Cùng với DN, công nhân ngành dệt may cũng vui hơn khi nhiều đơn đặt hàng đã tăng trở lại vào những tháng cuối năm 2009
Tình hình các doanh nghiệp (DN) trong ngành dệt may vào những tháng đầu của năm 2009 có thể nói là khá ảm đạm. Tuy nhiên, tình thế đã thay đổi khi đơn hàng đã bắt đầu trở lại vào những tháng cuối năm, đặc biệt là sau khi Hiệp định đối tác kinh tế Việt - Nhật (VJEPA) có hiệu lực từ 1-10-2009.Đầu năm: Nhiều khó khăn!
Khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới từ cuối quý III-2008 đã làm ảnh hưởng khá lớn đến ngành dệt may trong nước vào những tháng đầu năm 2009. Riêng tại thị trường Hoa Kỳ, lượng nhập khẩu đã giảm mạnh tới 9,81% và giảm 14,49% về trị giá trong 10 tháng đầu năm 2009. Nhiều DN trong ngành, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ và một số DN FDI gặp khó khăn, thiếu đơn hàng sản xuất trong quý I. Trước tình hình đó, nhiều DN đã phải sa thải người lao động vì không có đơn đặt hàng. Do áp dụng các giải pháp tiết giảm chi phí, hạ giá thành để nâng cao khả năng cạnh tranh, chuyển hướng vào thị trường nội địa... nên từ quý II trở đi, tình hình đã có nhiều cải thiện, các đơn vị đã có đủ đơn hàng sản xuất, thậm chí một số đơn vị lớn đã san sẻ đơn hàng cho các đơn vị vệ tinh vừa và nhỏ. Hiện nay, các DN, đặc biệt là DN lớn đã có nhiều đơn hàng, thậm chí tới hết quý I và II-2010. Nhìn chung mức giá vẫn thấp hơn trước và các DN vẫn phải chấp nhận đơn hàng để duy trì sản xuất và giữ chân người lao động.
Để hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn, Chính phủ và các bộ ngành đã có nhiều cuộc họp, đưa nhiều giải pháp kích cầu như hỗ trợ 4% lãi suất vay lưu động, giảm 30% thuế thu nhập DN cho các DN được áp dụng từ quý IV-2008, giảm thuế nhập khẩu xơ sợi, hỗ trợ lãi suất đầu tư trung hạn, cải cách thủ tục hành chính... đã giúp nhiều DN giảm bớt chi phí, vượt qua khó khăn.
Cuối năm: Gặt hái thắng lợi
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 11 đạt 800 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu cả 11 tháng đầu năm 2009 đạt 8,25 tỷ USD, có giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2008. Tuy nhiên, theo ước tính của ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam thì kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may năm 2009 sẽ chắc chắn đạt trên 9,1 tỷ USD, tăng khoảng 0,5% so với năm 2008. Như vậy, mục tiêu 9,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đưa ra trong năm 2009 có thể nói là không quá ảo vọng. Đạt được mức trên là một nỗ lực rất lớn của ngành dệt may trong điều kiện các thị trường tiêu dùng và nhập khẩu chính trên thế giới đều suy giảm mạnh.
Về nhập khẩu dự kiến cả năm, DN cả nước nhập khoảng 300.000 tấn bông; 490.000 tấn xơ sợi và 4,17 tỷ USD vải (giảm 6,38%), nguyên phụ liệu dệt may là 1.081 triệu USD (giảm 20,1%). Như vậy, nhập khẩu vải và phụ liệu giảm khá mạnh trong khi kim ngạch xuất khẩu giảm không nhiều, thậm chí còn tăng trong những tháng cuối năm chứng tỏ sản xuất nguyên phụ liệu trong nước đã tăng và tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất dệt may đã tăng cao hơn so với năm 2008. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam thì tỷ lệ giá trị gia tăng của ngành đã tăng từ 41,8% năm 2008 lên 46,42% trong 11 tháng đầu năm 2009.
Đánh giá về bức tranh xuất khẩu của ngành dệt may trong năm 2009, ông Lê Quốc Ân cho rằng dệt may đã có những tín hiệu đáng mừng, làm tiền đề cho những năm tiếp theo. Chúng ta có thêm một số sản phẩm xuất khẩu mới như xuất sợi đi Đài Loan, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Barzil; xuất vải đi Thổ Nhĩ Kỳ, các nước Nam Mỹ, thậm chí sang Đài Loan và ASEAN. Đặc biệt là xuất xơ và sợi sang Ấn Độ. Tuy giá trị những mặt hàng này không cao nhưng đây là những tín hiệu đáng mừng trong cơ cấu hàng dệt may xuất khẩu. Điểm đặc biệt của năm 2009 là tỷ lệ nội địa hóa cao và xuất siêu của ngành dệt may tăng mạnh. Nếu khấu trừ con số xuất khẩu và nhập khẩu thì còn lại 3,9 tỷ USD, chênh lệch giữa xuất và nhập coi như là phần xuất siêu, đạt tỷ lệ 48%. Những năm trước, con số này chỉ chiếm 20 - 30%. Trên cơ sở những tín hiệu khả quan từ cuối 2009, Bộ Công Thương đã đưa ra chỉ tiêu cho ngành dệt may 2010 đạt kim ngạch xuất khẩu từ 10 - 10,5 tỷ USD, tăng khoảng 12% so với năm 2009.
TRUNG ĐỒNG