Xung quanh vụ án kéo dài ở thị trấn Mỹ Phước (Bến Cát): Cần mạnh tay xử lý hành vi ngang ngược!

Cập nhật: 02-07-2014 | 09:11:08

Sau nhiều năm gõ cửa ngành chức năng tìm công lý, đòi lại quyền lợi hợp pháp của mình. Gần đây, lẽ phải đã được phân định rõ nhưng gia đình của bà Nguyễn Thị Tuyết Loan giờ lại đối mặt với tình huống bất ngờ khác, mới phát sinh!

8 năm, vất vả tìm công lý!

Thực tế việc tranh chấp tài sản của vụ án này không lớn về mặt giá trị, nhưng về khía cạnh tinh thần đã ảnh hưởng nặng đến đời sống của người dân; bởi thế ngay từ khi vụ việc xảy ra đã nhận được sự quan tâm từ nhiều ban ngành: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, chính quyền huyện Bến Cát, Báo Bình Dương... và cả Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Bình Dương - đơn vị do chủ quan xét xử đã “góp phần” kéo dài oan sai cho người dân. Bài học mà vụ án này cho thấy: Trong tố tụng, ngành tòa án cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, nếu đơn phương phán xét đôi khi sẽ cho kết quả không thuyết phục.

 Hành vi cản trở ngành chức năng thi hành nhiệm vụ

Theo hồ sơ vụ án: Vợ chồng bà Loan, ngụ thị trấn Mỹ Phước, Bến Cát được cha mẹ cho mảnh đất 1.363m2 và đã cấp sổ đỏ. Năm 2004, bà Thủy là giáo viên dạy cùng trường nên được bà Loan giới thiệu mua đất ở cạnh nhà mình. Sau khi mua đất, bà Thủy xây hàng rào bao quanh lô đất này và xây bao luôn cả con đường đi vào nhà bà Loan. Vậy là “họa vô đơn chí”, rủ bạn về mua đất ở gần cho vui, không ngờ nay chẳng có lối vào nhà! Mâu thuẫn nảy sinh, không hòa giải được nên bà Loan nhờ chính quyền can thiệp. Ngày 31-8-2004, đoàn cán bộ thị trấn Mỹ Phước đến thực địa xác minh, kết luận: Con đường này đã có từ lâu, thể hiện rõ trên bản đồ địa chính chính quy; bà Thủy tự ý lấn chiếm con đường là không có cơ sở xem xét. Tiếp theo, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Bến Cát cũng có kết luận: Bà Thủy xây hàng rào bít lối đi chung là sai và vượt diện tích phần đất mà bà đã mua...

Với những kết luận như trên, lẽ ra bà Thủy nên dừng lại, tháo dỡ hàng rào cho bạn đồng nghiệp ra vào; đàng này bà Thủy lại kiện bà Loan ra tòa, quyết tâm chiếm lấy phần đất của đường đi có chiều rộng khoảng 3m ngang. Điều đáng tiếc là cả hai cấp tòa đều đã tuyên xử cho bà Thủy thắng kiện! Nguyên nhân của sự thể này là do tòa xử theo yêu cầu của nguyên đơn, chủ quan không xem xét đến các kết luận của chính quyền địa phương. Cho đến lúc tuyên xử phúc thẩm xong, TAND tỉnh Bình Dương mới nhận ra “có vấn đề” nên chính thức ra văn bản đề nghị hoãn thi hành án; đồng thời có công văn gửi TAND tối cao đề nghị giám đốc thẩm lại vụ án này. Và ngày 29-1-2010, TAND tối cao đã có quyết định giám đốc thẩm, tuyên hủy 2 bản án của 2 cấp tòa sơ thẩm, phúc thẩm vì oan sai; giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Bến Cát xét xử lại.

Ngang ngược!

Ngày 16-9-2011, TAND huyện Bến Cát xét xử lại vụ án và tuyên: “Đình chỉ giải quyết vụ án”! Với lý do rất đơn giản: Lối đi vào nhà bà Loan là lối đi công cộng do chính quyền địa phương quản lý; đường đi này không phải là đất của bà Thủy nên việc bà Thủy kiện bà Loan là không thuộc thẩm quyền của tòa. Phán quyết này của tòa đã được các cấp ngành địa phương đồng tình vì chính xác; song dư luận băn khoăn: Tại sao 8 năm về trước, tòa không phán quyết như vậy mà lại vội vàng xét xử để gây oan sai?!

Thế là sau 8 năm khiếu nại (KN), cho đến nay lẽ phải đã thuộc về bà Loan. Vừa qua, chính quyền huyện Bến Cát đã tiến hành cắm mốc, chuẩn bị tháo dỡ hàng rào, trả lại lối đi cho gia đình bà Loan. Thế nhưng, trong lúc ngành chức năng đang thực thi nhiệm vụ thì xuất hiện một hành động rất ngang ngược, tiếp tục gây bức xúc trong dư luận. Đó là hành vi cản trở của vợ chồng ông L.D.S và bà T.T.C, ở sát nhà bà Loan. Bà C. ngang nhiên lấy dây thép gai rào bít lối đi vào nhà bà Loan, không cho các thành viên của đoàn thi hành nhiệm vụ; thậm chí vợ chồng họ còn “nhốt” số cán bộ chiến sĩ công an trong đất của bà Loan suốt gần 2 giờ đồng hồ. Bà Loan than thở: “Nhiều năm qua, gia đình tôi đã rất vất vả đi tìm công lý. Nay hết bà Thủy gây khó, giờ lại tới phiên bà C. kiếm chuyện không để chúng tôi có lối ra vào. Bà C. cho rằng: lối đi này là đất của bà, nhưng rõ ràng đây là đường đi chung. Gia đình tôi đã sống trên đất này từ năm 1982, còn nhà bà C. mãi đến năm 1991 họ mới về ở đây, thì căn cứ nào mà lại nói đường đi chung là đất của họ... 30 năm qua không hề có ai tranh chấp, vậy mà nay lại...”!

Rõ ràng hành vi của vợ chồng bà C. là trái luật. Việc cản trở, phát sinh tranh chấp vô cớ sẽ không được chính quyền và tòa án xem xét giải quyết; bởi vấn đề này đã được Luật KN - Tố cáo quy định. Hành vi ngang nhiên rào lối đi chung, cản trở, bao nhốt các thành viên của lực lượng chức năng có thể bị xem là hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ. Mọi vấn đề luật đã định rõ. Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan hữu quan cần mạnh tay để bảo vệ công lý, có biện pháp chế tài, nghiêm trị đối với những ai xem thường pháp luật.

Điều 32 Luật KN - Tố cáo quy định: KN thuộc một trong các trường hợp sau đây không được thụ lý giải quyết: KN không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người KN; việc KN đã có quyết định giải quyết KN cuối cùng; việc KN đã được tòa án thụ lý để giải quyết hoặc đã có bản án, quyết định của tòa án.

(Đối chiếu theo luật này cho thấy, vợ chồng bà C. cho rằng: lối vào nhà bà Loan là đất của mình thì không đúng, việc cản trở lại càng sai; bởi phần đất có đường đi chung này đã được TAND huyện Bến Cát và chính quyền địa phương ban hành quyết định kết luận là “đất công cộng, đường đi chung”).

KIẾN GIANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=658
Quay lên trên