“Liệt sĩ” trở về sau 35 năm

Cập nhật: 22-07-2014 | 00:00:00

Ôm lấy người vợ hiền, ông Nguyễn Văn Hải (SN 1950, quê Bắc Giang, hiện sống tại phường Khánh Bình, TX.Tân Uyên) bật khóc khi nhớ lại ngày trở về quê hương sau 34 năm vào Nam kháng chiến. Nước mắt của ông tuôn dài khi được biết gia đình tưởng mình hy sinh và đã lập bàn thờ ông suốt mấy chục năm qua.

Quên mình vì Tổ quốc

Nghe câu chuyện khá ly kỳ “liệt sĩ trở về” của Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) phường Khánh Bình (TX. Tân Uyên) Nguyễn Văn Liễu, chúng tôi đã đến gặp nhân vật để tìm hiểu. Tiếp chúng tôi, ông Hải ngại ngùng “Chuyện đó trở thành quá khứ rồi, giờ tôi rất hạnh phúc khi được chứng minh mình còn sống và gặp lại gia đình”. Dù sống ở miền Nam hơn 34 năm nhưng ông Hải vẫn giữ nguyên giọng nói, phong cách người con trai đất Bắc. Nhớ lại thời kháng chiến xa xưa, mắt ông rực sáng, hừng hực khí thế sẵn sàng chiến đấu như còn là cậu thanh niên năm nào, chưa đầy 20 tuổi đã vào quân ngũ.  

Ông Hải (giữa) chia sẻ cùng phóng viên quá trình tìm về quê hương. Ảnh: ĐỖ TUÂN

Năm 1968, theo bước chân ông cha đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, chàng thanh niên Nguyễn Văn Hải “xếp bút nghiên” xung phong lên đường nhập ngũ. Cuối năm 1971, sau khóa huấn luyện, ông được điều động vào Nam tham gia chiến đấu tại chiến trường Bình Long - Phước Long. Năm 1972, trung đoàn ông tăng cường lực lượng tác chiến cho trận Bến Súc. Sau những trận đánh tại Bến Súc, đơn vị ông được điều động sang nằm vùng tại địa đạo Củ Chi. Cuối năm 1974, đơn vị trở về Bình Long - Phước Long. Trong lúc hành quân, đơn vị ông bị phục kích. Bản thân ông bị thương nặng và đưa về Bến Cát điều trị. Do cuộc chiến khốc liệt, việc thông tin liên lạc gặp nhiều khó khăn nên ông và đồng đội mất liên lạc. Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, sau khi điều trị, ông về công tác tại Tỉnh đội Sông Bé. Tại đây, ông gặp bà Bồ Thị Liên (SN 1954), làm cùng đơn vị. Cảm mến chàng thanh niên hoạt bát, cô cán bộ nhiệt tình, cả hai nguyện kết tóc se tơ.

Ông Hải rưng rưng nước mắt, tâm sự: “Trong lúc tham gia kháng chiến, tạm biệt quê nhà lên đường vào Nam, tôi luôn tâm niệm hòa bình lập lại sẽ quay về. Những ngày mới vào Nam, nghe ai nói giọng Bắc, tôi nhớ nhà lắm nhưng vì tình yêu Tổ quốc nên gác tình cảm riêng tư qua một bên. Đến khi hòa bình, tôi lấy vợ, nhà quá nghèo nên chỉ viết thư báo hỷ với gia đình”.

Liên lạc trong vô vọng

Năm 1976, sau khi cưới nhau, cuộc sống gia đình khó khăn, bà Bồ Thị Liên và ông Nguyễn Văn Hải được cho phục viên về làm kinh tế. Gia đình bên vợ thuộc diện nghèo của xã nên vợ chồng ông phải tự lập khi cưới nhau. Lúc này, vợ chồng ông khoét bụi tre, che chắn cẩn thận để có chỗ ra vào tránh mưa, nắng. Gia đình nghèo vô tình “cuốn” vợ chồng ông vào dòng chảy cuộc sống. Sự ra đời của 4 cậu con trai càng khiến đôi vai ông Hải thêm nặng gánh. Ông Hải quên đi lời hứa đưa vợ con về ra mắt bà con, dòng họ.  

Quên đi những khó khăn, vất vả ngày nào, giờ vợ chồng ông Hải hạnh phúc bên nhau. Ảnh: ĐỖ TUÂN

Sống tại Khánh Bình không có đất canh tác, ông định đưa vợ con về Bắc Giang mưu sinh. Lúc này, ông tìm cách liên lạc với gia đình để thông báo trước. Tuy nhiên, những lá thư do chính ông viết liên tục được gửi đi nhưng không thấy hồi âm. Ông thầm nghĩ: “Mình xa quê quá lâu nên gia đình đã quên mất sự có mặt của mình”?! Giận gia đình, ông không liên lạc nữa mà cố gắng tự lực cánh sinh. Bản thân quyết tâm làm đủ nghề để đong gạo nuôi con. Ông Hải đâu biết rằng, gia đình ông không nhận được bất kỳ lá thư nào, không biết tin tức gì về người con trai, người anh xa xứ. Lý do, số nhà đã được đổi.

Liên lạc với ông Nguyễn Văn Bắc (SN 1963), em trai ông Hải đang sống tại Bắc Giang, chúng tôi được nghe kể lại câu chuyện buồn khi gia đình nhận được giấy báo tử của anh trai. Ông Bắc nhớ lại: Sau khi anh Hải vào Nam, gia đình ai cũng lo lắng và luôn nghe ngóng tin từ miền Nam. Năm 1972, gia đình ông chết điếng khi nhận được giấy báo tử của anh Hải. Không tin anh mất, gia đình chờ đợi và tìm mọi cách liên lạc với đơn vị nơi anh đóng quân. 2 năm sau (năm 1974), lần thứ 2, gia đình nhận được giấy báo tử báo anh đã hy sinh tại mặt trận Bình Long - Phước Long. Mẹ ông đã khóc ngất và không dám tin vào tai mình. Sau đó, gia đình ông Bắc đi xin chế độ gia đình liệt sĩ và thờ cúng anh Hải.

Quay về chuyện “liệt sĩ” Nguyễn Văn Hải, ông không hề biết gia đình đau khổ như thế nào khi biết ông hy sinh. Bố mẹ ông vì quá thương con, chiều chiều ông bà ra đầu ngõ đứng chờ con về. “Bố mẹ tôi lúc nào cũng khóc khi nhìn thấy di ảnh của anh. Họ già đi nhiều từ khi biết con trai cả của mình hy sinh. Ông luôn khuyên các con noi gương anh để sống tốt”, ông Bắc nói thêm.

Niềm vui đoàn tụ

Không thể sống mà không có quê hương, không gia đình… điều đó thôi thúc ông Hải tìm về nơi “chôn nhau cắt rốn”. Năm 2005, ông bàn với vợ con về quê để không bị mất gốc. Vợ ông gom hết tiền trong nhà được hơn 1,1 triệu để chồng lên đường về quê. Ông Hải bắt xe khách đến Hà Nội, sau đó đi xe ôm về Bắc Giang khi trời chập choạng tối. Nhớ ngày ra đi, nhà ông gần Chợ Kế (TP.Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) nên ông nhờ chở đến chợ. Sau 35 năm, mọi thứ thay đổi, ông không thể nhận ra đường nào vào nhà. Trời càng về khuya, đường càng vắng, thấy bóng người trong nhà, ông bảo xe ôm tấp vào hỏi nhà ông Nguyễn Văn Khải. Người đàn ông đứng tuổi, chững chạc nói vọng ra “ông hỏi bố tôi có gì không?”. Như “chết đuối vớ được cọc”, ông Hải đẩy cửa bước vào, ôm chầm lấy người đàn ông trong nhà, “mày là thằng Bắc phải không?”. Sau đó, ông Hải bước vào nhà ôm chầm lấy bố mình khi cụ đang ngồi xem tivi.

Ông Hải nói: “Tôi nhận ra hết mọi người trong nhà nhưng không ai nhận ra tôi. Một nỗi buồn chợt thoáng trong tôi. Mọi người bỏ tôi thật sao? Lúc này, tôi đọc tên các thành viên trong gia đình, bố tôi mới lắp bắp hỏi “thằng Hải phải không?”. Sao giờ mày mới hiện về báo mộng cho bố mẹ vậy con. Sau đó, tôi mới biết mọi người nghĩ mình đã hy sinh”.

Những ngày ở nhà, nhiều câu chuyện về ngày tháng ông vào Nam được lần lượt kể. Ông Bắc cho biết ông Hải về, cả nhà ai cũng có cảm giác lâng lâng. Việc trở về của anh trai như là một giấc chiêm bao. Đối với bố mẹ, ông về, các cụ giành phần chăm sóc, nằm cạnh con để được nắm thật chặt bàn tay của con cho dù người con trai 17 tuổi ngày nào nay đã 64 tuổi, có gia đình riêng, có con, cháu. Nhiều đêm liền, bố ông vẫn nằm mơ với cảnh con mình hy sinh bởi đạn bom của quân thù, rồi choàng dậy, bước nhào ra cửa đòi trả lại con.

Khi con trai trở về, ngay lập tức cụ Nguyễn Văn Khải yêu cầu gia đình gỡ bằng Tổ quốc ghi công, các loại giấy tờ liên quan đem đến nộp cho chính quyền địa phương. Gia đình ông báo cáo với chính quyền địa phương về việc ngừng hưởng trợ cấp hàng tháng thân nhân liệt sĩ. Cụ Khải bộc bạch: “May mắn lớn nhất là con tôi sống sót sau chiến tranh trở về với gia đình, với quê hương”.

Về sau, để vợ con biết gia đình và quê hương mình, năm 2010, ông Hải đưa vợ con về thăm quê. Sau đó, cuộc sống của ông trở lại bình thường là người nông dân Khánh Bình. Theo ông Liễu, với những cống hiến, đóng góp của ông Hải cho cách mạng, ông đã vinh dự nhận được Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhì, danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, danh hiệu Dũng sĩ diệt Ngụy. Tại quê hương thứ hai - Khánh Bình, cuộc sống khó khăn nhưng ông Hải vẫn rất nhiệt tình với công tác hội. Ông từng làm chi hội phó, chi hội trưởng CCB ấp. Gia đình ông Hải còn động viên 2 con tham gia nghĩa vụ quân sự. Hiện nay, 1 cháu đã xuất ngũ, 1 cháu đang trong quân ngũ. Đây được xem là gia đình CCB gương mẫu để mọi người học theo, đó là tinh thần quên mình vì Tổ quốc.

• ĐỖ TUÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên