Xuất khẩu đồ gỗ: Thị trường mở với nhiều thách thức…

Thứ năm, ngày 10/04/2014

Là một trong những ngành gia công sản xuất, xuất khẩu đứng tốp đầu về kim ngạch của tỉnh và chiếm đến 50% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, các doanh nghiệp (DN) ngành gỗ cho biết, thị trường đồ gỗ xuất khẩu Việt Nam đang đứng trước thời cơ và thách thức mới do thói quen tiêu dùng của khách hàng đã có sự điều chỉnh.

 

Chế biến gỗ tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (Tân Uyên) Ảnh: D.CHÍ

Đơn hàng tăng, tỷ suất lợi nhuận giảm!

Tổng Giám đốc Công ty Sản xuất ván sàn Sao Nam (KCN Nam Tân Uyên), thành viên Hiệp hội Ván sàn Hoa Kỳ Đỗ Thị Kim Loan thông tin: “Từ nay đến năm 2016 tốc độ xây dựng nhà ở Mỹ tăng rất nhanh. Phong cách kiến trúc cũng thay đổi nhiều từ kết cấu đến vật liệu xây dựng, trang trí nội thất. Nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ, ván sàn đã có thể thay thế được nhiều loại vật liệu, trang trí nội thất khác nhờ vào sự đa dạng, tiện dụng và đúng quy cách. Công ty đã xây dựng, liên kết được khoảng 10 nhà sản xuất để chia sẻ thông tin, đơn hàng, nguyên liệu, vừa bảo đảm uy tín và nâng dần năng lực sản xuất - kinh doanh bởi đơn hàng khá tốt, tuy nhiên công ty phải tìm cách từ chối để tránh quá tải”.

Một trong các nguyên nhân khiến đơn hàng về Việt Nam tăng một phần là do người tiêu dùng đã thận trọng hơn với sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc, khách hàng có xu hướng chuyển đơn hàng sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Đây vừa là thuận lợi lớn cho các DN Việt Nam vừa là thách thức không nhỏ của ngành sản xuất chế biến gỗ. Đơn hàng dịch chuyển, chắc chắn nhà sản xuất nước ngoài cũng tìm cách dịch chuyển. DN trong nước không thể so bì với DN nước ngoài về công nghệ, quy mô sản xuất, vốn, cùng nhiều lợi thế kinh doanh khác. Trong khi giá nguyên liệu nhập khẩu liên tục tăng, còn giá thành sản phẩm lại giảm. Chưa kể cùng một mặt hàng nhưng bán sang năm thứ hai phải chấp nhận mất giá từ 3 - 5%. “Dù đơn hàng có tăng nhưng tỷ suất lợi nhuận sẽ giảm do ảnh hưởng giá thành. Nhà sản xuất cũng phải tập trung vốn để đầu tư đổi mới công nghệ nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực sản xuất” - Giám đốc Công ty Cổ phần Gỗ Thuận An, thành viên Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam Trần Văn Đá cho biết.

Sở Công Thương cũng đưa ra dự báo: “Năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp sẽ tăng 16% và kim ngạch xuất khẩu tăng 16,5% so cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu gỗ chiếm đến 11% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Nguyên nhân là do các thị trường truyền thống Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu có sự phục hồi mạnh mẽ. Nhiều hợp đồng xuất khẩu chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tình hình lao động ổn định, lãi suất ngân hàng giảm đã tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong hoạt động sản xuất - kinh doanh”.

Cần sự chủ động và kiên trì

Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (Bifa) Huỳnh Quang Thanh chia sẻ kinh nghiệm: “Nếu thiếu kiên trì, nhẫn nại nhà sản xuất trong nước sẽ khó đưa hàng sang các thị trường lớn khó tính như Nhật Bản, Mỹ và châu Âu. Nếu bán vào thị trường Nhật Bản phải bảo đảm để họ thử đủ kiểu. Đừng nản lòng khi hôm nay mình đã hoàn thiện được điểm này, nhưng ngày mai khách lại nói mình còn yếu chỗ kia. Hãy kiên trì và tự an ủi rằng nhờ thông tin của khách hàng mà sản phẩm của mình được hoàn thiện hơn, năng lực sản xuất của DN được nâng cao hơn”. Ông Thanh thông tin thêm, đối với thị trường Mỹ ngoài việc bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh vốn đã khắt khe, DN còn phải biết thêm thông tin về số lượng, tỷ lệ để tránh bị kiện tụng vô lý. Cách tốt nhất là nên mua nguyên liệu của họ rồi bán sản phẩm cho họ thì sẽ dễ vượt qua các bước kiểm tra đầy khó khăn. Ông Thanh cho biết rằng, khi đã vượt qua các bước kiểm tra ban đầu thì những lần kiểm tra sau sẽ không còn khó khăn như trước và nhà sản xuất sẽ có thêm nhiều cơ hội để phát triển trong môi trường mới và hội nhập tốt hơn.

Dù đứng trước khó khăn, thách thức, nhưng các nhà DN vẫn tỏ ra lạc quan trước triển vọng thị trường để đặt ra những kế hoạch mới. Đại hội cổ đông Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Thuận An đã thống nhất thông qua kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2014 với sản lượng đạt 104%; sản lượng tiêu thụ đạt 107% và lợi nhuận đạt 118% so cùng kỳ. Ông Trần Văn Đá, Giám đốc công ty cho biết: “Thế mạnh của công ty là mặt hàng gỗ cao su vừa cạnh tranh về giá vừa thân thiện môi trường. Hiện nay xu hướng tiêu dùng đang hướng đến tính bền vững và bảo vệ môi trường. Với gỗ cao cấp phải bảo đảm nguồn gốc là rừng trồng với chu kỳ khai thác khá xa. Còn gỗ cao su là cây công nghiệp do con người trồng và khai thác, nên sử dụng, tiêu thụ sản phẩm là góp phần cho sự phát triển bền vững. Từ thế mạnh đó công ty sẽ phát triển thêm nhiều sản phẩm mới như ván sàn, ván ghép nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường”.

Thị trường luôn có sự vận động để phát triển, trước các khó khăn, thách thức sẽ có cơ hội thuận lợi mở ra. DN nào biết kiên trì và phát huy tốt thế mạnh, cơ hội thành công sẽ ở trong tầm tay.

 

 DUY CHÍ