không có kinh phí thực hiện hoạt động cho tổ chuyên săn bắt chó; khi phát hiện chó thả rông, lực lượng chức năng bắt, lập biên bản thì dân chửi bới, xúc phạm và không hợp tác. Trước những khó khăn này, vừa qua địa phương đã báo cáo lên thành phố xin kinh phí hỗ trợ cho công tác này.
Trong khi đó, ông Thượng Văn Bình, Chủ tịch UBND phường Tân Phước Khánh, TP.Tân Uyên, cho biết qua những buổi tiếp xúc cử tri gần đây, người dân phản ánh tình trạng chó thả rông gây tiềm ẩn nhiều hệ luỵ. Trước sự việc trên, địa phương triển khai việc bắt chó thả rông, nhưng gặp nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động và nhân lực tham gia. Sau đó địa phương báo cáo thành phố xin kinh phí hoạt động. Hiện tổ chuyên bắt chó thả rông của phường đã thể hiện sự chuyên nghiệp. Song song với công tác tuyên truyền, vận động, địa phương sẽ thành lập đường dây nóng để người dân cung cấp thông tin, bắt chó thả rông.
Ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TP.Tân Uyên, cho biết thời gian qua địa phương chỉ giao phần việc này cho Phòng Quản lý đô thị thành phố phối hợp với Trạm Thú y thực hiện. Từ đầu năm đến nay, địa phương chỉ ra quân được một hai lần, phát hiện, lập biên bản vài chục trường hợp chó thả rông. Nhằm phát huy hiệu quả công tác này, thời gian tới địa phương sẽ lên kế hoạch hỗ trợ kinh phí cho các phường, xã thực hiện bắt chó thả rông theo kế hoạch của từng địa phương. |
THANH QUANG