60 năm Hội nghị Giơ-Ne-Vơ: Một cách tiếp cận

Cập nhật: 18-07-2014 | 00:00:00

 Hội nghị Giơ-ne-vơ về vấn đề Đông Dương bắt đầu vào ngày 8-5-1954, đúng lúc chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội khắp thế giới. Đây là một hội nghị quốc tế lớn, do các nước lớn quyết định thành phần, thời gian, bước đi. Cho dù đoàn Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn và thử thách song chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo ra những cơ sở và lợi thế nhất định cho đấu tranh ngoại giao của ta tại Hội nghị Giơ-ne-vơ.

 Tại sao có Hội nghị quốc tế Giơ-ne-vơ ?

Hội nghị Giơ-ne-vơ không chỉ diễn ra giữa hai đối thủ trực tiếp là Việt Nam và Pháp mà có sự tham gia của các nước lớn. Tại sao như vậy? Ngày 12-11-1953, Thủ tướng Pháp J.Laniel tuyên bố: “Nếu một giải pháp danh dự xuất hiện trong khung cảnh địa phương hoặc trong khung cảnh quốc tế, nước Pháp sẽ vui lòng chấp nhận một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó… Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam… Việc thương lượng đình chiến chủ yếu là một việc giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Chính phủ Pháp”.

  Toàn cảnh Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 Ảnh: T.L

Với tuyên bố chính thức trên cùng phản ứng của hai bên, dư luận phương Tây cho rằng, không bao lâu nữa sẽ diễn ra hội nghị hai bên Pháp - Việt. Tuy nhiên, ngày 27-12-1953 theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng ta ra Thông tư trong đó nêu rõ: “Căn cứ vào so sánh lực lượng giữa ta và địch lúc này, điều kiện thương lượng hòa bình chưa chín muồi”. Câu hỏi đặt ra là trong bối cảnh thế trận trên chiến trường đang hoàn toàn có lợi cho cách mạng Việt Nam, ta tỏ thái độ thiện chí; Pháp thể hiện lập trường hướng tới giải quyết ngoại giao, phản ứng theo chiều hướng có thể đàm phán, nhưng tại sao Đảng ta lại khẳng định: “Điều kiện thương lượng hòa bình chưa chín muồi? ”.

Để trả lời vấn đề này, cần hiểu rõ những tính toán, mục đích của các nước lớn, trong đó có cả các nước đồng minh của ta. Ngay sau khi Hiệp ước Bàn Môn Điếm vừa được ký, tờ Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) đăng bài viết nhận định: “Không có cuộc xung đột quốc tế nào mà không thể giải quyết bằng thương lượng”. Ngày 4-8-1953, Liên Xô gửi công hàm cho Anh, Pháp, Mỹ đề nghị cuộc họp 4 nước lớn để giải quyết tình hình căng thẳng ở Viễn Đông. Từ khi Liên Xô có ban lãnh đạo mới, giữa Liên Xô và Trung Quốc hình thành một sự hợp tác chặt chẽ về chiến lược đối ngoại chung. Qua đây có thể thấy rõ, việc đề nghị họp tứ cường, cũng như việc triệu tập hội nghị quốc tế bàn về Viễn Đông đều có sự phối hợp giữa Liên Xô và Trung Quốc. Việc tác động của các nước đồng minh để không có một đàm phán song phương giữa hai bên tham gia chiến tranh là Việt Nam và Pháp được cho là câu trả lời đối với nhận định của Đảng ta về việc chưa có thời cơ thương lượng.

Lợi thế và những thách thức

Về cơ bản, quy luật của đấu tranh ngoại giao luôn luôn phải dựa vào thực lực trong nước. Ngoài ý nghĩa trong nước và quốc tế, chiến thắng Điện Biên Phủ đã mang lại lợi thế cho Việt Nam và tác động rất lớn đến Hội nghị Giơ-ne-vơ.

Thứ nhất, Việt Nam lần đầu tham dự một đấu trường quốc tế lớn với tư thế của người chiến thắng cho dù chưa được các nước Anh, Pháp, Mỹ công nhận về mặt ngoại giao. Điều đó tạo điều kiện cho Việt Nam thể hiện tiếng nói chính nghĩa của mình, qua đó nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thứ hai, chiến thắng Điện Biên Phủ tác động mạnh mẽ đến tình hình nước Pháp, thúc đẩy phong trào chống chiến tranh, đưa lực lượng chủ hòa mạnh hẳn lên và chiếm đa số trong Quốc hội, góp phần lật đổ chính phủ chủ chiến Ple-ven Bi-đôn, một chính phủ mới được thiết lập, đẩy nhanh tiến độ đàm phán.

Thứ ba, chiến thắng Điện Biên Phủ góp phần ngăn chặn chính sách phá hoại của Mỹ. Giai đoạn đầu, Mỹ luôn luôn tìm cách phá Hội nghị Giơ-ne-vơ, nhưng khi phái chủ hòa Pháp lên cầm quyền, Mỹ buộc phải phối hợp với Anh, Pháp tìm giải pháp có lợi nhất cho phương Tây, thể hiện ở lập trường 7 điểm ngày 29-6- 1954 do Mỹ, Anh soạn thảo và có sự chấp nhận của Pháp.

Thứ tư và là quan trọng nhất, chiến thắng Điện Biên Phủ có tác động mang tính quyết định đánh bại dã tâm và chính sách xâm lược của thực dân Pháp; buộc Pháp phải công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận kết thúc chiến tranh, rút hết quân viễn chinh về nước để nhân dân 3 nước tự quyết định vận mệnh dân tộc mình.

Tuy nhiên, Việt Nam tham gia Hội nghị Giơ-ne-vơ với nhiều khó khăn, thách thức. Đây là hội nghị quốc tế do các nước lớn sắp đặt, quyết định kịch bản và kết cục; các nước đều lấy lợi ích quốc gia của mình để chỉ đạo phương hướng hoạt động ngoại giao. Hội nghị Giơ-ne-vơ có hai kết quả bất lợi nhất và chưa đạt yêu cầu đề ra đối với Việt Nam là giới tuyến phân vùng và tổng tuyển cử.

Về thế vận chung, mặc dù tham dự hội nghị với tư cách là người chiến thắng, song Việt Nam ở vào thế không thuận. Hội nghị có 9 bên tham gia, phía Pháp có 6: Pháp, Anh, Mỹ và 3 chính phủ bù nhìn do Pháp bảo trợ ở Đông Dương. Phía Việt Nam có Liên Xô và Trung Quốc nhưng 2 nước này cũng có những mục đích, chiến lược riêng. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham gia đàm phán như một khách mời chứ không phải tham gia một cách chủ động. Pháp lại dựa vào Mỹ để tạo thế mạnh, sử dụng 3 chính quyền liên kết để cản trở. Pháp tránh nói chuyện với Việt Nam mà đối thoại chính và bàn bạc các vấn đề trọng yếu với Trung Quốc. Pháp còn dùng thủ đoạn: Mỹ sẽ phá hội nghị, Pháp sẽ tăng quân, hay việc Thủ tướng Mendes France mới lên định thời gian đàm phán một tháng là phải xong, thực chất là gây áp lực về ngoại giao. Đây là lần đầu tiên chúng ta tham dự một hội nghị quốc tế, một vũ đài chính trị - ngoại giao rộng lớn. Trong giai đoạn này, lãnh thổ đất nước đang bị chia cắt, kinh tế còn rất khó khăn, phải dựa vào Liên Xô và Trung Quốc; nền ngoại giao còn non trẻ, chưa có kinh nghiệm nhiều trong đàm phán… Tuy Việt Nam kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi nhưng tương quan lực lượng giữa hai bên vẫn chênh lệch. Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa II (tháng 7-1954) đánh giá, sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lực lượng so sánh giữa ta và địch biến chuyển có lợi cho ta nhưng chưa phải biến chuyển căn bản…”. Trung Quốc cũng mong muốn giải quyết vấn đề Đông Dương bằng một giải pháp hòa bình theo hướng có lợi cho mình, nên đã “chấp nhận” để cách mạng của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia chịu sự thiệt thòi. Trung Quốc đồng ý tách vấn đề của 3 nước giải quyết riêng; nêu vấn đề quân Việt Nam sớm rút khỏi Lào và Campuchia; không ủng hộ Việt Nam đưa ra yêu cầu vĩ tuyến 16 là giới tuyến quân sự tạm thời… Sự nhân nhượng này đã giúp Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng của mình đối với các nước châu Á; đồng thời tiến tới bình thường hóa và phát triển quan hệ với phương Tây, trước hết là Anh, Pháp và Cộng hòa Liên bang Đức.

Bối cảnh lịch sử trong nước và quốc tế đã dẫn tới việc ký Hiệp định Giơ-ne-vơ có những điểm chưa đạt được như mong muốn của dân tộc ta lúc đó. Tuy nhiên, việc ký Hiệp định Giơ-ne-vơ là một thắng lợi quan trọng của chúng ta. Thành quả lớn nhất là giá trị pháp lý của nó bảo đảm cho sự thực hiện mục tiêu cao cả, thiêng liêng của dân tộc là thống nhất đất nước, non sông thu về một mối. Ngày nay, trong một thế giới đầy bất trắc, khó lường, nhiều vận hội song cũng nhiều thách thức, ranh giới mối quan hệ giữa bạn - thù, đồng mình - đối thủ dường như bị xóa nhòa trước các lợi ích quốc gia dân tộc, những ý nghĩa và bài học lịch sử về độc lập, tự chủ trong thế trận ngoại giao tại Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 và sau này là Hội nghị Paris năm 1973 đối với nước ta vẫn còn nguyên giá trị.

(Theo Tạp chí Cộng sản số 861, tháng 7-2014)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên