Xung quanh phiên tòa lao động gây tranh cãi: Cần công tâm xem xét lại vụ án

Cập nhật: 30-03-2010 | 00:00:00

Ngày 18-12-2009, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Bình Dương có Công văn số 121/TA-GĐKT thông báo cho Công ty SAFA VEDIC là: vụ án đang được tòa nghiên cứu để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm... Thế nhưng cho đến nay, việc khiếu nại của Công ty Safa Vedic vẫn chưa được giải quyết.Đây là một vụ án nhỏ, tình tiết pháp lý không phức tạp, song có thể do sự chủ quan của tòa sơ thẩm trong việc thu thập chứng cứ cũng như chưa thể hiện hết trách nhiệm đối với doanh nghiệp khiến cho vụ án kéo dài và diễn biến phức tạp. Về mặt pháp luật, quan hệ của vụ án là giải quyết tranh chấp với số tiền không lớn, thậm chí là quá đơn giản đối với một công ty làm ăn có thương hiệu như Safa Vedic. Nhưng vấn đề mà doanh nghiệp rất bức xúc đó là uy tín, là áp đặt một tiền lệ không tốt đối với đơn vị kinh doanh. Nói cách cụ thể hơn, doanh nghiệp quyết đeo bám sự việc, khiếu nại đến cùng để đòi công lý, bảo vệ uy tín của thương hiệu công ty.Trở lại vụ án: Năm 2004, Công ty Safa Nutro (xã Đông Hòa, Dĩ An) ký hợp đồng lao động với ông Nguyễn Thanh Nhã và ông Đặng Văn Thinh. Doanh nghiệp này hoạt động được 3 năm cho đến ngày 4-6-2007, Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bình Dương thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh và xóa tên doanh nghiệp, lý do vì công ty giải thể. Sau khi Safa Nutro giải thể đã bán lại cơ sở cho Công ty Safa Vedic, thể hiện bằng 4 hóa đơn giá trị gia tăng với trị giá hơn 2,3 tỷ đồng. Do đó, vào ngày 26-2-2007, Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bình Dương đã cấp giấy phép kinh doanh cho Safa Vedic trên địa chỉ cũ của Công ty Safa Nutro. Khi Safa Nutro giải thể, theo luật quy định thì người lao động xem như phải giải tán. Trong số công nhân thất nghiệp này, bà Nguyễn Ngọc Tú, Giám đốc Safa Vedic đã nhận ông Nhã, ông Thinh từ Safa Nutro đến thử việc tại Safa Vedic. Tuy nhiên, sau một thời gian nhận thấy hai người này liên tục vi phạm nội quy, thậm chí tổ chức trộm cắp tài sản, nhậu nhẹt cả trong giờ làm việc... nên bà Tú ký quyết định sa thải ông Nhã, riêng ông Thinh thì tự ý nghỉ việc.

Công ty Safa Vedic đã hoạt động từ nhiều năm qua

Mọi việc tưởng như không gì phức tạp, nhưng vào năm 2008 thì ông Nhã và ông Thinh khởi kiện Safa Vedic đòi phải bồi thường thiệt hại vì đã sa thải họ trái luật! Công ty Safa Vedic lập luận rằng: các đương sự không thể khởi kiện, vì căn cứ theo điều 32 Bộ luật Lao động quy định: “Người quản lý lao động có quyền đơn phương chấm dứt thỏa thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường”... Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm vào ngày 9-7-2008, TAND huyện Dĩ An đã tuyên xử cho ông Nhã, ông Thinh thắng kiện; buộc Safa Vedic phải bồi thường cho các đương sự hơn 50 triệu đồng. Không đồng tình với phán quyết này, Safa Vedic đã làm đơn kháng cáo, song do trở ngại khách quan, việc nộp đơn kháng cáo đã trễ hạn 1 ngày nên TAND tỉnh Bình Dương bác đơn kháng cáo mà không xem xét tình tiết bất cập của vụ án. Việc TAND tỉnh Bình Dương đã dụng luật quá cứng nhắc khiến công ty đã bị xét xử oan sai giờ càng thêm bức xúc. Đây chính là nguyên nhân khiến cho việc khiếu nại kéo dài hơn 2 năm; tình tiết pháp lý của vụ án tuy nhỏ nhưng ngày càng được dư luận quan tâm.

Rõ ràng, TAND huyện Dĩ An tuyên xử cho ông Nhã, ông Thinh thắng kiện là chưa phù hợp với điều 32, điều 38 của Bộ luật Lao động và điều 141 Luật Doanh nghiệp năm 2005 (trước đây, Báo Bình Dương đã đề cập vấn đề này). Điều đáng nói hơn, bà Nguyễn Ngọc Tú, Giám đốc Safa Vedic chỉ ký quyết định hợp pháp để sa thải ông Nhã chứ không hề ký quyết định nào sa thải ông Thinh. Nhưng chẳng hiểu vì sao mà tòa vẫn cho rằng: Safa Vedic sa thải ông Thinh! Tòa có thể lấy quyết định từ ông Nhã và vận dụng cho ông Thinh luôn một thể!? Thực tế, ông Thinh tự ý nghỉ việc, việc ông Thinh kiện Công ty Safa Vedic “sa thải mình” nhưng không xuất trình được quyết định bị sa thải rõ ràng là vi phạm điều 79 của Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định về nghĩa vụ chứng minh. Trong thời gian qua, TAND tối cao đã có 2 công văn chuyển hồ sơ vụ việc này giao cho TAND tỉnh Bình Dương giải quyết. Ngày 21-10-2009, Ủy ban Tư pháp Quốc hội cũng đã có công văn trả lời xung quanh vụ án này và đề nghị đương sự liên hệ với TAND tỉnh Bình Dương để được giải quyết. Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Dĩ An cũng đã ban hành quyết định số 08 và 09/QĐ-THA về việc hoãn thi hành án đối với Công ty Safa Vedic để đề nghị xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm. Thế nhưng, cho đến nay vụ án này vẫn chưa có hồi kết!

Đáng tiếc hơn, sau khi bản án sơ thẩm đã tuyên gần 1 năm, TAND huyện Dĩ An vẫn còn ra thông báo “sửa chữa bản án”. Cụ thể, ngày 10-9-2009 tòa sơ thẩm có Công văn số 03/2009/TB-TA thông báo: sửa chữa nội dung bản án! Điều này cho thấy, thông báo trên đã vi phạm tố tụng được quy định tại điều 240 của Bộ luật Tố tụng Dân sự; bởi vì điều luật này không cho phép sửa chữa lại nội dung bản án đã tuyên. Với một bản án có nhiều bất cập và sai sót trong quá trình tố tụng như vậy, nhưng cho đến nay TAND tỉnh Bình Dương vẫn chưa quan tâm giải quyết dứt điểm.

Trước đây, trao đổi với phóng viên (P.V), ông Nguyễn Thanh Tùng, Chánh án TAND tỉnh Bình Dương cho biết: “Về việc ông Thinh cho rằng bị sa thải nhưng không xuất trình được quyết định bị sa thải từ Công ty Safa Vedic mà vẫn yêu cầu bồi thường thì chúng tôi sẽ kiểm tra lại quá trình tiến hành tố tụng xem có chính xác hay không. Ở bản án sơ thẩm, tòa đã nhận định: Doanh nghiệp Safa Nutro và Safa Vedic cùng là một pháp nhân nên tuyên xử Safa Vedic phải bồi thường cho đương sự. Vậy hai chủ thể này là một pháp nhân hay hai pháp nhân, chúng tôi cần tra cứu cụ thể, rõ ràng để có hướng giải quyết...”!

Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Ngọc Tú, Giám đốc Safa Vedic cho biết: “Công ty của chúng tôi hoạt động ở Bình Dương này đã hơn 30 năm rất ổn và chưa bao giờ xảy ra tranh chấp với người lao động. Việc tòa sơ thẩm vận dụng luật chưa sát hợp dẫn đến kết quả xét xử gây oan sai cho chúng tôi là rất đáng tiếc. Chúng tôi khiếu nại bản án không phải vì khoản tiền ít ỏi phải bồi thường cho người lao động mà chỉ vì gây ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của công ty đã gầy dựng mấy chục năm qua. Chúng tôi mong rằng quý tòa cần công tâm xem xét thấu đáo vụ án này”!

Kiến Giang

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên