Y Vân và 60 năm cuộc đời!

Cập nhật: 23-03-2010 | 00:00:00

Lòng mẹ

Y Vân tên thật là Trần Tấn Hậu, sinh năm 1933 và mất năm 1992, đúng 60 tuổi, hệt như bài điệu twist “60 năm cuộc đời” mà ông đã viết thuở nào. Y Vân lúc nhỏ nhà nghèo lắm, sống xa bố, chỉ có mẹ hiền và bên ngoại đùm bọc. Có lẽ ông đã thừa hưởng dòng máu nghệ sĩ từ bên ngoại vì ông ngoại giỏi thơ văn và mẹ cũng rất giỏi thơ văn.

Cố nhạc sĩ Y Vân

Theo nhạc sĩ Nguyễn Linh Giang, lúc sinh thời Y Vân kể lại giai thoại sáng tác bài “Lòng mẹ” như sau: Sau một buổi trình diễn về, Y Vân bị mưa ướt như chuột lột, quần áo dơ hết. Còn nghèo, chỉ có một bộ đồ coi được nhất để trình diễn, Y Vân rất lo lắng vì ngay sáng hôm sau lại phải đi đàn nữa. Khuya hôm đó, mẹ ông đã đem bộ quần áo ra máy nước công cộng đầu hẻm giặt sạch rồi về nhà đốt than lên hơ cho chóng khô. Sáng hôm sau, Y Vân đã nghiễm nhiên có được bộ quần áo sạch mặc đi diễn. Ông cảm động lắm và cảm hứng viết ca khúc đầu tay “Lòng mẹ”, một bài hát đã đi vào lòng hàng triệu người dân nước Việt. Và đó là khởi đầu cho sự nghiệp âm nhạc của một trong những nhạc sĩ tài hoa nhất của Việt Nam.

Y Vân là một trong số ít những nhạc sĩ Việt Nam sống hoàn toàn bằng âm nhạc. Ngoài việc sáng tác và làm việc cho các đài truyền hình và radio, ông còn đánh đàn

contre bass và guitar tại các phòng trà ca nhạc của Sài Gòn. Là một nghệ sĩ, ông ít có đầu óc thương mại, thường bán đứt bản quyền các bài hát  ăn khách. Trong một thời gian ông và vợ có thực hiện một số băng nhạc lấy tên Trung tâm Mây Hồng nhưng cũng không kéo dài lâu.

Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, ông ít viết ca khúc mà chỉ làm nhạc phim và viết hòa âm. Ông mất năm 1992, sau một cơn mệt tim nặng. Mẹ ông lúc đó còn sống, đã nói: Con đi trước mẹ nhưng không nợ mẹ vì mẹ nuôi con 20 năm nhưng con đã nuôi mẹ đến 40 năm. Và 10 tháng sau, mẹ ông mất.

Nhạc sĩ của tình yêu

Sau bài “Lòng mẹ”, Y Vân bước hẳn vào con đường âm nhạc. Giai đoạn đầu trong cuộc đời nhạc sĩ, Y Vân chưa sáng tác nhiều, ông thường viết chung với các nhạc sĩ Xuân Lôi, Xuân Tiên. Nhưng sau khi được nhận làm việc với các đài truyền hình, đài phát thanh... Y Vân bước vào giai đoạn sung mãn nhất với rất nhiều sáng tác ra đời trong thập niên 60, 70.

Về bút hiệu Y Vân, vẫn theo lời nhạc sĩ Nguyễn Linh Giang, Trần Tấn Hậu giải thích: Người yêu đầu đời tên Thể Vân là một cô gái đẹp con nhà giàu. Cô đi Pháp du học bỏ lại chàng nhạc sĩ nghèo đã lấy bút hiệu khi viết nhạc là Y Vân, có nghĩa giản dị là Yêu Vân. Và dĩ nhiên, tình yêu là một chủ đề lớn của Y Vân. Tuy thất vọng trong mối tình đầu nhưng tình yêu trong nhạc Y Vân không ướt át, lãng mạn, sướt mướt mà rất thực tế và nhất là không than van khóc lóc.

Những ca khúc tình yêu của ông nói lên mối tình cảm nồng nàn của hai người yêu nhau: Yêu cho biết sao đêm dài - Cho quen với nồng cay - Yêu cho thấy bao lâu đài - Chỉ còn vài trang giấy (Ảo ảnh).

Những chia cách và sum họp đời thường do ông chứng kiến và viết lên: Mưa buốt lạnh trong đêm đứng trên thềm ga vắng - Hắt hiu ngọt đèn vàng em tiễn anh - Mưa ướt mềm đôi vai biết bao điều chưa nói - Biệt ly sầu vời vợi có gì vui (Đêm giã từ); Em đứng đây chờ anh trước thềm ga - Hiu hắt cây đèn đêm giã từ xưa - Ngày xưa vội vã trong mưa nhòa - Nay lúc đón anh quay về - Thì sao thời gian chậm qua (Đêm tái ngộ).

Nhạc sĩ của... sôi động thời cuộc

Điệu twist được sáng tác vào thập niên 60 và được đón nhận nồng nhiệt. Y Vân là một trong vài nhạc sĩ  sáng tác rất nhiều ca khúc theo những thể điệu sôi động thời đó: twist, hully gully, soul, cha cha cha...

Ơ là thế! Đời sống không được bao - Ơ là bao! Đời không lâu là thế - Ơ được bao năm sống mà yêu nhau - Anh ơi có bao nhiêu 60 năm cuộc đời - Khi xa anh rồi em biết yêu thương ai - Nên khi yêu nhau thì yêu cho trọn đời - Anh ơi ta sống được bao (60 năm cuộc đời).

Và ca khúc về “Sài Gòn” của Y Vân, có lẽ không người Việt nào không biết đến: Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai - Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay - Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này - Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi! - Ngựa xe như nước trên đường vẫn qua mau - Người ra thăm bến câu chào nói lao xao - Phố xa thênh thang đón chân tôi đến chung vui - Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi! (Sài Gòn).

Hôm nay, chúng ta tưởng nhớ đến ông và những nhạc sĩ khác rồi hy vọng rằng giới trẻ sẽ tiếp nối được những bước đi đầy tình người của những nhạc sĩ đàn anh.

Minh Trí

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên