Xuất khẩu hàng dệt may, thủy sản sang châu Âu tiếp tục gặp khó

Cập nhật: 14-06-2012 | 00:00:00

“Tình hình sụt giảm đơn hàng dệt may xuất sang châu Âu vẫn chưa có chiều hướng cải thiện, và có thể còn khó đến giữa năm 2013”, vừa tiếp xong đối tác từ châu Âu đến Việt Nam thương lượng hợp đồng vào chiều ngày 12-6-2012, ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đã chia sẻ thông tin như vậy. Nhiều doanh nghiệp khác đang tham gia xuất khẩu hàng may mặc, thuỷ hải sản sang châu Âu (EU) cũng rất lo lắng…

Khó “kép ba”

Tháng 5 là tháng thứ ba liên tiếp tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may không đạt như kỳ vọng, do lượng đặt hàng từ các thị trường chính – trong đó có EU vẫn trong xu thế giảm. Cụ thể, thống kê nửa đầu tháng 5-2012 kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may qua thị trường EU chỉ đạt 617 triệu USD, giảm 2,7% so với nửa cuối tháng 4.

 Ảnh minh họa (Ảnh: internet).  Theo ông Phạm Xuân Hồng, doanh nghiệp đang phải chịu áp lực từ từ lượng hàng xuất khẩu giảm, tỷ giá đồng EUR so với USD và đồng tiền Việt Nam đều giảm; và chi phí đầu vào sản xuất từ trong nước lại tăng giá. “Ba gọng kìm này đang đẩy doanh nghiệp vào thế bí, có cố gắng xoay trở kiếm hợp đồng, cũng không tìm đâu ra lợi nhuận”, ông Hồng nói. Theo thống kê từ Vitas, đơn hàng xuất khẩu từ châu Âu đã giảm trên 20%.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), năm tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt gần 2,3 tỉ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng này thấp nhất trong ba năm qua. Tỷ trọng xuất khẩu sang châu Âu chỉ còn chiếm 19,6%; giảm so với gần 25% của cùng kỳ năm ngoái. Riêng mặt hàng tôm giảm gần 30% và cá tra giảm gần 14%. Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, hải sản cũng cho hay khách hàng châu Âu không mặn mà ký hợp đồng mới. So với cùng kỳ năm ngoái, giá tôm xuất khẩu trung bình vào thị trường EU giảm từ 1 – 1,5 USD/kg.

Mặt khác, đồng euro mất giá so với tiền đồng Việt Nam, cũng như đôla Mỹ đã làm các doanh nghiệp xuất khẩu giảm lợi nhuận đáng kể. Cụ thể, vào tháng 2-2012, giá euro ở các ngân hàng là 27.880 đồng/euro, thì đến nay chỉ còn 26.330 đồng/euro, mỗi euro đổi ra tiền đồng đã giảm 1.550 đồng. Còn đối với đồng đôla Mỹ, sáu tháng trước mỗi euro tương đương 1,361 USD; còn nay chỉ còn 1,228 USD.

Ảnh hưởng đến thị trường trong nước

Theo Vitas, tính đến nay số lượng doanh nghiệp phải đóng cửa trong ngành chỉ vài phần trăm, nhưng hơn 90% doanh nghiệp dệt may đều phải điều tiết lại lao động và sản xuất. Ước tính, đang có khoảng 500.000 công nhân ngành dệt may, tức 20% số lao động trong ngành bị đẩy vào các tình trạng: mất việc vì công ty đóng cửa hoặc thu hẹp sản xuất, giảm lương vì giảm giờ làm, phải tăng thêm giờ làm việc vì choàng gánh công việc…

Tình trạng xấu của xuất khẩu thuỷ sản thể hiện qua giá nguyên liệu trong nước đồng loạt giảm sâu. So với cách nay một tuần, giá cá tra loại một từ mức 22.500 giảm xuống còn 20.500 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Ký, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thủy sản An Giang (Agrifish An Giang) cho hay, ngay trong ngày 12-6 đã chỉ đạo phòng thu mua nguyên liệu niêm yết giá mua cá 20.500 đồng/kg. Với mức giảm quá “sốc” này, nếu vào thời điểm thị trường còn tốt, chắc chắn người dân sẽ không chấp nhận, nhưng lần này công ty vẫn mua đủ sản lượng chế biến.

Theo SGTT

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=446
Quay lên trên