Ý nghĩa của việc ba nước châu Âu công nhận Nhà nước Palestine

Cập nhật: 24-05-2024 | 07:02:21

Trong một động thái ngoại giao lịch sử, Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha tuyên bố sẽ công nhận Nhà nước Palestine, ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ Israel.


Người biểu tình Palestine tập trung tại thành phố Gaza, phản đối vụ binh sĩ Israel sát hại ít nhất 9 người Palestine ở Khu Bờ Tây, ngày 26/1/2023.

Theo đài Sputnik (Nga), động thái mang tính biểu tượng nhưng có ý nghĩa này đánh dấu sự thay đổi trong quan hệ quốc tế và có thể dẫn đến những chuyển biến trong cuộc xung đột lâu dời giữa Israel và Palestine.

Nhà báo chiến tranh kỳ cựu Elijah Magnier đã đưa ra những hiểu biết sâu sắc về ý nghĩa của động thái này trong cuộc phỏng vấn gần đây với chương trình Critical Hour của Sputnik.

“Israel đã thua trong cuộc xung đột này, thua trong cuộc chiến ngoại giao này và họ cũng đang thất bại trong cuộc chiến chính trị với phương Tây”, ông Magnier nhận định.

Tuyên bố đồng thời công nhận Nhà nước Palestine của 3 quốc gia châu Âu cho thấy quốc tế ngày càng đồng thuận rằng muốn có hòa bình ở Trung Đông, cần phải thừa nhận các quyền của người Palestine. Ông Magnier nhấn mạnh việc công nhận Nhà nước Palestine là quyền tối thiểu mà cộng đồng quốc tế có thể trao cho người Palestine, thực hiện những cam kết được đưa ra trong Hiệp định Oslo được ký kết từ những năm 1990.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã phản ứng kịch liệt trước động thái này và triệu hồi đại sứ từ các nước liên quan. Hành động của ông Netanyahu phản ánh lập trường lâu dài của ông là phản đối trao quyền thành lập nhà nước cho người Palestine.

“Thủ tướng Netanyahu luôn nói rằng ông ấy sẽ không trao cho người Palestine một nhà nước”, ông Magnier lưu ý, nhấn mạnh quan điểm nhất quán của nhà lãnh đạo Israel là phản đối chủ quyền của Palestine.

Bất chấp lập trường của châu Âu, Mỹ vẫn duy trì cách tiếp cận khác. Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan không ủng hộ việc công nhận Nhà nước Palestine. Thay vào đó, Washington tiếp tục ủng hộ các hành động quân sự và mục tiêu chiến lược của Israel.

Nhà báo Magnier đã chỉ trích quan điểm này. Ông chỉ ra sự mâu thuẫn trong chính sách của Mỹ, khi nước này kêu gọi bảo vệ dân thường song vẫn hỗ trợ quân sự cho Israel.

“Mỹ vẫn chấp thuận mọi kế hoạch của Israel”, ông Magnier nói và nhấn mạnh Gaza đã hứng chịu thương vong đáng kể về dân sự và bị tàn phá cơ sở hạ tầng nghiêm trọng.

Việc Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha công nhận Nhà nước Palestine đã báo hiệu sự thay đổi tiềm tàng trong cách tiếp cận của cộng đồng quốc tế đối với cuộc xung đột Israel - Palestine. Tuy nhiên, với việc Mỹ duy trì sự ủng hộ Israel và cuộc xung đột chưa có dấu hiệu kết thúc, con đường dẫn đến hòa bình dường như vẫn còn nhiều thách thức.

Ông Magnier kết luận: Israel không có khả năng đạt được mục tiêu của họ và cuộc chiến đang diễn ra cho thấy cần phải có một cách tiếp cận ngoại giao mới.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1913
Quay lên trên