Xuất Khẩu Dệt May Năm 2011: Thắp lửa cho nền kinh tế

Cập nhật: 09-07-2011 | 00:00:00

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế (KT), 6 tháng đầu năm nay các doanh nghiệp (DN) ngành dệt may đã phải đối phó với rất nhiều khó khăn thử thách. Lạm phát hai con số, sự bất ổn kinh tế vĩ mô đã khiến các chi phí đầu vào tăng cao. Tuy nhiên, với lợi thế về thị trường, các DN đã nỗ lực vượt khó, chứng tỏ thế mạnh bằng sự tăng trưởng xuất khẩu khá cao, thắp lửa và đóng góp chung vào sự tăng trưởng KT trong 6 tháng đầu năm.

   Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương

Tăng trưởng ấn tượng

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm của ngành dệt may Việt Nam đạt 6,16 tỷ USD, tăng xấp xỉ 30% so với cùng kỳ năm 2010. Chỉ tính riêng tháng 6-2011 kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 1,15 tỷ USD, tăng 11% so với tháng 5. Đây được cho là mức tăng trưởng xuất khẩu những tháng đầu năm cao nhất trong vòng 4 năm qua. Nếu xét riêng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu dệt may 6 tháng đầu năm, ngành này đã xuất siêu gần 2,1 tỷ USD, một con số ấn tượng trong bối cảnh hầu hết các ngành hàng đều đang gặp muôn vàn khó khăn, qua đó đóng góp tích cực vào việc kiềm chế nhập siêu, ổn định KT vĩ mô. Đối với ngành dệt may Bình Dương, tổng kết tình hình xuất nhập khẩu 6 tháng năm 2011 từ Sở Công Thương, cho thấy, dệt may  hiện vươn lên là mặt hàng xuất khẩu chủ lực số 1 của tỉnh với kim ngạch ước đạt 644 triệu USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 15,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Đánh giá về những kết quả hết sức khả quan của xuất khẩu dệt may trong 6 tháng qua, ông Phan Thành Đức, Giám đốc Tài chính Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương cho biết, trong khi nền KT đang gặp nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu hàng dệt may vẫn đang chứng tỏ được thế mạnh bằng sự tăng trưởng khá cao. Chi phí đầu vào (nguyên liệu, tiền lương, điện, nhiên liệu) tăng bình quân từ 20 - 25%. Tuy nhiên xuất khẩu dệt may vẫn đạt trên 6,1 tỷ USD là một kết quả đáng khích lệ. Theo ông Đức, đạt được thành quả là nhờ DN đã khai thác tốt lợi thế thị trường và nâng cao năng lực sản xuất. “...Thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật đều tăng lượng hàng nhập khẩu. Trong đó, Mỹ tăng 7,5%, EU tăng 25%, Nhật tăng 23%. Các DN đã ký được hợp đồng đến hết quý III, thậm chí cả năm 2011. Ngoài ra, để phát huy tối đa thuận lợi mà thị trường mang lại, các DN đã nâng cao năng lực sản xuất bằng các giải pháp quản trị tốt hơn, nguồn lao động thông qua chính sách tiền lương phù hợp với thị trường nên giảm được biến động lao động, đầu tư công nghệ hiện đại, cải tiến hệ thống quản lý SX để tăng năng suất...”, ông Đức cho biết.

Kim ngạch sẽ vượt 13 tỷ USD

Theo Tập đoàn Dệt May Việt Nam, với đà tăng trưởng kết hợp với các thuận lợi về thị trường, năng lực của DN, mục tiêu đạt 13 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam năm 2011 là hoàn toàn khả thi, thậm chí có thể vượt mục tiêu. Tại Bình Dương, các DN dệt may đều tỏ rõ sự tự tin trong kế hoạch sản xuất xuất khẩu từ nay đến cuối năm, vì nhiều DN đã ký được hợp đồng với các đối tác đến quý 3, có DN đã ký đến hết năm 2011. Đơn cử như Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương, kế hoạch xuất khẩu của công ty năm 2011 là 50 triệu USD, tăng 39% so năm 2010. Theo ông Phan Thành Đức, Giám đốc Tài chính của công ty này cho biết, tình hình xuất khẩu của công ty đã đạt được những mục tiêu khá khả quan. Tính đến hết tháng 6-2011 doanh thu xuất khẩu của công ty đạt 24,2 triệu USD, đạt khoảng 50% kế hoạch cả năm; tăng trưởng 31% so cùng kỳ năm 2010 (18,5 triệu USD). Nếu tính theo thị trường, Mỹ tăng 8%, EU tăng 33%, Nhật tăng 10%. Cũng theo ông Đức, trong kế hoạch xuất khẩu của công ty trong những tháng còn lại, Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương sẽ phấn đấu thực hiện đạt kim ngạch xuất khẩu 25,8 triệu USD. Với tình hình hiện tại có nhiều thuận lợi về thị trường, nhiều hợp đồng xuất khẩu đã ký đến cuối năm, kết hợp với việc đã thực hiện đầu tư đủ máy móc hiện đại cho sản xuất, hệ thống quản lý đã cải tiến hiệu quả, mục tiêu còn lại 6 tháng cuối năm chắc chắn sẽ hoàn thành đạt và vượt mức đề ra.

Tuy nhiên, theo nhận định từ Tập đoàn Dệt May Việt Nam, trong 6 tháng cuối năm, nền kinh tế vĩ mô sẽ còn nhiều khó khăn, do đó ngành dệt may sẽ phải tận dụng mọi nguồn lực, cố gắng khắc phục khó khăn để duy trì tốc độ tăng trưởng của 6 tháng đầu năm thì mới có thể đạt mục tiêu xuất khẩu 13 tỷ USD đã đề ra. Ngoài ra, theo ông Phan Thành Đức, một khó khăn có thể cản trở mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đối với các DN là biến động về lao động. Do đó, bên cạnh việc đối phó với những khó khăn từ vĩ mô, DN cần có chính sách tốt để bảo đảm nguồn lao động ổn định, phục vụ cho sản xuất các đơn hàng kịp thời.

THÀNH SƠN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên