Xúc tiến thương mại “thay áo mới”

Cập nhật: 29-12-2021 | 09:19:16

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) tiếp tục được chú trọng và đẩy mạnh tạo hiệu quả tích cực trong việc tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm địa phương.


Lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại thăm các gian hàng tại hội nghị kết nối cung cầu Bình Dương 2021

Linh hoạt chuyển hình thức

Theo bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục XTTM Bộ Công thương kể từ năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư trên toàn thế giới, làm đứt gãy chuỗi cung ứng và gián đoạn thương mại quốc tế. Nhằm hỗ trợ, kết nối các địa phương có tiềm năng xuất khẩu và có nhu cầu thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, Cục XTTM đã làm đầu mối phối hợp với Sở Công thương các địa phương tổ chức các chương trình hội nghị kết nối hàng hóa đến các thị trường trong và ngoài nước.

Phó Cục trưởng Cục XTTM cho rằng, hội nghị kết nối cung cầu năm 2021 là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp (DN), HTX Bình Dương đánh giá lại khả năng của mình để tái cơ cấu sản xuất, lựa chọn phương án, kế hoạch đầu tư sản xuất sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Ngoài ra, các đơn vị cần có phương án liên doanh liên kết hướng đến mục tiêu giảm dần tỷ trọng sản xuất sản phẩm thô, tăng cường đầu tư sản xuất sản phẩm cuối cùng cho giá trị gia tăng cao và tiết kiệm tài nguyên. Qua đó, phát triển sản xuất bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực thi hành được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực mới cho sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu những tháng cuối năm 2021 và những năm tới. Xác định việc kết nối cung cầu là một trong những mục tiêu trọng tâm để phát triển kinh tế địa phương trong giai đoạn mới, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết Bình Dương là một trong những tỉnh, thành chịu tác động lớn từ dịch bệnh Covid-19, chính vì vậy mà tỉnh đã không ngừng nỗ lực, tập trung triển khai quyết liệt đồng bộ nhiều giải pháp, sáng kiến vận dụng linh hoạt vào thực tiễn, qua đó mang Bình Dương trở lại với trạng thái “bình thường mới”.

Ông Mai Hùng Dũng bày tỏ vui mừng vì sau một thời gian giãn cách xã hội kéo dài, việc tổ chức hội nghị đã nhận được sự quan tâm của hơn 100 DN, đơn vị tham gia trực tiếp tại đây và nhiều DN khác tham dự trực tuyến tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Và kỳ vọng hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa Bình Dương năm 2021 sẽ là cầu nối hiệu quả, là kênh XTTM quan trọng tạo điều kiện cho các nhà sản xuất, các nhà cung cấp gặp gỡ, kết nối với các DN thương mại, các nhà phân phối, các DN xuất nhập khẩu cùng chia sẻ kinh nghiệm tìm kiếm đối tác hợp tác. Đồng thời, phát triển thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững cho các sản phẩm của địa phương, giúp DN khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo lợi thế cạnh tranh thị trường trong nước và quốc tế. ..

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tin tưởng với tinh thần xem khó khăn thách thức là cơ hội để sáng tạo và vượt khó, Bình Dương tích cực chủ động đẩy mạnh và khai thác tối đa chuyển đổi số, phát triển mạnh mẽ công nghiệp 4.0 trên tất cả mọi lĩnh vực. Cụ thể, nhiều đơn vị, DN, hợp tác xã, trang trại đã tham gia các sàn thương mại điện tử: ketnoicungcau, Alibaba, Amazon, HKTDC... và triển khai kênh bán lẻ trực tuyến của DN trên nền tảng Fanpage, Zalo, Instagram...

Doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội

Việc đẩy mạnh các hoạt động XTTM trực tuyến đã giúp DN tiết kiệm chi phí, tăng tốc độ, rút ngắn khoảng cách và thời gian; đồng thời tăng phạm vi và số lượng tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng. Hoạt động XTTM trực tuyến được triển khai rầm rộ thời gian qua đã giúp DN vượt qua hạn chế về di chuyển, mở rộng cánh cửa tìm kiếm bạn hàng, thị trường cho DN.

Theo bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Giám đốc WTC Bình Dương, cho rằng: “Ở góc độ là người thực hiện các chương trình XTTM cho DN, tôi nhận thấy hoạt động này bước đầu mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Hoạt động XTTM trực tuyến giúp các DN tiếp cận thị trường khá nhanh và an toàn trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, cùng với đó là tiết kiệm thời gian, chi phí. Thời gian tới, việc triển khai hoạt động XTTM trên nền tảng số cũng sẽ được WTC Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ DN. WTC sẽ phối hợp với các ngành, đơn vị tổ chức những chương trình mới dựa trên các giao dịch thương mại điện tử B2B, B2C cho DN. Hỗ trợ DN thực hiện các chương trình liên quan đến sàn thương mại điện tử B2B của Global Sources. Kỳ vọng, DN tham gia đã có thể tiếp cận được vào hệ thống của tổ chức thương mại thế giới và các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu…

Theo ông Lưu Trí, Giám đốc Công ty TNHH Nghệ Năng trước đây, các hội chợ XTTM trực tiếp thường là hội chợ chuyên ngành, chỉ có thể áp dụng cho một nhóm sản phẩm nhưng với hoạt động XTTM trực tuyến, nếu được tổ chức quy mô, cùng một lúc nhiều ngành hàng khác nhau có thể tham gia. XTTM trực tuyến cũng rất hữu ích cho các DN và địa phương trong việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là các DN, địa phương cũng phải có sự chuẩn bị nhất định bên cạnh sự đồng hành hỗ trợ của các cơ quan XTTM để có kết quả tốt hơn trong hoạt động này. Các hoạt động XTTM hiện nay hầu hết được thực hiện trên nền tảng online, vì vậy cũng có những rủi ro nhất định. Do tất cả đều giao dịch giữa các bên đều qua không gian ảo không gặp mặt trực tiếp nên điều này rất cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan liên quan nhằm giảm thiểu rủi ro cho DN, nhất là các hoạt động giao thương với đối tác nước ngoài. Ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp (Sở Công thương) cho biết trung tâm lưu ý hỗ trợ DN và các địa phương trong hoạt động bán hàng thông qua kênh TMĐT nhất là đối với các mặt hàng nông sản, hoa quả.

Theo ông Mai Thế Bảo, quản lý TIKI, khuyến nghị đối với các DN Bình Dương để thích ứng với các giao dịch TMĐT, khi vào một sân chơi, các DN, HTX cần xác định được mảng dịch vụ hay mảng sản phẩm của mình là gì, từ đó quyết định hình thức cho phù hợp. Vì những điều này sẽ quyết định đến cả quá trình hoạt động, sự thành công hay thất bại của đơn vị. Bên cạnh đó, DN cần chuẩn bị một hành trang nhất định để khi tham gia các hoạt động. DN phải đầu tư một cách bài bản cho chiến lược marketing và nghiệp vụ của nhân viên bán hàng. DN cần đầu tư, định hình cho sản phẩm của mình. Việc quyết định bán sản phẩm gì, bán vào thị trường nào, đối tượng khách hàng, chính sách và điều khoản giao hàng… rất quan trọng. Trong đó, việc thiết kế đóng gói bao bì sản phẩm, cách thức thể hiện thương hiệu cũng cần được chú trọng, điều đó thể hiện sự khác biệt của DN để tìm kiếm được đối tượng khách hàng tiềm năng.

Bình Dương là địa phương đứng thứ 4/63 tỉnh về chỉ số phát triển thương mại điện tử - EB1 (trong đó đứng thứ 3 về giao dịch qua thương mại điện tử B2B, B2C) Đặc biệt, thực hiện chương trình kết nối tiêu thụ hàng hóa liên tiếp trong 3 năm qua đã hỗ trợ gần 100 DN, đơn vị, hợp tác xã trong tỉnh về ngành hàng nông sản, thực phẩm chế biến, trái cây, mô hình trồng rau thủy canh và các sản phẩm rau an toàn, dược phẩm... tiếp cận các đơn vị cung ứng, hệ thống phân phối lớn trên cả nước và ký kết thành công hơn 60 biên bản ghi nhớ, hợp đồng nguyên tác với các công ty xuất nhập khẩu hàng hóa cung ứng cho thị trường trong nước và quốc tế.

TIỂU MY - KIM HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=686
Quay lên trên