...Tòa tuyên xử, buộc bị đơn trả lại đất cho nguyên đơn nhưng nguyên đơn phải thanh toán cho bị đơn 238 triệu đồng. Hiện nay, giá bán lô đất này không đủ số tiền phải thi hành án (THA) nên cơ quan THA chuẩn bị cưỡng chế ở phần tài sản khác của nguyên đơn. Đây là một vụ án mà người thắng kiện coi như “được con tép lại mất con tôm”!
Theo trình bày của ông Trần Văn Vàng, ngụ tại ấp Cỏ Trách, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng - nguyên đơn trong vụ án này: do ông Vàng đi làm ăn xa nên vào năm 2006, vợ của ông là bà Trần Thị Thanh ở nhà có bán cho vợ chồng Nguyễn Văn Vững và Lê Thị Thu 6.149m2 đất với giá 30 triệu đồng. Đến năm 2007, ông Vàng mới biết việc này nên đã bàn với ông Vững, bà Thu để chuộc lại đất nhưng không được; vì thế năm 2008, ông Vàng làm đơn khởi kiện yêu cầu tòa hủy bỏ hợp đồng mua bán đất giữa vợ ông với vợ chồng ông Vững, bà Thu.
Hồ sơ khiếu nại của ông Vàng
Tại Bản án số 32/2010/DSPT ngày 21-1-2010, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Bình Dương đã nhận xét: phần đất 6.149m2 tọa lạc tại ấp Cỏ Trách đã được chính quyền cấp GCN QSDĐ năm 2003 là tài sản chung của vợ chồng ông Vàng, bà Thanh. Do đó, việc bà Thanh tự ý định đoạt sang nhượng cho vợ chồng ông Vững mà không có sự đồng ý của ông Vàng là vi phạm điều 109 Bộ luật Dân sự, điều 28 Luật Hôn nhân và Gia đình... Về hình thức, các bên lại thỏa thuận sang nhượng đất bằng giấy tay, không có chứng thực của cơ quan thẩm quyền là vi phạm điều 689 Bộ luật Dân sự và điều 127 Luật Đất đai. Về phía vợ chồng ông Vững, bà Thu biết đất này là tài sản chung của vợ chồng ông Vàng nhưng chỉ thỏa thuận với bà Thanh là chưa đúng pháp luật. Từ đó, tòa kết luận hợp đồng sang nhượng đất giữa hai bên là vô hiệu. Tòa tuyên xử: buộc ông Vững, bà Thu trả lại diện tích đất 6.149m2 cho ông Vàng, bà Thanh. Tuy nhiên, tại bản án này tòa cũng tuyên xử, buộc bà Thanh có trách nhiệm thanh toán cho ông Vững, bà Thu là 178 triệu đồng; phần ông Vàng cũng phải thanh toán 60 triệu đồng.
Tại sao người thắng kiện lại phải bồi thường một số tiền khá lớn như vậy? Theo nhận định của tòa: mặc dù hợp đồng sang nhượng đất của hai bên là vô hiệu, song người có lỗi chính trong việc này là bà Thanh. Cụ thể tòa xác định bà Thanh có lỗi 3/4, ông Vững, bà Thu có lỗi 1/4 trên hậu quả thiệt hại của việc sang nhượng đất trái luật. Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, do không đồng tình với kết quả xét xử, vì cho rằng số tiền tòa yêu cầu thanh toán cho bị đơn quá nhiều và không khách quan nên ông Vàng đã có đơn gửi tòa cấp trên khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm. Ông Vàng cho biết: ông đồng tình với việc tòa tuyên xử hợp đồng sang nhượng đất vô hiệu, nhưng tòa xác định bà Thanh có lỗi 3/4 còn ông Vững, bà Thu chỉ bị lỗi 1/4 rồi từ đó buộc bà Thanh phải thanh toán cho ông Vững, bà Thu 178 triệu đồng là không công bằng. Bởi lẽ, ông Vững, bà Thu đều biết lô đất trên là của hai người nhưng chỉ thỏa thuận mua bán với bà Thanh mà không thông qua ông Vàng nên lỗi của họ cũng ngang với bà Thanh, thậm chí bên mua có lỗi nhiều hơn.
Được biết, hiện đơn khiếu nại của ông Vàng đã được TAND tối cao nhận xem xét giải quyết. Thế nhưng điều đáng nói trong vụ án này là việc cơ quan THA huyện Dầu Tiếng chuẩn bị cưỡng chế THA với ông Vàng. Mà theo ông Vàng, cơ quan THA không phải cưỡng chế ở phần đất 6.149m2 trong vụ án mà cưỡng chế ở phần tài sản khác. Lý do: hiện phần đất 6.149m2 có giá bán thấp hơn so với biên bản định giá của tòa án. Vì vậy, để có đủ số tiền 238 triệu (bà Thanh 178 triệu, ông Vàng 60 triệu) giao cho ông Vững, bà Thu thì cơ quan THA phải cưỡng chế ông Vàng, bà Thanh ở phần tài sản khác - tài sản này hoàn toàn không liên quan đến vụ án. Đây là tình huống trớ trêu đối với người thắng kiện! Ông Vàng tuy đòi lại được 6.149m2 đất của gia tộc nhưng hiện nếu đem bán hết cả phần đất đó vẫn không đủ tiền để thanh toán cho bên thua kiện nên ông đang đối mặt với nguy cơ bị cưỡng chế thêm tài sản. Vì sao có chuyện éo le như vậy? Tất cả là do quá trình giải quyết vụ án, tòa xác định giá đất chưa sát với đơn giá thị trường; mặt khác, một phần do tòa xác định phần bị lỗi của nguyên đơn quá chênh lệch so với bị đơn khiến cho số tiền mà nguyên đơn phải thanh toán khá lớn. Tại biên bản định giá đất ngày 6-1-2010, Hội đồng định giá xác định giá đất đang tranh chấp là 50.000 đồng/m2; tính ra, 6.149m2 được 307 triệu đồng. Thế nhưng theo ông Vàng, vừa qua để chuẩn bị THA, cơ quan THA tiến hành định giá đất lại chỉ ở mức từ 20.000 - 30.000 đồng/m2. Với mức giá này, tính ra thành tiền thì 6.149m2 đất tương đương từ 180 - 200 triệu đồng! Trong khi, tòa buộc ông Vàng, bà Thanh phải thanh toán cho bị đơn là 238 triệu đồng. Thành thử, việc khởi kiện chính đáng của ông Vàng rốt cuộc chẳng được gì mà còn bị thiệt hại thêm nhiều! Ngược lại, người thua kiện lại được lợi vì tòa tuy tuyên xử rằng việc mua bán đất là sai luật nhưng đã yêu cầu người bán phải thanh toán cho bên mua 238 triệu đồng, trong khi ông Vững, bà Thu chỉ bỏ ra 30 triệu đồng để mua đất. Để bảo vệ quyền lợi của mình, bên cạnh việc gửi đơn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm, ông Vàng nên có đơn yêu cầu ngành chức năng xác định lại giá đất. Thiết nghĩ, ngành chức năng cũng nên xem xét lại vụ án một cách công minh, có tình có lý.
KIẾN GIANG