Xuất khẩu cá tra, ba sa giảm : Mất cơ hội bứt phá

Cập nhật: 19-12-2009 | 00:00:00

Chế biến cá tra, cá ba sa tại Đồng Tháp.

Tại hội nghị tổng kết ngành thủy sản năm 2008, năm được đánh giá là thành công vượt bậc của xuất khẩu cá tra (kể cả cá ba sa) - khi kim ngạch xuất khẩu đã tăng mạnh, 1,45 tỷ USD, chỉ kém con tôm chút ít, lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ là cơ hội tốt cho cá tra Việt Nam bứt phá. Đánh giá này được đưa ra là do sản phẩm cá tra, ba sa phù hợp với túi tiền của đa số người tiêu dùng, thay thế các loại thực phẩm cao cấp trên thị trường thế giới đang sụt giảm mạnh.

Xuất khẩu cá tra - mảng “tối” và “sáng”

Theo ước tính của Bộ Công thương, năm nay xuất khẩu cá tra, ba sa sẽ đạt khoảng 1,3 tỷ USD. Nhưng trên thực tế, việc xuất khẩu mặt hàng này lại xuất hiện 2 mảng tối và sáng khác nhau. Kim ngạch xuất khẩu, thay vì tăng lại liên tục sụt giảm từ đầu năm đến nay.

Đến nửa đầu tháng 11, lượng cá tra xuất khẩu gần 1,171 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2008; trong đó lượng cá tra xuất vào Nga giảm gần 63% so với cùng kỳ năm ngoái (chỉ trên 39.000 tấn cá tra, basa với 63,65 triệu USD). Nửa đầu tháng 11, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Nga tăng hơn 2 lần so với cả tháng 11-2008 (2,487 triệu USD) và đang dần lấy lại vị thế của thị trường rất tiềm năng đối với cá tra Việt Nam.

Theo VASEP, việc xuất khẩu sang Nga phải thận trọng, bởi đây là thị trường nhiều rủi ro, nhiều biến động. Phí mở tín dụng thư (L/C) tại ngân hàng phía Nga rất cao so với các nước khác nên các doanh nghiệp (DN) Nga không muốn mở L/C để bảo lãnh thanh toán mà sử dụng phương thức khác để giảm chi phí, dẫn đến rủi ro về phía bán hàng. Dù xuất khẩu cá tra có thể tiến triển tốt hơn ở thị trường Ucraina, nhưng không phải vì vậy mà có thể cho rằng đã khởi sắc. Nhưng theo các DN chế biến thủy sản, Ba Lan và Hà Lan mới là “đại diện” thật sự của mảng tối trong bức tranh xuất khẩu cá tra năm 2009. Tỷ lệ sụt giảm 2 thị trường này ngày càng cao, giảm lần lượt 45,5% và 29% so với cùng kỳ 2008, góp phần lớn vào sự sụt giảm xuất khẩu cá tra ở thị trường EU.

Trong khi đó, mảng sáng của việc xuất khẩu cá tra lại khá ấn tượng, khi mức tăng tại thị trường Mỹ và ASEAN nhập khẩu cá tra có 2 con số, tăng 70% (116 triệu USD) và tăng 13% (75,6 triệu USD). Nhưng rất tiếc, sau khi thua trong vụ kiện chống bán phá giá, Mỹ không còn là thị trường chính của cá tra Việt Nam hiện nay, ASEAN càng không. Do vậy, thay vì lợi dụng cơ hội để bứt phá, cá tra Việt Nam năm 2009 lại trải qua giai đoạn khó khăn nhất không chỉ với người nuôi mà cả với nhà chế biến.

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân

Sự phát triển vượt bậc và ngày càng có nhiều thị trường tiêu thụ cá tra, ba sa VN (lên đến khoảng 140 quốc gia), lại xuất hiện nguy cơ bị nói xấu. Không ít nước đã và đang sử dụng phương tiện truyền thông nhằm “hạ bệ” sản phẩm cá tra, ba sa nhằm bảo vệ sản phẩm các nước sở tại thay vì dùng biện pháp chống bán phá giá để tăng thuế như Mỹ. Có điều cũng phải thừa nhận: “Nếu không có lửa làm sao có khói?” Sự bất ổn tại một số thị trường nhập khẩu như Nga và thông tin xấu “bôi bẩn” cá tra ở không ít quốc gia như Tây Ban Nha, Ý, Ai Cập… đều có nguyên nhân từ chính DN Việt Nam.

Hiện nay, một số DN xuất khẩu (chủ yếu không có nhà máy chế biến và xuất ủy thác) chuyên mua gom cá chết, cá ngộp trong quá trình thu hoạch và vận chuyển, cá dạt tại nhà máy sau đó nhờ gia công chế biến và trộn vào sản phẩm chất lượng để xuất khẩu. “Ổ dịch” này tập trung ở An Giang và TP Cần Thơ, kế đến là Tiền Giang, Đồng Tháp… Phó Chủ tịch VASEP, ông Nguyễn Hữu Dũng nhiều lần phát biểu, một số DN đã tự “bôi bẩn” uy tín cả ngành khi “tàn phá” chất lượng cá tra, ba sa xuất khẩu, mùi vị cá không còn mà chỉ có… nước do tỷ lệ mạ băng lên đến 20%-30% thay vì 10%. Và chỉ cần 1 nước “la lên” lập tức ảnh hưởng đến những nước nhập khẩu khác.

Đó là hậu quả của sự cạnh tranh không lành mạnh, thay vì nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng, không ít DN lại dùng chiêu giảm giá bán. Hậu quả, giá xuất từ 5 USD/kg cá tra phi lê khi mới xuất khẩu, đến nay giá xuất bình quân chỉ còn 2,23 USD/kg (năm 2008 là 2,25 USD/kg). Lo ngại về sự sụt giảm giá xuất khẩu cá tra, tại cuộc họp giao ban xuất khẩu, Bộ NN- PTNT đề nghị cần bổ sung cơ chế chính sách để khắc phục tình trạng này. Dự báo năm 2010 tới, với sự tăng giá liên tục của các yếu tố đầu vào, cùng với sự điều chỉnh mạnh để cân đối cung cầu, giá trung bình xuất khẩu cá tra sẽ tăng trở lại.

Tuy nhiên, để tăng giá trị xuất khẩu, giảm chi phí vận chuyển, đảm bảo thương hiệu cho cá tra Việt Nam về lâu dài, DN tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và liên kết chặt chẽ để có được mức giá sàn cơ bản cho cá tra khi xuất khẩu. Nếu có đỗ lỗi cho chiến dịch “la làng” của một số nước cũng cần tự trách mình trước. Vì vậy quản lý chất lượng là vấn đề quyết định sự sống còn của xuất khẩu thủy sản

THEO SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=375
Quay lên trên