Xuất khẩu lao động Hàn Quốc theo chương trình EPS: Cơ hội cho người lao động

Chủ nhật, ngày 11/05/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

(BDO) Chương trình EPS (Employment Permit System) do Chính phủ Hàn Quốc và Việt Nam phối hợp triển khai từ năm 2004 đã mở ra cơ hội làm việc hợp pháp, thu nhập cao và an toàn cho hàng chục ngàn lao động Việt Nam. Tính đến cuối năm 2024, Việt Nam có hơn 120.000 lao động làm việc tại Hàn Quốc thông qua chương trình này. Dù vậy, tại Bình Dương, một tỉnh công nghiệp trọng điểm phía Nam, tỷ lệ tham gia chương trình EPS vẫn còn tương đối khiêm tốn so với tiềm năng lực lượng lao động dồi dào của địa phương.

Giai đoạn 2023–2025, ghi nhận tổng cộng có 196 lượt người đăng ký dự thi tiếng Hàn EPS tại Bình Dương. Cụ thể, năm 2023 có 37 người đăng ký, năm 2024 tăng lên 87 người, song năm 2025 giảm còn 72 người. Mức tăng năm 2024 phản ánh xu hướng hồi phục kinh tế sau dịch COVID-19, khi nhiều lao động bắt đầu tìm kiếm cơ hội thu nhập cao hơn tại nước ngoài. Tuy nhiên, mức giảm vào năm 2025 cho thấy mức độ tiếp cận thông tin chưa ổn định và cần thêm chính sách duy trì sức hút lâu dài cho chương trình.

Về giới tính, nam giới chiếm tỷ lệ áp đảo với trung bình khoảng 68% tổng số thí sinh dự thi. Cơ cấu ngành nghề cũng cho thấy hơn 95% người đăng ký chọn ngành “Sản xuất chế tạo” – phản ánh sự phù hợp với đặc thù công nghiệp của tỉnh Bình Dương. Các ngành như đóng tàu, xây dựng hoặc ngư nghiệp ít được lựa chọn hơn do điều kiện lao động khắc nghiệt hoặc không phổ biến tại địa phương.

Về độ tuổi, xu hướng tích cực được ghi nhận là tỷ lệ người dưới 25 tuổi ngày càng tăng, đặc biệt trong năm 2025. Điều này phù hợp với tiêu chí tuyển dụng của phía Hàn Quốc và cũng cho thấy nhận thức sớm của người trẻ về giá trị của việc đi làm việc ở nước ngoài.

Thí sinh đăng ký thi tiếng Hàn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương

Tổng cộng có 28 người trúng tuyển chương trình EPS tại Bình Dương trong hai năm 2023–2024 (10 người năm 2023 và 18 người năm 2024), đạt tỷ lệ lần lượt 32% và 21%. Tỷ lệ này còn thấp, đặc biệt trong bối cảnh lực lượng lao động Bình Dương có trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp khá tốt. Nguyên nhân chính đến từ việc thiếu các lớp luyện thi tiếng Hàn chất lượng, người lao động chưa được tư vấn kỹ về quy trình thi, chuẩn bị hồ sơ và luyện kỹ năng phỏng vấn. Đáng chú ý, năm 2024 ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể về tỷ lệ nữ trúng tuyển (từ 20% lên 39%), cho thấy tiềm năng mở rộng đối tượng chương trình EPS trong tương lai nếu được hỗ trợ định hướng đúng cách.

Các TP.Bến Cát, TP.Thuận An và TP.Dĩ An là những khu vực có số lượng đăng ký cao nhất, trong khi các huyện như Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng lại có tỷ lệ đăng ký thấp. Sự chênh lệch này bắt nguồn từ khác biệt về mức độ đô thị hóa, mật độ lao động phổ thông và mạng lưới tuyên truyền thông tin chương trình EPS tại các địa phương. Thực tế cho thấy tại các khu vực trung tâm công nghiệp, người lao động dễ tiếp cận các nguồn thông tin, được giới thiệu trực tiếp từ người thân, bạn bè đã từng đi Hàn Quốc. Trong khi đó, các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thiếu thông tin, thiếu lớp ôn thi và thiếu động lực tham gia.

Có bốn nhóm nguyên nhân chính lý giải vì sao Bình Dương dù có tiềm lực lao động mạnh nhưng lại chưa khai thác hiệu quả chương trình EPS.

Thứ nhất, điều kiện kinh tế – xã hội tại địa phương khá thuận lợi. Thu nhập của công nhân trong nước trung bình từ 7–12 triệu đồng/tháng, môi trường làm việc tại chỗ ổn định khiến nhu cầu đi lao động nước ngoài không cao như tại các tỉnh nông nghiệp truyền thống.

Thứ hai, chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ. Không như Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Tháp… những nơi có hỗ trợ học tiếng miễn phí, cho vay chi phí thi, Bình Dương thiếu cơ chế hỗ trợ chính thức từ ngân sách địa phương. Việc tổ chức lớp học tiếng Hàn chủ yếu do tư nhân thực hiện, dẫn đến chi phí cao, chất lượng không ổn định.

Thứ ba, thiếu định hướng chính sách cấp tỉnh. Chương trình EPS chưa được lồng ghép vào chiến lược phát triển nguồn nhân lực hoặc thoát nghèo bền vững, như ở một số tỉnh miền Trung. Điều này khiến cán bộ cấp xã, huyện chưa thực sự vào cuộc mạnh mẽ.

Cuối cùng, yếu tố văn hóa xã hội cũng là rào cản không nhỏ. Tại Bình Dương, đa số lao động trẻ đều đã có việc làm ổn định và cư trú tại địa phương, không muốn rời xa gia đình. Tâm lý “an cư, lập nghiệp gần nhà” khiến tỷ lệ tham gia EPS khó đột phá nếu không có chính sách tạo động lực đủ mạnh.

Thí sinh làm thủ tục đăng ký dự thi tiếng Hàn

Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương hiện là đầu mối triển khai chương trình EPS, từ việc cập nhật thông tin thi tuyển, tiếp nhận hồ sơ đến hỗ trợ đăng ký trực tuyến. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả, trung tâm cần được tăng cường nguồn lực, phối hợp cùng các xã, phường đẩy mạnh truyền thông, tổ chức các buổi tư vấn nghề nghiệp, hội thảo định hướng đi Hàn Quốc.

Ngoài ra, tỉnh Bình Dương có thể nghiên cứu ban hành cơ chế hỗ trợ tài chính cụ thể cho người lao động muốn tham gia EPS, đầu tư xây dựng trung tâm tiếng Hàn quy mô nhà nước và đưa chương trình EPS vào kế hoạch phát triển nhân lực địa phương giai đoạn 2025–2030.

Trong ba năm qua, chương trình EPS tại Bình Dương có những bước tiến nhất định, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Việc đẩy mạnh truyền thông, đào tạo, xây dựng chính sách hỗ trợ hợp lý sẽ giúp chương trình EPS trở thành một kênh xuất khẩu lao động hiệu quả, góp phần đa dạng hóa cơ hội việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động trên địa bàn tỉnh.

Tường Vy - T.Thái