Xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng - Kỳ 2

Cập nhật: 15-06-2021 | 08:02:50

Kỳ 2: Nỗ lực phòng, chống dịch bệnh, duy trì sản xuất

 Hầu hết các chủ doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đều nhìn nhận tầm quan trọng việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để bảo vệ hoạt động sản xuất, giữ vững đơn hàng.

 Tổ chức sản xuất theo nguyên tắc tuân thủ khoảng cách phòng, chống dịch bệnh tại Công ty TNHH Rochdale Spears

 Tập trung, bảo đảm đơn hàng

Hiện nay, ngoài việc thực hiện nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế, DN cũng được địa phương yêu cầu thực hiện kế hoạch, xây dựng phương án cụ thể phòng, chống dịch bệnh nghiêm túc, bảo đảm kế hoạch dài hơi cho sản xuất. Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), để đạt được mục tiêu tăng trưởng, cuối tháng năm vừa qua Viforest có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 đề nghị cho các DN ngành gỗ được tiếp cận, đặt mua khoảng 1 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 để tiêm cho công nhân lao động. Theo ông Lập, đây là giải pháp hữu hiệu, bảo đảm nguồn lực quan trọng trong sản xuất để ngành gỗ đạt mục tiêu xuất khẩu trên 15 tỷ đô la Mỹ năm 2021 và 20 tỷ đô la Mỹ vào năm 2025.

Theo bà Hoàng Yến, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Rochdale Spears, hiện công ty đã và đang làm việc với các cấp có thẩm quyền để đặt mua vắc xin phòng Covid-19 về tiêm cho công nhân của công ty. Theo tính toán, nếu mỗi DN tự bỏ kinh phí ra mua vắc xin tiêm phòng cho người lao động, chi phí tính ra rẻ hơn rất nhiều lần so với thiệt hại mà dịch bệnh Covid-19 gây ra. Ý thức được điều đó, cộng đồng DN ngành gỗ cam kết sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ. Trong khi đó, qua tham khảo một số thông tin sơ bộ, nếu một DN có 1.000 lao động, nếu có 1 người nhiễm Covid-19 toàn bộ DN có thể phải dừng sản xuất ít nhất là 21 ngày, sẽ gây thiệt hại kinh tế rất lớn.

Ông Đỗ Thanh An, Giám đốc sản xuất Công ty Sao Nam (Khu công nghiệp Nam Tân Uyên), cho biết hiện nay để duy trì đơn hàng, Sao Nam thực hiện nghiêm ngặt việc khai báo y tế trên Bluezone và NCOVI để bảo đảm nhanh chóng, chính xác. Đội ngũ y tế của công ty cũng thực hiện nghiêm ngặt việc đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe của người lao động. Hiện Sao Nam đang đăng ký đặt mua vắc xin để tiêm cho toàn thể cán bộ, nhân viên công ty, đồng thời nghiên cứu có thể mua tiêm cho cả gia đình cán bộ làm việc tại công ty.

Cùng với việc chờ đợi vắc xin, hiện quy trình ra vào các DN đang thực hiện nghiêm ngặt. Đặc biệt, đối với quy trình xe ra vào công ty để xuất nhập hàng hóa, các DN hiện đang chú trọng việc kiểm tra kiểm soát chặt chẽ. Theo ông Nguyễn Văn Lương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing Việt Nam, tất cả các xe ra vào hiện nay đều phải khai báo y tế, khử trùng. Tất cả để bảo đảm an toàn trong dịch bệnh và sản xuất, xuất khẩu.

Tính toán cho dài lâu

Các DN xuất khẩu hiện cũng đang tính toán kỹ cho con đường dài hơi khi mà dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát hiệu quả. Ông Nguyễn Liêm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lâm Việt, cho biết hiện nay giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất các sản phẩm gỗ đang tăng cao. Cụ thể, nguyên liệu trong nước tăng 20 - 30%, nguyên liệu nhập khẩu có mặt hàng tăng 45 - 50%. Nguyên liệu tăng giá do chuỗi cung đứt gãy là việc DN cần ứng phó trước mắt, nhưng về lâu dài phải có chiến lược xây dựng vùng nguyên liệu phù hợp với thị trường để bảo đảm nguồn cung nguyên liệu cả về số lượng lẫn giá cả.

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, cho biết nguyên liệu gỗ đang chiếm từ 40 - 70% giá thành các sản phẩm gỗ nên cần có chiến lược xây dựng nguồn nguyên liệu. Cũng theo ông Hiệp, hiện nay gỗ trong nước như cao su, tràm chưa có tiêu chuẩn cụ thể. Sử dụng nguồn gỗ trồng tự phát của người dân chưa có chất lượng giống ổn định để có nguồn gỗ chất lượng.

Trong khi đó, “Nguyên phụ liệu cho da, giày mới chỉ tập trung cho dòng sản phẩm trung bình và trung bình khá, còn lại vẫn phải nhập khẩu, khiến giá trị gia tăng của sản phẩm không cao. Để được hưởng ưu đãi từ các hiệp định thương mại thì sản phẩm da giày cần phải đáp ứng quy định hàm lượng xuất xứ nguyên liệu. Do đó, công nghiệp hỗ trợ nội địa vẫn là lĩnh vực cần được tập trung phát triển nếu ngành da giày muốn bứt phá mạnh mẽ”, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày nêu vấn đề.

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình đánh giá, việc phát triển công nghiệp phụ trợ để bảo đảm nguồn cung phụ liệu, phụ kiện ngay trong thị trường nội địa cho ngành da giày là vấn đề cấp thiết, đã được đề cập nhiều năm nay song Việt Nam vẫn chưa làm được. Để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, DN mong muốn có sự hỗ trợ về tài chính, cụ thể là có cơ chế ưu đãi cho vay hoặc giảm thuế. Việc giảm thuế cho DN đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ sẽ giúp sản phẩm làm ra cạnh tranh được về giá thành so với những sản phẩm nhập khẩu.

Hậu quả của dịch bệnh Covid-19 “mang đến” cho các DN đó là thiếu lao động. Theo các DN dệt may, trong năm nay lượng hàng không thiếu như năm 2020 nhưng rất khó tuyển bổ sung thêm lao động để hoàn thành các đơn hàng và mục tiêu doanh thu. Thực tế việc tuyển lao động lại cực kỳ khó khăn. Nguyên nhân được cho là trong thời điểm dịch bệnh diễn ra từ đầu năm 2020, nhiều đơn hàng đứt gãy đột ngột đã buộc DN phải cho 30 - 70% lao động nghỉ việc. Đến khi có đơn hàng trở lại, DN không tuyển dụng được lao động bởi một số lượng lớn đã chuyển sang lĩnh vực, ngành nghề khác hoặc về quê. Hiện rất nhiều DN đang nỗ lực giữ chân lao động, tuyển dụng nguồn lao động từ các DN giải thể.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=733
Quay lên trên