Xuất khẩu - đầu tư tiếp tục ổn định và phát triển

Cập nhật: 12-05-2010 | 00:00:00

4 tháng đầu năm 2010, tuy tình hình khách quan không thuận lợi nhưng bức tranh kinh tế của Bình Dương tiếp tục đạt kết quả khả quan. Trong đó 2 lĩnh vực quan trọng nhất là xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn ổn định và phát triển.

Sản xuất công nghiệp ở Bình Dương tiếp tục phát triển ổn địnhTheo Cục Thống kê Bình Dương, trong 4 tháng đầu năm, mặc dù ngành công nghiệp của tỉnh đang trên đà phục hồi nhưng sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn còn gặp nhiều khó khăn do giá nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào tăng, nhất là giá điện, than, xăng dầu, sắt thép, cước vận chuyển... đã tác động đến giá bán sản phẩm. Trước tình hình đó, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã vượt qua khó khăn để ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh nhờ thực hiện những hướng đi phù hợp. Sắp xếp lại các lĩnh vực sản xuất một cách hợp lý hơn nhằm tiết kiệm chi phí và phát huy hiệu quả từng bộ phận trong đơn vị, chủ động đàm phán với khách hàng, xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm, thực hiện triệt để ở mỗi khâu sản xuất, nghiên cứu phát triển các mặt hàng mới có giá trị gia tăng cao.

Từ những giải pháp hiệu quả mà DN thực hiện đã góp phần đưa xuất khẩu của Bình Dương trong 4 tháng đạt mức khá, với 2.153,8 triệu USD; tăng 18,3% so cùng kỳ năm 2009. Bên cạnh các mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị cao và tăng khá như hàng dệt may tăng 65,5%, giày dép tăng 15,2%, sản phẩm gỗ tăng 14,1%; trong 4 tháng qua các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác cũng đạt tốt hơn như hàng thủy sản tăng 41%; hạt điều nhân tăng 71,2%; thực phẩm chế biến tăng 18,9%; hàng điện tử tăng 120,7%; dây điện và cáp điện tăng 82,6%... Theo đánh giá của Sở Công Thương, ngoài lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm diễn ra nhanh và đa dạng thì số lượng và chủng loại sản phẩm cũng được nâng lên đáng kể, chuyển biến theo hướng tích cực. Cùng với những sản phẩm xuất khẩu truyền thống lâu nay như thủ công mỹ nghệ, cao su, gỗ, các sản phẩm từ nông - lâm - thủy sản thì xuất khẩu của địa phương đã có thêm nhiều ngành hàng mới có hàm lượng chất xám và năng lực cạnh tranh cao tham gia xuất khẩu đạt kết quả tốt như điện tử, linh kiện, phụ tùng ô tô, linh kiện phục vụ cho ngành sản xuất công nghiệp...

Đi đôi với kết quả xuất khẩu khả quan, trong 4 tháng qua lĩnh vực thu hút FDI cũng khởi sắc, đã có 339 triệu USD vốn đầu tư chảy thêm vào tỉnh. Trong đó có 35 dự án đầu tư mới được cấp phép với vốn đầu tư đăng ký 222,2 triệu USD và 30 DN đăng ký bổ sung thêm 116,8 triệu USD. Kết quả này đã nâng số lượng dự án FDI trên địa bàn tỉnh hiện nay lên 1.936 dự án của DN đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư hơn 13 tỷ USD. Việc tiếp tục thu hút FDI khả quan là tín hiệu vui vì thành phần kinh tế này góp phần vô cùng quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế của tỉnh nhà cũng như tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp cao. Hơn nữa, xu hướng gia tăng vào lĩnh vực sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, có khả năng cạnh tranh tốt được các DN có vốn FDI đề cao và chú trọng. Điều này rất hợp với chủ trương và định hướng quy hoạch, phát triển công nghiệp bền vững của Bình Dương.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang: Kết quả xuất khẩu ổn định của Bình Dương đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Bằng việc vận dụng tốt chính sách của Trung ương tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, Bình Dương đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước vào hoạt động tạo ra nhiều sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao. Trong điều kiện hiện nay, xuất khẩu của địa phương vẫn đạt nhiều kết quả khả quan là điều đáng phấn khởi. Đây là cơ sở để tin tưởng năm 2010, xuất khẩu của Bình Dương tiếp tục vượt khó để hoàn thành mục tiêu.Theo Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư Huỳnh Văn Trai, thành công trong lĩnh vực thu hút đầu tư là kết quả tất yếu từ chính sách “trải thảm đỏ mời gọi các nhà đầu tư” được Bình Dương tiếp tục thực hiện có hiệu quả. Bằng chính sách trọng thị của chính quyền Bình Dương trong vấn đề thu hút đầu tư, cải tiến thủ tục hành chính, hỗ trợ các nhà đầu tư... đã tạo sự yên tâm để DN bỏ vốn đầu tư. Bên cạnh đó, hạ tầng công nghiệp bài bản với 28 khu công nghiệp (KCN) được cấp phép với tổng diện tích hơn 9.000 ha, trong đó có hơn 50% KCN đã đi vào hoạt động với cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu cho các nhà đầu tư đã tạo ra những tiền đề hấp dẫn nhà đầu tư tiếp tục đến với Bình Dương.

Hướng đến sự bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Sơn cho biết, Bình Dương đang thực hiện nhiều giải pháp cụ thể như kêu gọi đầu tư từ những tập đoàn lớn, các công ty đa quốc gia; chọn lọc ngành nghề đầu tư, ưu tiên chú trọng các dự án có quy mô lớn, sử dụng công nghệ cao... cùng với việc hỗ trợ các chủ đầu tư KCN triển khai dự án, đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong các KCN, tỉnh tiếp tục yêu cầu phải quy hoạch đất xây dựng nhà ở cho công nhân, các công trình phúc lợi công cộng, khu vui chơi giải trí, thể thao cho người lao động để đáp ứng yêu cầu thu hút các nhà đầu tư nước ngoài... Với những bước đi chiến lược này, môi trường đầu tư của tỉnh chắc chắn sẽ hấp dẫn hơn trước. Qua đó góp phần tiếp tục gặt hái những thành công lớn trong xuất khẩu và đầu tư.

T.MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên