Những cuộc biểu tình rầm rộ của lực lượng đối lập tại Yemen kéo dài 6 tháng qua cho tới nay vẫn chưa mang lại kết quả mong muốn. Chính phủ của Tổng thống Ali Abdullah Saleh vẫn đang nắm quyền cho dù ông Salaeh đang ở Saudi Arabia chữa bệnh.
Theo các quan chức Yemen, sức khỏe của ông đã ổn định sau khi bị phỏng 40%, bị viêm phổi và bị vết thương sâu tới 7cm. Ông Saleh bị thương trong một vụ tấn công của lực lượng đối lập vào đền Al-Nahdayn khi đang cầu nguyện tại đây. Tòa đại sứ Yemen ở Washington khẳng định ông Saleh sẽ trở về tiếp tục điều hành đất nước.
Trong tình hình như thế, Mỹ đã tận dụng khoảng không quyền lực để mở các cuộc oanh kích vào mạng lưới khủng bố ở Yemen. Theo tờ New York Times, trong những tuần qua, Bộ chỉ huy các chiến dịch đặc biệt phối hợp với lực lượng CIA của Mỹ đã tăng cường các cuộc không kích bằng máy bay không người lái và máy bay chiến đấu. Mỹ tuyên bố đã tiêu diệt Abu Ali al-Harithi, trước đó là Anwar al-Awlaki, một giáo sĩ Yemen sinh trưởng tại Mỹ.
Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ giấu tên thừa nhận việc tăng cường các cuộc không kích chống các tay súng khủng bố ở Yemen sẽ làm phức tạp thêm tình hình vì các tay súng này có thể trà trộn vào lực lượng chống đối chính phủ.
Theo các nhà phân tích, một đồng minh thân thiết nhất của Mỹ tại Bắc Phi là Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đã ra đi nên dù muốn hay không Mỹ cũng phải chuẩn bị tinh thần cho một chính phủ mới ở Yemen. Báo chí Mỹ cho biết các quan chức Mỹ đã bí mật gặp lực lượng đối lập ở Yemen và đang thảo luận tại Saudi Arabia về khả năng một chính phủ mới ở Yemen.
Trả lời Đài Tiếng nói nước Nga, ông Daniel Green thuộc Viện Nghiên cứu chính sách Trung Cận Đông ở Washington cho rằng khả năng Saudi Arabia giữ ông Saleh ở lại lâu hơn vì Saudi Arabia muốn Yemen dần ổn định. Thế nhưng theo các nhà phân tích, một chính phủ mới của Yemen chưa chắc đã toàn tâm toàn ý hợp sức với Mỹ chống Al-Qaeda vì giờ đây lực lượng này đã bám chắc vào các bộ tộc nhiều uy quyền ở Yemen. Đó là lý do vì sao Mỹ vẫn chưa giải quyết dứt điểm tình hình Yemen như từng làm ở Tunisia và Ai Cập. Dường như Washington vẫn còn đang “cân đo đong đếm” để tìm người kế nhiệm ở Yemen.
Trong khi đó, Chính phủ của Tổng thống Saleh đang cố sức duy trì quyền lực. Họ đã rút quân đội từ các tỉnh về thủ đô Sanaa, tạo khoảng trống để Al-Qaeda tăng thêm sức mạnh. Thậm chí có lúc ông Saleh đã phải thỏa thuận ngầm với Al-Qaeda, theo đó lực lượng hai bên không tấn công lẫn nhau để ông toàn tâm toàn ý duy trì quyền lực.
Dù ai lên cầm quyền ở Yemen đi nữa, Mỹ muốn đảm bảo rằng cuộc chiến chống Al-Qaeda tại đây sẽ vẫn tiếp tục. Washington lập luận rằng mối đe dọa của Al-Qaeda tại bán đảo Arab và Bắc Phi còn lớn hơn mạng lưới Al-Qaeda ở Pakistan. Chính lực lượng này đứng sau âm mưu đánh bom trên chuyến bay xuyên Đại Tây Dương vào đêm Giáng sinh năm 2009 và âm mưu cài bom vào mực in máy tính trong các chuyến bay vận tải hồi năm 2010.
Những người gánh chịu thiệt thòi nhiều nhất do tình trạng bất ổn kéo dài ở Yemen chính là người dân. Từ tháng 1 tới nay đã có gần 400 người chết. Họ sống trong nỗi bất an từng ngày, không dám ra đường vì sợ trúng đạn, nhà nhà đều tích trữ thực phẩm và nước uống. Mọi ngôi nhà đều có thể trở thành mục tiêu của súng đạn. Cửa hiệu đóng cửa, thất nghiệp tăng cao… Điện giờ đây trở thành mặt hàng xa xỉ trên khắp đất nước Yemen.
Theo SGGP