4 triệu tấn kho trữ lúa gạo ĐBSCL: Tăng giá trị hạt gạo Việt Nam

Cập nhật: 16-01-2010 | 00:00:00

Theo Tổ chức Hợp phần xử lý sau thu hoạch (thuộc Dự án Chương trình hỗ trợ ngành nông nghiệp), tổn thất sau thu hoạch đối với lúa tại vùng ĐBSCL lên đến 13,7%. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng nhấn mạnh, nếu phơi sấy và tồn trữ đúng cách có thể làm gia tăng giá trị thêm 200 triệu USD trong xuất khẩu, lượng tiền đủ để vùng lúa ĐBSCL trang bị thêm 3.000 hệ thống sấy lúa công nghiệp.

 

Đầu tư kho gạo để kịp thời mua lúa cho dân và hạn chế tổn thất sau thu hoạch.

Chính vì vậy, cùng với việc hỗ trợ bà con đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất, Thủ tướng Chính phủ còn chỉ đạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phải xây dựng kho dự trữ lúa gạo 2 năm (2009 và 2010) để đưa lượng kho từ 2 triệu tấn lên 4 triệu tấn vào cuối năm 2010.

 

Cuối năm 2010 sẽ có 4 triệu tấn kho

 

Những ngày đầu năm 2010, thành viên của Tổng Công ty Lương thực miền Nam (TCTLTMN) là Công ty Lương thực Trà Vinh đã khởi công xây dựng kho trữ lúa gạo khép kín tại xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè. Trong tổng diện tích 1,8ha sẽ xây 10.000m2 kho với hệ thống máy xay xát (32-48 tấn gạo/giờ), thiết bị lau bóng hạt gạo, bộ phận tách màu, đóng gói… hiện đại, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

 

Công suất kho là 25.000 tấn (cả năm khoảng 70.000 tấn gạo nguyên liệu), có khả năng thu mua lúa gạo hàng hóa trong dân của tỉnh khoảng 200.000 tấn lúa/năm để trữ và chế biến xuất khẩu. Tổng vốn đầu tư là 62 tỷ đồng.

 

Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA kiêm Tổng Giám đốc TCTLTMN, đây là 1 trong 42 điểm kho của TCTLTMN xây dựng trong 2 năm 2009 và 2010. Năm 2009 TCTLTMN đã hoàn thành 10 điểm với 160.000 tấn kho, đang và sẽ tiến hành xây dựng tiếp 18 điểm kho với công suất 260.000 tấn. Còn lại 14 điểm kho được chuẩn bị thủ tục để kịp tiến độ khởi công. Đây là những điểm kho trọng điểm, sức chứa lớn lên đến 120.000-130.000 tấn/điểm trong khu vực.

 

Hiện nay TCTLTMN có 800.000 tấn kho, đến cuối năm 2010 và đầu năm 2011, theo như chỉ đạo của Thủ tướng, TCTLTMN xây dựng để nâng sức chứa các kho, với công suất mới đầu tư đạt gần 1 triệu tấn. Như vậy, chỉ riêng hệ thống kho của TCTLTMN xấp xỉ 1,8 triệu tấn. Nếu tính cả hệ thống kho tất cả thành viên của VFA sẽ đạt trên 4 triệu tấn, hoàn thành  kế hoạch mà Thủ tướng yêu cầu.

 

Đây sẽ là con số có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh bà con nông dân trồng lúa vùng ĐBSCL, đặc biệt là vụ hè thu không phải lúc nào cũng có thể tiêu thụ hết lúa hàng hóa khi thu hoạch, cần phải có kho chứa và phơi sấy vào mùa mưa.

 

Nhưng khó khăn không chỉ vốn vay

 

Tuy nhiên, cũng theo ông Trương Thanh Phong, dù việc thực hiện chương trình theo chỉ đạo của Thủ tướng được các bộ ngành, địa phương ủng hộ nhiệt tình nhưng đi vào triển khai lại gặp không ít khó khăn. Cụ thể là năm 2009, chương trình triển khai bị chậm là do việc giải phóng mặt bằng rất khó khăn.

 

Cái khó thứ hai là vấn đề vốn vay. Thủ tướng giao cho ngành ngân hàng ứng vốn, vậy nhưng không phải nơi nào cũng được vay vốn. Nhiều chủ đầu tư dự án cho biết, đến lúc này chưa có đồng vốn nào được vay. Để xây dựng 160.000 tấn kho vừa qua chủ yếu là vốn của TCTLTMN và các thành viên.

 

Khó khăn khác là tính toán làm sao để đầu tư thiết bị đồng bộ với hệ thống kho. Chính phủ yêu cầu, kho phải có sân phơi, nhà máy xay xát, đánh bóng, tách màu và đóng gói tự động, kể cả cầu cảng để đáp ứng hoàn toàn nhu cầu của bà con, muốn bán theo hình thức nào cũng được (bán lúa hoặc gạo). Đây là mô hình đầu tư đồng bộ nhưng không dễ thực hiện.

 

Riêng TCTLTMN còn phải đầu tư dây chuyền xuất nhập tự động cho đạt yêu cầu về chất lượng nên việc triển khai phải chạy đua quyết liệt mới có thể kịp tiến độ. Thế nhưng, thiết bị có lẽ phải qua năm 2011 mới xong, thay vì xong cùng lúc với kho cuối năm 2010.

 

Cũng cần nói thêm, hệ thống kho cũ chưa đạt yêu cầu về độ cao nền, mức độ thông thoáng…, trong khi hệ thống kho mới phải đảm bảo những yêu cầu này.

 

Ngoài ra, trước đây có nơi chỉ có máy lau bóng, chưa có máy xay, hoặc thiếu máy sấy, sân phơi… nhưng hệ thống kho bãi hiện đại đòi hỏi phải được trang bị đồng bộ, sân phơi (mùa khô) đến máy sấy (mùa mưa), máy xay để xay từ lúa dự trữ sàng gạo…, vì trữ lúa mới để lâu (khoảng 1-1,5 năm), trong khi gạo chỉ để vài tháng.

 

Bên cạnh đó, còn phải kể đến khó khăn về lao động, hiện nay lực lượng lao động ở nông thôn khan hiếm nên hệ thống kho cần phải có thiết bị đồng bộ và hoàn chỉnh để giải quyết vấn đề này và giúp giảm giá thành.

 

(Theo SGGP)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên