Nâng cao chất lượng lao động là một trong những giải pháp quan trọng để có thể đạt chỉ tiêu đưa 87.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2011
Hội thảo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với một số bộ, ngành, địa phương tổ chức nhằm mục đích tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng lao động xuất khẩu.Không chỉ xóa đói, giảm nghèo
Việt Nam hiện có trên 400.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài, với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau.
Khảo sát do Viện Khoa học Lao động và Xã hội tổ chức mới đây tại 4 tỉnh là Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Thái Bình, nơi có nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài cho thấy, tác động của xuất khẩu lao động đến tình hình kinh tế- xã hội của địa phương rất rõ rệt.
Cụ thể, năm 2009, người đi xuất khẩu lao động ở tỉnh Bắc Giang đã gửi về cho gia đình tới 1.135 tỷ đồng, Vĩnh Phúc: 110 tỷ đồng, Thái Bình 800 tỷ đồng, Phú Thọ 600 tỷ đồng. Riêng huyện Lạng Giang (Bắc Giang), số tiền người đi lao động xuất khẩu gửi về hàng năm là 120 tỷ đồng, trong khi tổng thu ngân sách địa phương là 47 tỷ đồng.
Không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo, xuất khẩu lao động còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua trình độ chuyên môn kỹ thuật, ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, tư duy kinh tế cho người lao động. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu việc làm của người lao động sau khi về nước theo hướng tích cực, tăng tỷ lệ việc làm phi nông nghiệp, lao động quản lý và chuyên môn kỹ thuật.
Điều này càng có ý nghĩa khi một bộ phận lao động đi xuất khẩu chưa tốt nghiệp trung học phổ thông, đa số chưa qua đào tạo, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế. Lao động chủ yếu làm các công việc giản đơn trong công nghiệp, xây dựng, thuyền viên, giúp việc gia đình… Người lao động chưa được tiếp cận với các kênh thông tin chính thức về tuyển dụng.
Để đạt được những kết quả này, các địa phương tăng cường sự chỉ đạo đối với công tác xuất khẩu lao động, coi lượng người đi xuất khẩu lao động là một trong những chỉ tiêu cơ bản trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm và hàng năm của tỉnh, huyện, xây dựng đề án riêng, có nhiều chính sách khuyến khích như hỗ trợ tiền học ngoại ngữ, giáo dục định hướng, vay vốn...
Tiếp tục nâng cao chất lượng
Chất lượng của lao động đi xuất khẩu cũng là một trong những lý do khiến sau sự cố tại Libya vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã ngỏ ý sẵn sàng đón nhận những lao động Việt Nam đã làm việc tại đây, như Công ty Cổ phần Tập đoàn Khang Thông, Tổng công ty VIGLACERA, Tổng công ty Cienco 5, Công ty cổ phần công nghiệp xây dựng Toàn Phát (Topaco)…
Lãnh đạo các doanh nghiệp này cho biết, họ đều đánh giá cao những lao động này do có tay nghề, được rèn luyện và làm việc trong môi trường xây dựng chuyên nghiệp, tác phong kỷ luật tốt.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng xác định nâng cao chất lượng lao động là một trong những giải pháp quan trọng để có thể đạt chỉ tiêu đưa 87.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2011.
Cục Quản lý lao động ngoài nước đã yêu cầu và phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động chú trọng công tác đào tạo nghề, giáo dục định hướng cho người lao động trước khi xuất cảnh.
Theo các chuyên gia, các trường nghề cần đẩy mạnh đào tạo nghề theo cơ chế đấu thầu để đào tạo đúng địa chỉ, đúng yêu cầu. Đặc biệt, cần tập trung vào các nghề như hàn, xây dựng, đốc công, điều dưỡng viên để đạt tiêu chuẩn khu vực, quốc tế.
Sắp tới, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ xây dựng cơ sở dạy nghề cho lao động xuất khẩu ở Thanh Hóa do UAE hỗ trợ kinh phí, với quy mô khoảng 500 học viên.
Tại Hội thảo, bà Hoàng Kim Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng, cần có những giải pháp tổng thể và lâu dài để nâng cao chất lượng lao động.
Bà Hoàng Kim Ngọc lấy ví dụ, hiện nay về cơ bản, trình độ ngoại ngữ của người lao động còn rất hạn chế. Nhưng chúng ta không thể kỳ vọng trong một hai tháng mà người lao động có thể giỏi về ngoại ngữ. Để làm tốt công tác này, vấn đề giáo dục trong nhà trường cũng phải có những giải pháp tích cực hơn…
Theo Chinhphu.vn