“Không có chuyện Ngân hàng Nhà nước nhượng bộ”

Cập nhật: 10-11-2010 | 00:00:00

Cho rằng thị trường hỗn loạn trong sáng 9-11 có yếu tố đầu cơ, làm giá, song Thống đốc Nguyễn Văn Giàu tuyên bố quyết định cấp phép nhập khẩu là kế hoạch tính toán kỹ càng của Ngân hàng Nhà nước, chứ không chịu bất cứ sức ép nào.

 

 Thống đốc Nguyễn Văn Giàu. 

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu trao đổi với báo chí chiều 9-11, ngay sau khi ký quyết định cấp quota nhập vàng cho một số ngân hàng và doanh nghiệp.

 

- Lý do nào khiến Ngân hàng Nhà nước bất ngờ cấp phép nhập khẩu vàng lần thứ hai trong vòng hơn một tháng qua?

 

- Giá vàng trên thị trường thế giới ngày 8-11 tăng thêm 18 USD lên 1.410 USD mỗi ounce, khiến trong nước tăng theo. Nhưng ngoài nguyên nhân tác động từ thế giới, thị trường trong nước sáng 9-11 có một số biểu hiện bất thường. Giá cao mà người dân vẫn đi mua, cho dù lượng mua không quá lớn. Đáng chú ý, một số cửa hàng bất ngờ đóng cửa sớm, có nơi không chịu bán ra, tạo tâm lý tiêu cực trên thị trường. Sau khi tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn, trưa 9-11, Ngân hàng Nhà nước quyết định cấp phép nhập khẩu vàng cho một số ngân hàng có nguồn ngoại tệ nhằm can thiệp vào thị trường và giải tỏa tâm lý.

 

Khác lần cấp quota đầu tháng 10, lần này thời hạn của giấy phép dài hơn, tới 2 tuần, để doanh nghiệp có thời gian cân nhắc, chọn thời điểm thích hợp mua về sao cho vừa có thể hỗ trợ thị trường và giảm thiểu rủi ro.

 

- Từ đầu năm đến nay Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần cấp quota nhập vàng. Ông đánh giá thế nào về sức lan tỏa của các quyết định đó với thị trường?

 

- Hiệu quả dễ nhìn thấy ngay, sau khi cấp phép nhập khẩu giá đều giảm mạnh. Nhưng cho phép nhập khẩu vàng không phải là giải pháp cho mọi vấn đề hiện nay của nền kinh tế như nhập siêu hay lạm phát.

 

Thực tế tâm lý của người dân còn khá nặng nề về vấn đề lạm phát, trượt giá. Trong khi đó, hằng năm chúng ta phải tăng lương, đồng thời dần đưa giá một số mặt hàng thiết yếu như điện, than, xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường. Đây là hai yếu tố gây lạm phát "cứng", nếu mạnh có thể góp thêm 3-4% vào tốc độ tăng giá chung, ít thì cũng phải 1-2%. Bên cạnh đó còn do yếu tố cơ cấu nền kinh tế. Vì vậy, để ổn định lạm phát, cần một giải pháp tổng thể, hài hòa cả chính sách tài khóa, đầu tư, chứ không chỉ phụ thuộc vào chính sách tiền tệ, tỷ giá.

 

- Thị trường vàng gần đây thường diễn biến theo kịch bản: giá thế giới tăng cao, các đầu mối kinh doanh trong nước kêu khan nguồn cung và khi giá bị đẩy tới mức kịch điểm thì Ngân hàng Nhà nước công bố thông tin cấp quota nhập khẩu. Dư luận đặt câu hỏi phải chăng việc đồng ý cấp quota nhập khẩu là sự nhượng bộ của Ngân hàng Nhà nước trước sức ép của thị trường?

 

- Thị trường diễn biến khôn lường, khó ai có thể đưa ra dự báo chính xác. Về phần mình, cơ quan quản lý nhà nước phải theo dõi sát sao, cân nhắc thời điểm hợp lý để ra tay hành động. Hoàn toàn không có chuyện Ngân hàng Nhà nước phải nhượng bộ hay chịu sức ép khi cấp quota.

 

- Nhưng giá vàng thường tăng rất mạnh ít phút trước khi Ngân hàng Nhà nước công bố cho phép nhập khẩu, rồi nhanh chóng giảm xuống ngay sau đó. Liệu thông tin cho phép nhập khẩu có bị trục lợi?

 

- Trong nền kinh tế thị trường, các bên tham gia đều có những tính toán sao cho mình có lợi nhất, và không loại trừ khả năng nơi này nơi kia đầu cơ, thao túng giá khi tình hình biến động. Nhưng trong phạm vi những nhà làm ăn chuyên nghiệp, trong đó có các ngân hàng, tôi nghĩ không có chuyện họ trục lợi thông tin để làm giá.

 

- Vậy theo ông đâu là lý do chính khiến thị trường tăng hơn 1 triệu đồng một lượng chỉ trong vòng buổi sáng 9-11?

 

- Như tôi nói ở trên, trong nước tăng là do thế giới. Trong bối cảnh biến động mà chưa có những cảnh báo nào rõ ràng và chính thức từ các cơ quan chuyên môn, cùng với những toan tính cá nhân, nhiều người thường có tâm lý sợ giá còn lên cao nữa và vội vàng đi mua dù không có nhu cầu thực sự.

 

Không loại trừ khả năng một bộ phận nhỏ những nhà kinh doanh cũng tham gia đẩy giá. Biểu hiện bất thường của một số tiệm kinh doanh như tôi nói ở trên càng gây hiệu ứng tâm lý tiêu cực với thị trường.

 

- Việc các ngân hàng phải mua vàng để tất toán các hợp đồng theo quy định của Thông tư 22 Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành có phải là một nguyên nhân khiến thị trường sốt nóng?

 

- Hiện chưa có số liệu chính thức, nhưng nhiều khả năng đây không phải là lý do. Khối lượng vàng các ngân hàng đã chuyển hóa thành tiền đồng cho vay và nay cần thu lại để tất toán hợp đồng chỉ vào khoảng 10 tấn. Trong khi họ có tới 8 tháng để thực hiện. Giá đang cao như hiện nay không ai dại gì đi mua vào để tất toán. Diễn biến giá dầu 3 năm qua là một bài học. Giá dầu có lúc lên 150 USD, thậm chí có người còn dự báo giá sẽ lên 200 USD nhưng rồi tụt dốc xuống 50 USD. Giá dầu mới tăng trở lại thời gian gần đây nhưng hiện cũng chỉ quanh quẩn dưới 90 USD. Vì vậy tôi nghĩ mua vàng vào lúc này để tất toán thực sự mạo hiểm.

 

- Một số ý kiến cho rằng vàng cũng là nguồn lực có ích, việc ban hành thông tư hạn chế huy động và cho vay khiến một lượng lớn vàng bị đẩy ra ngoài ngân hàng, vừa lãng phí mà có thể trở thành nguồn lực khuynh đảo thị trường? Xin cho biết quan điểm của Thống đốc?

 

- Phương tiện thanh toán của nền kinh tế là đồng tiền quốc gia. Nhưng thời gian qua lại tồn tại song song 2 công cụ khác là vàng và đôla. Cũng có ý kiến cho rằng nên phát huy công cụ này, nhưng cũng có người đề nghị giảm dần đôla hóa và vàng hóa vì nó làm khó khăn chung cho điều hành của nền kinh tế. Với hai luồng quan điểm này có hai cách xử lý khác nhau, một là phải có cách để hút hết số vàng trong dân vào hệ thống ngân hàng để tạo ra của cải cho xã hội. Nhưng cũng có luồng tư tưởng mới là một khi ngân hàng không tạo điều kiện cho việc găm giữ vàng, người dân thấy không còn nhiều lợi ích, tức khắc sẽ bán ra, lấy tiền đó đầu tư để thúc đẩy nền kinh tế nhanh hơn.

