4 tháng đầu năm 2010, kim ngạch xuất khẩu (XK) các loại nông sản Việt Nam đạt 5,6 tỷ USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2009. Trước con số lạc quan này nhiều người trong ngành vẫn bi quan, dù kinh tế nhiều nước đã vượt qua cơn suy thoái nhưng nhu cầu tiêu thụ trên thị trường vẫn chưa thực sự phục hồi khiến cho nhiều mặt hàng nông sản chủ lực lao đao.
Tăng nhưng chưa bền
Hiện giá cao su XK trung bình đạt hơn 2.640 USD/tấn, tăng gần 94% so với cùng kỳ. Tổng XK cao su 4 tháng đầu năm đạt 173 ngàn tấn và chỉ tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm trước nhưng do giá cao su trên thế giới tăng mạnh đã góp phần đẩy kim ngạch của ngành tăng hơn 2 lần. Nhiều mặt hàng XK chủ lực khác của Việt Nam cũng đang được giá như: giá XK gạo bình quân tăng hơn 20%; Giá hạt tiêu XK trong tháng 5 đã tăng từ 50 - 100 USD/tấn so với tháng trước và đạt bình quân 1.300 - 1.350 USD/tấn; Giá XK các sản phẩm từ gỗ tăng 4 - 6%... “Giá XK nhiều nhóm hàng nông sản tăng đã góp phần đẩy giá trị kim ngạch tăng theo. Thực chất phân tích kỹ các số liệu, tình hình XK nông sản của Việt Nam vẫn chưa khả quan lắm”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên âu lo.
Khai thác mủ ở Công ty Cao su Dầu Tiếng
Trái với không khí hân hoan của các ngành gỗ, tiêu, thủy sản... XK cà phê vốn được xem là ngành XK mũi nhọn của Việt Nam đang trong tình cảnh hẩm hiu khi lượng tiêu thụ sụt giảm mạnh cả về lượng và giá trị. Mặt hàng chủ lực khác là XK gạo cũng đang giảm gần 15% về lượng và theo nhận định của các ngành chức năng, khả năng đột phá của gạo là rất khó, bởi giá cả nguyên liệu, vật tư đầu vào tăng cao kéo chi phí sản xuất tăng. Riêng đối với mặt hàng gỗ có giá trị XK tăng trong thời gian qua, nhưng theo đánh giá của những người trong cuộc, khả năng giữ thị phần đối với đồ gỗ các tháng sắp tới sẽ rất khó, khi đạo luật Leacy chính thức được thực thi. Rất nhiều DN XK đồ gỗ hiện không chỉ lúng túng trong việc chứng minh nguyên liệu gỗ hợp pháp, mà ngay cả việc sử dụng hóa chất trong chế biến sản phẩm có thuộc loại bị cấm hay không cũng khá lơ mơ. “Do hàng nông sản XK chủ yếu ở dạng thô, sơ chế nên khi thị trường thế giới biến động sẽ dễ gặp rủi ro. Nhiều nông sản như gạo, cà phê... tuy đứng đầu hoặc trong nhóm đứng đầu thế giới nhưng lại không chi phối, điều tiết giá cả quốc tế nên ta vẫn bị ép về giá thường xuyên”, ông Biên nhận định.
Khả quan - còn xa
Năm 2010 XK nông sản Việt Nam lại đối mặt với nhiều thách thức mới từ thị trường thế giới khi hàng loạt các yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật ngày càng khắt khe hơn. Luật Chống khai thác thủy - hải sản bất hợp pháp của Liên minh châu Âu yêu cầu phải có giấy chứng nhận khai thác. XK gỗ vào Mỹ và EU bắt buộc phải thêm giấy chứng nhận nguồn gốc đối với gỗ đã qua sử dụng. Những thị trường nhập khẩu lượng hàng nông sản lớn từ các doanh nghiệp (DN) trong nước yêu cầu kiểm tra chặt chẽ hơn các yêu cầu về chất lượng và tiêu chuẩn vệ sinh nông sản... Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, ĐH Nông Lâm TP.HCM, XK trong nước sẽ đương đầu thêm nhiều cam go khi bảo hộ mậu dịch, cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Tình trạng khan hiếm nguyên liệu, năng lượng, giá nguyên liệu vật tư đầu vào tăng, giá XK nhiều mặt hàng nông sản đối mặt nguy cơ giảm...
Là thị trường nhập khẩu đầy tiềm năng, hiện Việt Nam đã XK nhiều nhóm hàng nông sản như chè, hải sản, đồ gỗ gia dụng... sang thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, cơ cấu XK của các DN còn rất đơn giản khi gần 60% là sản phẩm sơ chế và nguyên liệu thô. Ngoài nguyên nhân chủ quan nhiều DN trong nước chưa đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, thời gian giao hàng... còn lắm nguyên nhân khách quan do chính các nhà quản lý trong nước. Hiện Việt Nam và Nhật Bản vẫn chưa có thỏa ước về vệ sinh, kiểm dịch, hàng rào phi quan thuế và nhiều quy định luật pháp khác. Tại thị trường Hoa Kỳ, ngoài các tranh chấp liên miên về thương mại thời gian qua, Việt Nam chuẩn bị khả năng quốc gia này kiện bán phá giá sản phẩm gỗ gắn với vấn đề thương mại môi trường... Riêng thị trường mới nổi là Trung Quốc lại phụ thuộc nhiều vào các quy định buôn bán tiểu ngạch biên mậu dịch nên tính ổn định thấp và cũng chủ yếu là nhóm hàng nguyên liệu sơ chế, có giá trị không lớn như trái cây, cà phê, cao su...
N.V.NGHĨA