Xung quanh công trình xây dựng ở chợ Sáng (thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng): Bất ổn trong việc xử lý !?

Cập nhật: 25-06-2010 | 00:00:00

  Chợ Sáng được xây dựng mớiKhông ban hành quyết định (QĐ) thu hồi đất, không giải quyết khiếu nại, không có QĐ cưỡng chế nhưng vẫn tiến hành cưỡng chế... đó là những bất ổn trong việc thực thi pháp luật của ngành chức năng đối với 10 kiốt tại khu vực chợ Sáng, thị trấn Dầu Tiếng; đã vi phạm vào các quy định của Nghị định 197/2004/NĐ-CP và Nghị định 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ...!?

Theo hồ sơ vụ việc: ngày 25-12-2001, UBND tỉnh có QĐ số 8618/QĐ-CT phê duyệt chi phí đền bù giải phóng mặt bằng công trình “Nâng cấp đường nội ô thị trấn Dầu Tiếng...”. Công trình này sẽ đi qua khu vực chợ Sáng, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều hộ đang buôn bán, trong đó có 10 kiốt của các tiểu thương đã kinh doanh ở đây lâu năm. Theo thiết kế, tính từ tim đường vào thì các kiốt bị giải tỏa khoảng hơn 1m đất; người dân đều đồng tình và nhận tiền đền bù. Sau khi bị giải tỏa 1m đất để làm đường, mỗi kiốt chỉ còn lại 12m2 và các tiểu thương tiếp tục việc làm ăn. Tuy nhiên, đến cuối năm 2008, khi chợ Sáng được tư nhân đầu tư xây dựng hoàn chỉnh thì UBND huyện Dầu Tiếng yêu cầu cả 10 hộ này đều phải giải tỏa các kiốt, bàn giao mặt bằng! Trước thông báo của chính quyền, 10 hộ này đều có đơn khiếu nại nhưng không được giải quyết. Ngược lại, vào ngày 9-1-2009 và ngày 19-2-2009 các hộ trên tiếp tục nhận được thông báo của chính quyền địa phương yêu cầu “phải giải tỏa theo QĐ 8618/QĐ-CT ngày 25-12-2001 của UBND tỉnh”; song, người dân cho rằng: QĐ này chỉ liên quan đến việc mở rộng đường nội ô thị trấn Dầu Tiếng và họ đã chấp hành giải tỏa từ năm 2002. Bà Nguyễn Thị Kim Duyên, đại diện cho 10 hộ nêu rõ: “Năm 2001, chúng tôi căn cứ vào QĐ 8618 nên đã chấp hành, tự giải tỏa đất giao cho Nhà nước làm đường... mọi việc tưởng vậy là xong... Thế mà, năm 2008 ngành chức năng lại đem QĐ đó ra để yêu cầu chúng tôi: giải tỏa toàn bộ kiốt!? Làm như vậy là giải tỏa trắng, mà giải tỏa trắng sao không thấy đền bù theo chủ trương... đồng thời phải có QĐ giải tỏa. Rõ ràng tại QĐ 8618 chỉ ghi: tính từ tim đường vào, mỗi bên giải tỏa 7m để mở rộng đường nội ô...”.

Trước những vấn đề không rõ ràng nên người dân ở đây tiếp tục có đơn khiếu nại nhưng ngành chức năng vẫn không giải quyết; căng thẳng hơn, vào ngày 24-6-2009, UBND huyện Dầu Tiếng còn tiến hành cưỡng chế giải tỏa 10 kiốt. Việc UBND huyện Dầu Tiếng tổ chức cưỡng chế 10 kiốt mà không ban hành QĐ cưỡng chế, ra QĐ thu hồi đất, QĐ giải quyết khiếu nại là chưa đúng luật. Căn cứ điều 60, Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25-5-2007 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thu hồi đất thì: “Việc cưỡng chế thu hồi đất... chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện: thực hiện đúng trình tự, thủ tục về thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ, tái định cư theo quy định tại các điều 49, 50, 51, 52, 53... của nghị định này; chính quyền địa phương tổ chức vận động người dân trước lúc cưỡng chế...; phải có QĐ cưỡng chế của UBND cấp có thẩm quyền...; người bị cưỡng chế đã nhận được QĐ cưỡng chế; niêm yết công khai QĐ cưỡng chế...”. Đối chiếu với các điều luật của nghị định này cho thấy, UBND huyện Dầu Tiếng đã tiến hành cưỡng chế 10 kiốt trên là không đúng trình tự, thủ tục...

Tại điều 16, Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 3-12-2004 của Chính phủ quy định về “bồi thường đối với đất thuộc hành lang an toàn (HLAT) khi xây dựng công trình công cộng có HLAT”. Theo đó, khi Nhà nước thu hồi đất nằm trong HLAT thì thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ theo quy định tại nghị định này. Thực tế 10 kiốt trên có phần lớn diện tích đất nằm trong hành lang bảo vệ đường bộ. Căn cứ tinh thần của Nghị định 197 thì 10 hộ này được đền bù đất. Do đó nếu UBND huyện Dầu Tiếng muốn thu hồi giải tỏa toàn bộ đất ở 10 kiốt này thì phải tiến hành đầy đủ các thủ tục theo quy định thì mới đúng luật.

Trước khiếu nại của người dân kéo dài, trong thời gian qua, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, HĐND tỉnh Bình Dương đều đã có công văn đề nghị huyện Dầu Tiếng giải quyết. Ngày 8-10-2009, UBND tỉnh đã có công văn giao cho Thanh tra tỉnh xác minh vụ việc này. Nhằm làm rõ thêm sự việc, phóng viên (PV) đã gặp ông Nguyễn Mạnh Hồng, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, song ông Hồng từ chối bình luận! Ông Hồng chỉ có ý kiến ngắn “vụ việc này kéo dài và Thanh tra tỉnh đã vào cuộc nên tôi đang chờ kết quả thanh tra. Đề nghị báo chí liên hệ với bên Thanh tra tỉnh...”! Mới đây, trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó Chánh Thanh tra tỉnh cho biết: “Hiện Thanh tra tỉnh đã có báo cáo kết luận vụ này gửi UBND tỉnh. Việc người dân bức xúc khiếu nại phản ánh là có thật, sự bức xúc của người dân là có cơ sở. Đối với ngành chức năng, rõ ràng là đã có sai sót; tuy nhiên sai sót ở mức độ nào thì sắp tới tỉnh sẽ có QĐ. Chúng tôi chỉ báo cáo kết luận và làm công tác tham mưu...”.

KIẾN GIANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên