Ý nghĩa một số đề tài hoa văn trang trí trên gốm Lái Thiêu

Cập nhật: 05-12-2015 | 08:52:16

Lái Thiêu là trung tâm phát triển của gốm sứ Bình Dương từ cuối thế kỷ XIX. Nguồn gốc gốm Lái Thiêu đến nay có nhiều ý kiến khác nhau. Theo nhà văn, nhà nghiên cứu Sơn Nam: “Lái Thiêu chỉ cách Cây Mai 15km (lò gốm cổ của TP.Hồ Chí Minh) khi các lò ở Cây Mai phát triển thiếu nguồn nguyên liệu, trong khi đó ở Lái Thiêu có điều kiện tự nhiên thuận lợi như hệ thống giao thông thủy bộ, nguồn đất sét trù phú, rừng bạt ngàn thuận lợi cho việc sản xuất, vận chuyển nên một số lò gốm ở Cây Mai đã dời về Lái Thiêu”.

 Bình tích - trang trí đồ án hoa mẫu đơn

 Trong một công trình nghiên cứu về gốm Biên Hòa của Phan Đình Dũng nói về nguồn gốc gốm Lái Thiêu như sau: “Vào khoảng giữa thế kỷ XIX, nguyên liệu đất sét vùng Đề Ngạn/ Chợ Lớn cạn kiệt, nhiều chủ lò gốm Cây Mai người Hoa đã trở về Biên Hòa, Thủ Dầu Một (vùng Lái Thiêu, Búng, Tân Uyên) mở lò gốm…”.

Ý nghĩa một số đồ án hoa văn

Trong nghề sản xuất gốm có rất nhiều khâu phải làm từ đầu cho đến khi hoàn thành sản phẩm nhưng có thể gom lại ở 4 khâu chính yếu là: “Nhất liệu, nhì nung, tam hình, tứ trí”. Như vậy, khâu quan trọng nhất trong sản xuất gốm sứ là vấn đề chuẩn bị nguyên liệu, phối liệu đất sét cao lanh; khâu quan trọng thứ hai là nung sản phẩm; khâu quan trọng thứ ba là tạo hình, tạo dáng cho sản phẩm và thứ tư là trang trí, men màu, vẽ hoa văn trên sản phẩm. Mỗi công đoạn đóng góp sự thành công một sản phẩm. “Tứ trí” là một trong những yếu tố tạo nên vẻ đẹp của sản phẩm gốm. Mỗi sản phẩm gốm làm ra sẽ được trang trí những đồ án hoa văn riêng, phù hợp với từng sản phẩm. Và trong mỗi đồ án trang trí đó đều mang ý nghĩa riêng mà người thợ gửi gắm vào đó.

Đồ án trang trí hoa

Hoa biểu trưng cho tiết thứ, cho bốn mùa. Hoa cúc biểu trưng cho mùa thu biểu thị cho khí tiết thanh tao của bậc cao sĩ, lấy sự an nhàn, ẩn dật làm vui và xa lánh danh lợi. Ở trong các đồ án khánh chúc, cúc đồng âm với cát có nghĩa là điềm lành nên dùng biểu ý cát tường. Ở gốm Lái Thiêu cúc thường tích hợp với gà để biểu thị sự cát tường. Hoa đào biểu thị cho vẻ đẹp người thiếu nữ. Hoa lan biểu thị cho tình yêu và vẻ đẹp. Hoa mai trong gốm Lái Thiêu được tích hợp với trăng, biểu thị cho sự tròn đầy và tương hợp, cuộc sống thanh bình. Hoa mẫu đơn biểu thị cho phú quý và giàu sang. Hoa thủy tiên biểu trưng sự bảo đảm được may mắn trong năm mới, cho đôi lứa vợ chồng. Hoa sen biểu trưng sự trong sạch tinh khiết, nhân quả luân hồi, hôn nhân hảo hợp, sự nối truyền không dứt, thịnh vượng, tiềm năng sinh lực dồi dào. Dây lá biểu trưng cho sự trường tồn, sự nối truyền của các thế hệ không dứt.

Đồ án trang trí cá

Cá trong chữ Hán là “Ngư”, đồng âm với “Dư” là dư dật, sung túc. Do đó cá biểu trưng cho sự no đủ, giàu có. Mặt khác khả năng sinh sản dồi dào của cá cũng biểu thị cho sự sinh con, đẻ cháu nối truyền dòng giống. Đồ án trang trí phổ biến trên gốm Lái Thiêu là Tào - Ngư (rong - cá) cũng dựa vào tính đồng âm để biểu thị lời cầu chúc sớm được sung túc. Cá vàng biểu trưng cho sự sinh sản, phát đạt, phồn thịnh. Cá chép biểu ý chúc tụng sự sung túc.

Đồ án trang trí chim

Chim là đề tài phổ biến trong trang trí mỹ thuật gốm và nhiều loại chim hàm chứa ý nghĩa biểu trưng như hạc, đại bàng, én, trĩ, cút, sẻ... Loài chim “bạc đầu” biểu trưng cho người cao tuổi và cặp chim loại này thường tích hợp với hoa mẫu đơn, biểu đạt sự mong cầu, chúc tụng hậu vận được giàu sang. Chim công biểu thị cho vẻ đẹp và sự sang trọng cao quý. Mặt khác, lông đuôi công có hình dáng mặt trời nên cũng được coi là có khả năng trừ ma quỷ, điều xấu. Chim hạc: Là loài chim dùng biểu thị sự trường thọ. Đồ án phổ biến là Tùng hạc trường xuân cũng biểu thị cho sự sống lâu khỏe mạnh.

Một số đồ án trang trí khác

Bướm trong chữ Hán là Hồ điệp. “Điệp” đồng âm với “điệt” (người thọ trên 80 tuổi). Do đó, bướm được thể hiện trong các đồ án chúc thọ. Có lẽ các đề án trang trí bướm hoa trên đồ gốm Lái Thiêu biểu ý sự vui thú hay hạnh phúc lứa đôi. Ong biểu trưng cho sự cần cù và cần kiệm. Trên gốm Lái Thiêu là ong và hoa biểu thị cho sự tương hợp. Dơi trong chữ Hán gọi là “biên bức” có âm đọc đồng âm với phúc hoặc phước. Do đó đồ án hình dơi biểu thị cho phúc (phước). Đồ án năm con dơi biểu thị cho ngũ phúc (phước, lộc, thọ, khang, ninh). Rồng trong gốm Lái Thiêu thường thấy trong các đồ án Lưỡng long tranh châu ý nghĩa gặp vận hội tốt lành, hay sự thành công viên mãn. Long - phụng biểu thị cho sự điều hòa, hòa hợp âm dương, mưa thuận gió hòa, thái bình thịnh trị. Long - vân biểu thị vận hội được thuận lợi, may mắn… Lân biểu trưng cho điềm lành. Bát tiên: Tám vị tiên, thường được hiểu là những bậc chủ quản về phía Đông (dựa theo tiên thoại Đông du Bát tiên). Mỗi vị được tôn làm thần bảo hộ các ngành nghề và mỗi vị đều sở hữu một thứ bửu bối riêng. Bát tiên biểu thị cho sự trường sinh bất tử. Do đó có đồ án Bát tiên hiến thọ (tám vị tiên ban sự sống lâu. Mỗi vị tay cầm mỗi loại linh dược). Phổ biến là đồ án Bát tiên qua hải (tám vị tiên qua biển) vẽ tiên thoại kể về chuyện đông du của tám vị tiên, trừ các loại ma quái ở biển Đông. Trên đồ gốm Lái Thiêu có trường hợp vẽ đủ Bát tiên, có trường hợp vẽ Nhị tiên hoặc một trong bát tiên. Mây biểu trưng cho vận tốt phúc lành, đặc biệt mây nhiều màu, mây ngũ sắc biểu thị cho phúc lành năm lần hơn, tường vân (mây lành) biểu thị cho sự thái bình.

 Thố - trang trí đồ án hoa sen


 Chóe - trang trí đồ án Lưỡng long tranh châu

 Hũ - trang trí đồ án hoa cúc

Chóe - trang trí rồng và cánh sen cách điệu

 Bình tích - trang trí chim và hoa hồng 

Ngoài ra, trên gốm Lái Thiêu còn trang trí các đồ án như Thất hiền (trúc lâm thất hiền): Bảy người hiền thời nhà Tấn ở Trúc Lâm, trầu cau, trĩ, trúc, tuế hàn tam hữu, ve sầu, chữ vạn, tam đa… Nhìn chung, các đồ án hoa văn trang trí trên gốm Lái Thiêu là những đồ án mỹ thuật cổ điển, biểu ý khánh chúc hoặc các đề tài bắt nguồn điển tích, nhân vật có nguồn gốc lịch sử, văn hóa Trung Quốc và phổ biến hơn là phong cảnh sơn thủy. Các đồ án trang trí phải phù hợp với hình dáng sản phẩm vì hình dáng là cái nền cho hoa văn.

Trải qua quá trình phát triển, gốm Lái Thiêu mạnh dạn tiếp thu những kỹ pháp, đề tài và phong cách nghệ thuật mới từ nhiều hướng, phản ánh quá trình đổi mới không ngừng. Đó là tiền đề quan trọng lạc quan của xu thế phát triển gốm kỳ mới, đó là gốm công nghiệp đã và đang hình thành trên vùng đất này, góp phần quan trọng trong sự phát triển chung của nghề thủ công tỉnh nhà.

 HOÀNG LONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2942
Quay lên trên