Ý tưởng, đam mê là “chìa khóa” để thành công

Cập nhật: 28-07-2023 | 09:04:06

Có ý tưởng, có đam mê cộng với sự hỗ trợ của tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) cùng chính sách khuyến công trên địa bàn tỉnh, nhiều chị em đã tự tin khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công. Tự hào hơn là có người còn tạo nên sản phẩm đạt chuẩn OCOP cho tỉnh nhà…

 Chị Lê Nguyên Thảo hướng dẫn nhân công hái tiêu lốp chín tại vườn

 Bỏ làm thuê, về làm chủ

Từng là một phiên dịch viên tiếng Nhật với mức thu nhập khá nhưng chị Lê Nguyên Thảo ở xã An Điền, TX.Bến Cát nghĩ không lẽ mình… làm thuê hoài! Và thế là ý tưởng khởi nghiệp thôi thúc chị về làm giàu trên đất vườn nhà mình.

Đưa chúng tôi đi thăm vườn tiêu lốp đang vào vụ thu hoạch, chị Lê Nguyên Thảo nói ở đây do mình quản lý. Phía bên kia là vườn kiểng cũng rất quy mô, phong phú cây giống, là tâm huyết, thành quả lao động của ba chị, một giáo viên nghỉ hưu. Vườn tiêu lốp của chị rộng hơn 1 ha tại xã An Điền, TX.Bến Cát cũng là nơi chị khởi nghiệp làm muối tiêu lốp, bột tiêu lốp và tiêu lốp sấy khô bán ra thị trường.

Chị Nguyên Thảo chia sẻ mong muốn được kinh doanh nên chị mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình trồng tiêu. Vườn tiêu hơn 5.000 trụ của gia đình chị đang phát triển rất tốt. Theo chị, cây tiêu lốp có ưu điểm là ít sâu bệnh, không phải dùng phân hóa học, nhanh cho trái và thu hoạch quanh năm. Hiện tại, tiêu lốp của gia đình chị đã có đầu ra ổn định với giá thu mua tiêu khô là 200.000 đồng/kg, tiêu tươi là 50.000 đồng/kg. Muối tiêu lốp có giá cao hơn muối tiêu bình thường nhưng khách vẫn chọn vì sản phẩm sạch, mùi thơm rất kích thích vị giác.

Cơ sở hồ tiêu của gia đình chị đã được Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp tỉnh thẩm định dự án, hỗ trợ số tiền 140 triệu đồng. Từ nguồn hỗ trợ này, gia đình chị đã đầu tư mua máy sấy tiêu để gia tăng thêm giá trị cho sản phẩm. Hiện nay, sau khi trừ các chi phí đầu tư, mỗi tháng lợi nhuận của vườn tiêu mang về cho gia đình chị khoảng 30 triệu đồng. Tháng 11-2022, sản phẩm tiêu lốp của cơ sở này được chứng nhận OCOP 3 sao. Từ khi đạt chuẩn OCOP, sản phẩm dễ tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ hơn.

Không chỉ khởi nghiệp thành công, làm được công việc mình đam mê mà chị Lê Nguyên Thảo còn tạo việc làm cho 4-10 nhân công tùy vào yêu cầu công việc. Công việc hái tiêu hiện nay khoảng 200.000 đồng/ngày và là công việc thời vụ cho những ai đang cần làm thêm. “Đưa được sản phẩm sạch, trồng theo phương pháp hữu cơ ra thị trường tôi vui lắm vì tôi luôn quan tâm đến vấn đề phát triển nông nghiệp xanh, sạch”, chị Nguyên Thảo chia sẻ.

Cũng mạnh dạn khởi nghiệp, nay chị Lê Thị Thanh Phượng, hội viên Hội LHPN phường Chánh Phú Hòa, TX.Bến Cát đã thành công với mô hình trồng nấm. Chị Phượng cho biết sau dịch bệnh Covid-19, chị đã chủ động tìm mua sản phẩm hỗ trợ sức khỏe cho bản thân. Nhận thấy sản phẩm đông trùng hạ thảo có nhiều tác dụng nhưng trên thị trường có quá nhiều loại, nhiều giá nên chị nảy ra ý tưởng nuôi trồng đông trùng hạ thảo vừa để dùng, vừa kinh doanh.

Những năm gần đây, Hội LHPN các cấp trên địa bàn tỉnh chú trọng việc sử dụng Zalo, Facebook để tuyên truyền các chủ trương, chính sách, các chương trình liên quan đến phụ nữ khởi nghiệp. Nhiều bài viết tuyên dương các tấm gương phụ nữ khởi nghiệp thành công, thành lập hội, nhóm bán hàng online… nhằm khích lệ tinh thần khởi nghiệp cho chị em.

Là kỹ sư môi trường, chồng là kỹ sư hóa thực phẩm nên vợ chồng chị Phượng thuận lợi khi tìm hiểu về cách trồng, đặc tính, giống, nơi cung cấp giống. Anh chị cũng chịu khó đi tham quan các xưởng nuôi trồng đông trùng hạ thảo ở các tỉnh phía Nam để chọn nơi chuyển giao công nghệ và giống uy tín. Ban đầu chị Phượng quyết định làm từ mô hình nhỏ, lấy phôi đã cấy sẵn số lượng ít (khoảng 200 hộp phôi/lần) để nuôi thử nghiệm. Chị cho biết nuôi đông trùng hạ thảo là một quá trình dài vì thời gian thu hoạch nấm đông trùng hạ thảo từ 60- 75 ngày, đòi hỏi sự chăm chỉ, kiên nhẫn và kiến thức chuyên môn. Do vậy, hai vợ chồng phải luôn theo dõi quá trình phát triển của nấm từ khi cấy phôi cho đến khi trưởng thành.

Lúc đầu do chưa có kinh nghiệm nên tỷ lệ thành công các mẻ nấm không cao. Chính vì vậy, chị Phượng đã đăng ký tham gia khóa chuyển giao công nghệ nuôi trồng từ phân lập giống đến cấy giống cấp 1, cấp 2, giống lỏng, làm phôi, nuôi trồng và dành 1 căn nhà diện tích 120m2 để nuôi trồng. Từ kinh nghiệm nuôi trồng thực tế và kỹ thuật được trang bị bài bản, những lần tiếp theo, anh chị dần rút kinh nghiệm và kết quả ngày càng khả quan.

“Cú hích” từ tổ chức hội

Tính đến nay, chỉ riêng ở TX.Bến Cát đã thành lập được 72 tổ hợp tác do nữ làm chủ với 469 thành viên; 36 tổ liên kết với 404 thành viên; 10 hợp tác xã với 83 thành viên, trong đó có 41 thành viên là nữ. Tổng số vốn điều lệ của các hợp tác xã hơn 7,1 tỷ đồng, vượt 7 hợp tác xã so với chỉ tiêu đăng ký với Trung ương Hội LHPN đầu nhiệm kỳ. Có 5 mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh khả thi được hỗ trợ thực hiện, nhân rộng cấp huyện, như: Trồng sen đa lộc, trồng dưa lưới trong nhà kín, trồng nấm bào ngư, nấu ăn đãi tiệc, may gia dụng.

Bà Nguyễn Thị Ánh Diệp, Phó Chủ tịch Hội LHPN TX.Bến Cát, cho biết hội đã có nhiều đổi mới trong hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp, như: Tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế; đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; tập trung hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn, chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh...

Theo bà Trương Thanh Nga, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, thời gian qua các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã hỗ trợ, giúp cho 404 hội viên, phụ nữ có ý tưởng khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp thành công bằng nhiều hình thức khác nhau như hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật, tư vấn đào tạo nghề… với tổng số tiền hỗ trợ hơn 17 tỷ đồng. Hội LHPN tỉnh còn phối hợp cùng Hội Nữ doanh nhân tỉnh và ngân hàng Vietcombank trao gói hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp cho hội viên phụ nữ với tổng số tiền 400 triệu đồng.

Cũng theo bà Trương Thanh Nga, từ đầu năm đến nay Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” được tiếp tục truyền thông đến hộ gia đình; đồng thời hội tiếp tục phát động hội viên, phụ nữ tham gia cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa năm 2023 do Trung ương hội tổ chức. Qua đó, Tỉnh hội đã lựa chọn được 6 bài thi gửi về Trung ương hội. Kết quả là cả 6 ý tưởng đều lọt qua vòng sơ khảo để tham dự đào tạo, tập huấn vòng thi cấp vùng được tổ chức tại Cần Thơ.

Trong thời gian tới, các cấp Hội LHPN trong tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả nội dung của các đề án đã được phê duyệt. Trong đó, các cấp hội tiếp tục nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh cho cán bộ, hội viên phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh. Đặc biệt, hội sẽ phối hợp hỗ trợ thành lập 6 hợp tác xã do phụ nữ quản lý; hỗ trợ 1.000 doanh nghiệp mới thành lập được nâng cao năng lực phát triển doanh nghiệp, tham gia ngày hội khởi nghiệp.

Hiện nay, Hội LHPN tỉnh đang tiếp tục duy trì hoạt động của 72 tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ với 469 thành viên; duy trì hoạt động của 11 hợp tác xã với 90 thành viên, trong đó có 44 thành viên là nữ. Ngoài việc hỗ trợ 46 phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp vay vốn sản xuất, kinh doanh với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng, Hội LHPN tỉnh còn phối hợp Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức diễn đàn “Kết nối nâng cao cơ hội việc làm sau đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn trong kỷ nguyên số” với 180 nữ chủ doanh nghiệp, nữ chủ hợp tác xã, tổ hợp tác và người lao động tham gia….

 QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2074
Quay lên trên