 

Ngân hàng Nhà nước thấy cách thứ hai hợp lý và Thủ tướng cũng có cùng quan điểm này. Dĩ nhiên nói như vậy không có nghĩa mình loại bỏ vàng ra khỏi hoạt động kinh tế, đời sống xã hội; mà cần tìm ra giải pháp làm sao để vừa phát huy hiệu quả số vàng hiện có, vừa góp phần lành mạnh hóa nền kinh tế. Thời gian qua, việc sử dụng lượng vàng huy động chưa hợp lý, khoảng 51% dùng để đầu tư vào phi sản xuất, không tạo ra của cải. Đứng về mặt nào đó sẽ tác động ngược gây khó khăn cho tình hình vĩ mô.

 

- Diễn biến giá vàng thời gian qua có liên hệ chặt chẽ tới tỷ giá, vàng tăng giá đôla cũng lên theo. Nguyên nhân của tình trạng này là gì thưa ông?

 

- Chuyện vàng lên ngoại tệ lên theo có thật, một phần nguyên nhân là tình trạng gom đôla nhập lậu vàng. Nhưng có một nguyên nhân quan trọng khác đó là quyền được giữ ngoại tệ của những người nhận kiều hối từ nước ngoài. Pháp lệnh Ngoại hối cho phép cá nhân nhận tiền kiều hối có thể gửi ngân hàng, có thể rút ra cất đi, hoặc mang theo mình. Một khi việc cầm giữ đôla là hợp pháp thì không thể can thiệp việc người ta toan tính số tiền đó làm thế nào có lợi. Tới đây nếu có điều kiện, Ngân hàng Nhà nước sẽ đề xuất chỉnh sửa quy định này sao cho hợp lý.

 

- Mặc dù Chính phủ chủ trương mạnh tay bơm ngoại tệ can thiệp thị trường, nhưng từ cuối tuần trước tới nay các ngân hàng cho biết vẫn chưa mua được từ Ngân hàng Nhà nước. Thực hư chuyện này thế nào thưa ông?

 

- Mua hay bán còn phải phụ thuộc vào quan hệ cung cầu, ngân hàng phải có đơn xin mua và có nhu cầu thực sự phục vụ thanh toán nhập khẩu mặt hàng thiết yếu thì mới được mua. Việc bán ngoại tệ lần này tôi yêu cầu làm chặt chẽ, nghiêm túc. Một tổ công tác độc lập trực thuộc Thống đốc cũng vừa được thành lập để giám sát chặt chẽ hoạt động cho vay ngoại tệ phục vụ thanh toán.

 

Có người chất vấn tôi là Thủ tướng đã cho phép bán can thiệp thì hà cớ gì Ngân hàng Nhà nước không cho bơm tiền ra. Nhưng làm sao có thể bơm ra thoải mái, tùy tiện được nhất là khi mình phải chắt chiu cả những đồng ngoại tệ thu được từ bà con Việt kiều, từ những công nhân làm việc cực nhọc ở nước ngoài.

 

Chủ trương của Chính phủ rất rõ, ưu tiên ổn định vĩ mô, kiềm chế nhập siêu. Bộ Công Thương cũng đã xây dựng danh mục hàng hóa không khuyến khích nhập khẩu và danh mục các loại hàng hóa trong nước sản xuất được. Trên cơ sở đó, ngân hàng sẽ phục vụ ngoại tệ nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu không nằm trong hai danh mục trên.

 

Đến chiều 9-11, một số ngân hàng bắt đầu lập hồ sơ đăng ký mua và tôi sẽ ký quyết định bán ra. Tất nhiên việc bán ra này không thể thỏa mãn mọi doanh nghiệp. Vì vậy không thể tránh khỏi chuyện doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia than phiền không mua được, đặc biệt là những đơn vị kinh doanh hàng hóa trong danh mục không khuyến khích.

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên