Xuất hiện những rào cản mới cho hàng xuất khẩu Việt Nam

Cập nhật: 16-07-2011 | 00:00:00

Theo các chuyên gia, sắp tới EU có khả năng sẽ thay đổi đáng kể cơ chế ra quyết định áp dụng các biện pháp chống bán phá giá theo hướng phức tạp và kéo dài thời gian hơn...điều này ít nhiều sẽ ảnh hướng tiêu cực cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Vì vậy, để có thế ứng phó tốt nhất với những thay đổi này, ngày 14-7, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Công ty Luật EU Gide Loyrrete Nouuel (GIDE) tổ chức hội thảo Chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu vào EU: Những diễn biến mới- tác động và ảnh hưởng.

Có khả năng sẽ thay đổi nhiều rào cản...

Theo báo cáo của VCCI, EU là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam với dân số 500 triệu người và nhu cầu tiêu thụ lớn các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, bất kỳ thay đổi nào trong quy định liên quan đến xuất khẩu ở EU đều có ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình và triển vọng xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp cần theo dõi sát mọi động thái chính sách của EU để có thể chủ động đối phó kịp thời.

 

Trong điều kiện kinh tế khó khăn, EU đang đối mặt với những khó khăn nội tại như lạm phát, nợ công và hàng rào kỹ thuật dưới sức ép này có thể sống lại. Nếu chúng ta không chuẩn bị trước thì các ngành hàng của Việt Nam khi vào thị trường tiềm năng này sẽ bị ảnh hưởng.

Theo Luật sư Alexis Massot, EU đã tiến hành 10 vụ kiện chống bán phá giá và trở thành nơi áp dụng nhiều nhất các biện pháp này đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Mặc dù quy mô các vụ kiện này tương đối nhỏ nhưng số lượng các vụ kiện đã cho thấy nguy cơ bị kiện tại thị trường này rất lớn. Đặc biệt, khi các quy định và thông lệ về phòng vệ thương mại của EU trước đây được xem là bớt khắt khe hơn các nước khác thì hiện nay có khả năng sẽ thay đổi theo hướng bất lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Vì vậy, EU có khả năng sẽ thay đổi đáng kể cơ chế ra quyết định áp dụng các biện pháp chống bán phá giá theo hướng phức tạp và kéo dài thời gian hơn. EU cũng có thể sẽ tăng cường các hoạt động chống trợ cấp vì cho rằng các doanh nghiệp nước ngoài được hưởng lợi thế cạnh tranh không lành mạnh từ những ưu đãi của chính phủ, nơi các quy định kiểm soát trợ cấp ngặt nghèo như ở EU. Thậm chí EU có khả năng sẽ gia tăng các vụ điều tra “đúp” cả chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với hàng hóa nước ngoài, một thực tế mới xuất hiện trong thời gian gần đây.

... Và những cách ứng phó

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hội đồng tư vấn về Phòng vệ thương mại VCCI, cho biết: về nguyên tắc, một vụ kiện có thể xảy ra nếu ngành sản xuất nội địa EU có đơn kiện áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hoặc tự vệ gửi đến ủy ban châu Âu. Đơn kiện phải có bằng chứng chứng minh hàng nước ngoài nhập khẩu bán phá giá hoặc được trợ cấp vào EU và việc này gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa của EU.

Như vậy về nguyên tắc doanh nghiệp có thể tránh được vụ kiện nếu không tạo ra những “cái cớ” để ngành sản xuất nội địa EU sử dụng để đi kiện. Nói cách khác, doanh nghiệp có thể tránh được vụ kiện bằng cách chú ý điều chỉnh giá bán hàng tương tự tại Việt Nam để đảm bảo rằng giá bán này không quá cao hơn giá bán sang EU (gọi là giá xuất khẩu).

Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với Việt Nam được EU công nhận là nền kinh tế thị trường hoặc ngành liên quan được thừa nhận quy chế kinh tế thị trường cho riêng mình. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cố gắng chuyển dần từ cạnh tranh giá (giá rẻ) sang cạnh tranh bằng chất lượng. Đây là cách hữu hiệu để tránh các vụ kiện trong khi Việt Nam vẫn bị coi là nền kinh tế phi thị trường.

Đặc biệt, trong trường hợp đã có đơn kiện doanh nghiệp vẫn có thể ngăn chặn một vụ điều tra bằng cách thỏa thuận với bên đi kiện bằng nhiều cách khác biệt để họ tự rút đơn; gặp gỡ, vận động các nhóm cùng lợi ích với Việt Nam để họ lên tiếng phản đối việc chấp nhận đơn kiện và khởi xướng điều tra . Trong quá trình xem xét đơn kiện và cân nhắc việc có khởi xướng điều tra, ủy ban châu Âu không thể bỏ qua tiếng nói này.

Theo VnMedia

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên