Xuất khẩu cần chủ động với các biện pháp phòng vệ thương mại

Cập nhật: 24-03-2010 | 00:00:00

Cùng với việc mở cửa nền kinh tế, đặc biệt là sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), với một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, các loại hàng hóa của Việt Nam đã có mặt ở hầu khắp các thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng đã bắt đầu làm quen và nếm “trái đắng” từ những biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) được sử dụng ở nhiều nước, có khả năng gây thiệt hại lớn và lâu dài đến xuất khẩu của Việt Nam...

Theo báo cáo Bảo hộ thương mại toàn cầu 2009, trên thế giới đang có xu hướng gia tăng các biện pháp PVTM (chống bán phá giá, các biện pháp đối kháng và biện pháp tự vệ). Theo các chuyên gia, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu cũng sẽ dẫn đến sự gia tăng các hoạt động PVTM.

Dưới hình thức thuế bổ sung, hạn ngạch... các biện pháp PVTM (biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ) là những rào cản mang tính bảo hộ đang có nguy cơ gia tăng tại các thị trường xuất khẩu. Theo tính toán, từ vụ kiện chống bán phá giá đầu tiên năm 1994 (gạo, Colombia), cho đến thời điểm này, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã là đối tượng của 42 vụ kiện PVTM, nhiều nhất là kiện chống bán phá giá 32 vụ, kế đó là tự vệ 6 vụ và gần đây nhất là vụ kiện chống trợ cấp đầu tiên đối với túi nhựa PE Việt Nam tại Hoa Kỳ.

So với các nước khác, con số 42 vụ kiện là không lớn, song cũng đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đối với nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam. Trong tương lai, với định hướng xuất khẩu cũng như thực tế hoạt động ngoại thương, chắc chắn việc bị kiện bán phá giá hay trợ cấp sẽ còn diễn tiến phức tạp. Nếu Nhà nước, các địa phương, hiệp hội ngành hàng và nhất là bản thân các DN không tích cực, chủ động đối phó thì ảnh hưởng của những vụ kiện này sẽ làm giảm đáng kể hiệu quả của những nỗ lực tìm kiếm, mở rộng, xúc tiến thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam với đặc điểm là nền kinh tế đang phát triển và hội nhập quốc tế, phải đối mặt với tình trạng bán phá giá của hàng hóa nước ngoài tại thị trường nội địa và tình trạng hàng hóa xuất khẩu bị áp dụng các biện pháp bảo hộ tại thị trường nước ngoài. Có một dấu hiệu đáng quan ngại là, nếu thời gian trước, hầu hết các vụ kiện PVTM đối với hàng hóa của Việt Nam chỉ tập trung vào những mặt hàng xuất khẩu mà chúng ta có thế mạnh hay ở những thị trường lớn, thì nay đã xuất hiện nhiều vụ kiện với những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu không lớn và ở những thị trường mà thị phần của chúng ta còn rất nhỏ.

Trong thời gian qua, chúng ta chủ yếu bị kiện chống bán phá giá và biện pháp tự vệ, nhưng theo các chuyên gia, chúng ta đã bắt đầu phải đối mặt với công cụ cuối cùng của nhóm các biện pháp PVTM, kiện chống trợ cấp, đặc biệt trong bối cảnh còn nhiều quốc gia chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Các vụ kiện chống trợ cấp, với đặc thù là không chỉ DN mà cả Chính phủ cũng là một bên của vụ kiện và phải tham gia các thủ tục tố tụng liên quan, nên tầm ảnh hưởng và hậu quả để lại nếu thua kiện là rất lớn.

Vì vậy, hơn lúc nào hết, việc đối phó và vượt qua những khó khăn này trở nên cấp bách và đặc biệt quan trọng đối với sản xuất, xuất khẩu Việt Nam cả hiện tại và trong tương lai.

ĐÀM THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=332
Quay lên trên