Xúc động với hình ảnh “Mở rừng” người lính trong
(BDO) Chiến tranh cách mạng là đề tài muôn thuở của văn học nghệ thuật và báo chí. Trong phim tài liệu “Mở rừng”, hình ảnh người lính trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc được thể hiện theo phong cách hiện đại, sinh động, thu hút người nghe, người xem.
Ông Phạm Bạch Khê (thứ hai từ phải sang), Trưởng phòng Văn nghệ, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương nhận giải B tại lễ tổng kết và trao giải giải thưởng văn học nghệ thuật, báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng giai đoạn 2014-2019 của Bộ Quốc phòng
“Mở rừng” là phim tài liệu vừa đoạt giải B của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương tại giải thưởng văn học nghệ thuật, báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng giai đoạn 2014-2019 của Bộ Quốc phòng. Phim được Ban giám khảo đánh giá là một trang sử bị bỏ quên được các tác giả trẻ tìm lại khai thác, phát huy thế mạnh của công nghệ, thiết bị mới, thể hiện theo phong cách hiện đại, tiếp cận thẳng vào vấn đề, sinh động, thu hút người nghe, người xem.
Theo ông Phạm Bạch Khê, Trưởng phòng Văn nghệ, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương, “Mở rừng” được xây dựng trên cơ sở nhân chứng, kể lại những tháng ngày gian khổ của những người con miền Nam soi đường mở lối, thông toàn tuyến đường Trường Sơn, góp phần to lớn cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất non sông. Đây là câu chuyện mở rừng của niềm tin, ý chí, của sự dũng cảm quên mình vì Tổ quốc.
Phim kể về công tác mở đường từ Bắc Trường Sơn vào miền Nam của những người lính quả cảm. Đoàn B90 có 25 người con miền Nam tập kết. Hơn 4 tháng vượt Trường Sơn, khi con đường mòn còn chưa có, một nhóm B90 đã đến Nam Đắk Lắk chia làm 3 đội. Đoàn C200 có nhiệm vụ soi đường từ Nam trở ra, bắt liên lạc với B90. Với tinh thần bắt liên lạc với B90 càng nhanh chừng nào thì máu xương của đồng chí, đồng bào sẽ bớt đổ chừng đó, nên trong lòng mỗi người như có lửa đốt. Qua lời kể của ông Phạm Văn Nhường (Năm Nhường, nguyên Tổ phó Đội 1 - Đoàn B90) là một trong những cán bộ miền Nam tập kết được Bác trực tiếp giao nhiệm vụ vào Nam soi mở đường từ nam Tây Nguyên đến Chiến khu Đ; ông Nguyễn Thanh Tâm (Năm Tâm, nguyên thành viên Đoàn C200). Phim lần lượt tái hiện những năm tháng gian khổ của những người lính năm xưa.
Tuy nếm trải những gian khổ giữa rừng thiêng, nước độc, thú dữ, chứng kiến đồng đội hy sinh… có lúc bị rừng mịt mùng bủa vây, tất cả mũi soi đường B90 bị rơi vào cái loanh quanh không lối ra. Nhưng lời Bác dặn vẫn rõ ràng bên tai như tiếp thêm sức mạnh giữa rừng không lối. Giữa đại ngàn, những người con miền Nam tìm nhau. Ngoài Bắc vào mong gặp người cố hương. Trong Nam ra mong nghe kể chuyện Bác Hồ. Họ cứ đi, nhắm hướng mà đi, vượt bao thác ghềnh, nhiệm vụ cách mạng quan trọng được giao, lòng ai cũng như có lửa đốt. Nếu những người lính Trường Sơn vào Nam đã gặp muôn vàn khổ cực thì các mũi của B90 và C200 khổ gấp mấy lần bởi khi đó chưa có đường, dân cư thưa thớt và hoàn toàn là vùng trắng.
Ghi dấu trên những con đường gian khổ ấy còn có những tấm lòng của người dân. Tấm lòng của người dân với cách mạng trên các hướng mở rừng, góp phần quan trọng hoàn thành nhiệm vụ của trên giao. Những tháng ngày đói rét của từng thành viên được người dân sưởi ấm, tiếp thêm sức mạnh. Những tình cảm chân chất của đồng bào khiến những người lính của B90 và C200 không thể nào quên được, dẫu rằng đã nửa thế kỷ trôi qua.
Và khoảnh khắc hạnh phúc vỡ òa sau 19 tháng soi đường B90 đã gặp được C200 (6 tháng). Các tuyến đường thông suốt, phong trào cách mạng miền Nam tiến triển rõ nét. Nông thôn miền Nam đã thành vùng do cách mạng miền Nam kiểm soát, Quân giải phóng miền Nam được thành lập… Đường Trường Sơn trăm ngã, như mạch máu nối liền Nam - Bắc, đưa những đoàn quân và vũ khí, lương thực hối hả vào Nam sát cánh cùng nhân dân và quân giải phóng thực hiện hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, làm nên Đại thắng mùa xuân 30-4-1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Với những người còn sống, họ chưa bao giờ nghĩ mình đã góp phần làm nên lịch sử nhưng họ luôn nghĩ về đồng đội đã nằm lại chốn này. Đó là lý do hàng năm, những cựu chiến binh B90 và C200 cầm tay nhau về chốn xưa nhớ chuyện cũ, chuyện của một thời thanh niên sôi nổi, chuyện về những người đã cống hiến vì những thứ ý nghĩa hơn chính mạng sống của họ. Đó là Tổ quốc.
Phim được thực hiện trong 4 tháng. Lúc đầu phim được thực hiện với mục đích ghi dấu kỷ niệm cho các cựu chiến binh làm công tác soi đường mở lối từ Bắc Trường Sơn vào miền Nam, qua đó giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống đầy tự hào vẻ vang của quân đội ta. Nhưng sau khi hoàn thành, phim được đánh giá cao và đoạt giải B tại giải thưởng văn học nghệ thuật, báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng giai đoạn 2014-2019 của Bộ Quốc phòng. Chia sẻ với chúng tôi về niềm vui sau khi nhận giải thưởng, ông Phạm Bạch Khê, cho biết: “Giải thưởng đã tạo sự phấn khởi với ê-kíp thực hiện phim, qua đó tiếp thêm tinh thần và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện tiếp những phim về người lính để giáo dục thế hệ tương lai về lòng yêu nước, sẵn sàng cống hiến, hy sinh quên mình vì lý tưởng lớn của dân tộc, của đất nước”.
THỤC VĂN