Xứng đáng là trung tâm đoàn kết, giáo dục, rèn luyện, chăm lo, xây dựng đội ngũ công nhân

Cập nhật: 22-09-2023 | 07:58:02

Trong nhiệm kỳ qua, hoạt động công đoàn và phong trào công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển toàn diện, qua đó góp phần khẳng định, nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn và đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tỉnh Bình Dương ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh. Nhân dịp Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, về một số định hướng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh đối với hoạt động công đoàn và phong trào CNVCLĐ trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tặng quà tết cho công nhân lao động. Ảnh: Đ.TRỌNG

Chăm lo, nâng cao đời sống người lao động

- Thưa đồng chí, Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp, thu hút đông công nhân lao động (CNLĐ) đến làm việc, lập nghiệp và sinh sống. Để nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn, chăm lo tốt đời sống cho CNLĐ, thời gian qua, Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo như thế nào với phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn?

- Lãnh đạo tỉnh luôn xác định CNLĐ có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của tỉnh. Do đó, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo xây dựng đội ngũ CNLĐ, tổ chức công đoàn vững mạnh, đưa hoạt động công đoàn và phong trào CNVCLĐ ngày càng phát triển.

Trong năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định 761/QĐ- TU ngày 6-8-2018 thực hiện Đề án tổng thể về “Đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động công đoàn tỉnh Bình Dương trong tình hình mới”. Đây là đề án quan trọng, tác động toàn diện, góp phần đổi mới căn bản nội dung, phương thức hoạt động công đoàn trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đã xác định rõ nhiệm vụ “Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động (NLĐ)” là 1 trong 9 nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện các chương trình đột phá của tỉnh trong nhiệm kỳ.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành Chương trình hành động số 57-CTr/TU về tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho CNLĐ trên địa bàn; Chương trình số 58-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; Chương trình số 16-CTr/TU về xây dựng, phát triển tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp (DN) ngoài khu vực Nhà nước, giai đoạn 2016- 2020; Chương trình số 25-Ctr/ TU về phát triển đảng viên trong CNLĐ, giai đoạn 2021- 2025; Đề án số 03-ĐA/TU về hỗ trợ nguồn lực thực hiện công tác xây dựng, phát triển tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các DN ngoài khu vực Nhà nước, giai đoạn 2022- 2025...

Khẳng định, nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn

- Đồng chí có thể đánh giá khái quát về phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn trên địa bàn tỉnh trong nhiệm kỳ qua?

- Trong nhiệm kỳ qua, phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn tỉnh không ngừng được củng cố, phát triển lớn mạnh, đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các mặt công tác, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Đến nay, các nhiệm vụ chủ yếu của Đề án “Đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động công đoàn tỉnh Bình Dương trong tình hình mới” cơ bản được hoàn thành.

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn Việt Nam trong tình hình mới đạt được nhiều kết quả. Các cấp công đoàn trong tỉnh đã từng bước đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động, tập hợp, thu hút NLĐ tự nguyện tham gia, thành lập công đoàn cơ sở; tập trung tuyên truyền, vận động, thuyết phục người sử dụng lao động bảo đảm quyền của NLĐ được tham gia vào hoạt động trong tổ chức công đoàn theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ và sự phát triển của DN.

Toàn cảnh phiên làm việc thứ nhất Đại hội Công đoàn tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách có bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín, có năng lực đối thoại, tập hợp và đoàn kết NLĐ; xây dựng mô hình tổ chức công đoàn theo hướng mở, linh hoạt, năng động nhằm giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, NLĐ. LĐLĐ tỉnh cũng thường xuyên quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn ngày càng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Trong nhiệm kỳ qua, công tác hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19… được các cấp công đoàn tỉnh chú trọng triển khai kịp thời với nhiều hoạt động phong phú, linh hoạt, hiệu quả. Các phong trào thi đua yêu nước được triển khai sâu rộng với nội dung, hình thức bám sát thực tiễn đã khích lệ, động viên đoàn viên, NLĐ đổi mới, sáng tạo trong lao động, sản xuất... Công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được tập trung thực hiện. Công tác tạo nguồn, bồi dưỡng quần chúng ưu tú là CNLĐ giới thiệu cho đảng xem xét, kết nạp được các cấp công đoàn quan tâm thực hiện tốt.

Có thể khẳng định, hoạt động công đoàn và phong trào CNVCLĐ trên địa bàn tỉnh trong 5 năm qua đã có bước phát triển toàn diện, qua đó góp phần khẳng định, nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn và đóng góp quan trọng   vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tỉnh Bình Dương ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh.

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm

- Thưa đồng chí, trong nhiệm kỳ mới, để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, tổ chức công đoàn trong tỉnh cần tập trung những nhiệm vụ trọng tâm nào?

Những năm qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng như suy thoái kinh tế đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN và đời sống, việc làm của NLĐ. Trước tình hình trên, tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách của Trung ương hỗ trợ cho NLĐ (như Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 08/2022/QĐ-TTg...). Bên cạnh đó, tỉnh còn ban hành các chính sách để hỗ trợ cho NLĐ như Nghị quyết 04/2021/NQ-HĐND về hỗ trợ tiền thuê nhà đối với NLĐ đang ở trọ; Quyết định 12/2021/ QĐ-UBND về hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho NLĐ có hoàn cảnh khó khăn đang ở trọ, với tổng số tiền lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Tỉnh cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà trẻ, nơi sinh hoạt văn hóa… nhằm giúp NLĐ yên tâm lao động sản xuất, vượt qua khó khăn và gắn bó với tỉnh Bình Dương.

- Trước hết, tổ chức công đoàn phải thường xuyên coi trọng và làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho CNVCLĐ; đổi mới, mở rộng và đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt, học tập phù hợp với từng đối tượng đoàn viên, NLĐ. Cụ thể là tuyên truyền, giáo dục giúp CNVCLĐ nhận thức sâu sắc hơn nữa về bản chất giai cấp, về mục tiêu, lý tưởng của Đảng, về tổ chức công đoàn, về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng; phát huy lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; phát động sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, nỗ lực lao động sáng tạo, xác định rõ trách nhiệm trước yêu cầu và nhiệm vụ của tỉnh trong tình hình mới.

Tổ chức công đoàn cùng với hệ thống chính trị tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các chủ trương, định hướng của Tỉnh ủy về phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, tạo đà cho việc hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra. Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn cần tập trung thực hiện các chương trình hành động, đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, như: Chương trình hành động số 57 về “Tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho CNLĐ trên địa bàn tỉnh Bình Dương”; Chương trình hành động số 58 về thực hiện Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; Đề án phát triển nhà ở xã hội cho công nhân; Chương trình phát triển đảng viên trong CNLĐ, giai đoạn 2021-2025; Đề án về hỗ trợ nguồn lực thực hiện công tác xây dựng, phát triển tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các DN ngoài khu vực Nhà nước, giai đoạn 2022-2025; Nghị quyết về thực hiện chuyển đổi số; chiến lược phát triển thành phố thông minh, hướng tới xây dựng vùng thông minh, thành phố xanh…

Các cấp công đoàn cần quan tâm và chủ động hơn nữa trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, luân chuyển, chuẩn bị nguồn cán bộ kế cận; xây dựng tổ chức thực sự vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động để xứng đáng là trung tâm đoàn kết, giáo dục, rèn luyện, xây dựng đội ngũ công nhân. Tổ chức công đoàn là nhịp cầu nối liền giữa Đảng với giai cấp công nhân, với toàn thể NLĐ; không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng sáng tạo, hiệu quả, sát thực tế; tập trung hướng mạnh về cơ sở, xây dựng và triển khai các phong trào hoạt động phù hợp với từng đối tượng; thực sự là chỗ dựa vững chắc và tin cậy của CNVCLĐ...

- Xin cảm ơn đồng chí!

HỒ VĂN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên