7 năm ở Iraq và cuộc chiến không súng đạn ở Mỹ

Cập nhật: 22-03-2010 | 00:00:00

 

7 năm kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến Iraq, người dân của đất nước Trung Đông này vẫn vật lộn để có một nền an ninh tốt hơn, một cuộc sống ổn định hơn. Còn tại Mỹ, những cựu binh đang vào cuộc chiến khác – cho một tương lai hòa bình hơn.

 

Ngổn ngang ở Iraq

 

Ngày 20-3, bước vào năm thứ 8 của cuộc chiến, lãnh đạo Iraq đang nỗ lực định hình lại bản đồ chính trị cho 4 năm tới bằng cuộc bầu cử quốc hội diễn ra từ ngày 7-3, trong khi cuộc sống của những người dân thường đang là những khó khăn như thất nghiệp, bạo lực, nghèo đói và chồng chất thiếu thốn trong giai đoạn tái thiết.

 

So với tình trạng bạo loạn ngay sau cuộc chiến và đỉnh điểm của những vụ bạo lực bè phái đẫm máu năm 2006 và 2007, tình hình an ninh tổng thể đã được cải thiện tương đối kể từ năm 2008. Nhưng hòa bình vẫn chưa được lập lại hoàn toàn ở đất nước đã tổn thất nặng nề vì chiến tranh này. Kể từ khi các bính sĩ Mỹ rút khỏi các thành phố lớn của Iraq tháng 6 năm ngoái, một loạt vụ đánh bom xe xảy ra trong tháng 8, tháng 10 và tháng 11 đã tàn phá các tòa nhà chính phủ ở Baghdad, khiến hàng trăm người thiệt mạng. Tháng Giêng năm nay, nhiều khách sạn lớn trở thành mục tiêu và máu vẫn chưa ngừng đổ. Các phần tử Al-Qaeda, các phần tử cực đoan và phe nhóm nổi dậy địa phương cùng lên tiếng đe dọa an ninh.

            Cuộc sống của người dân thiếu thốn, cùng cực

 

Hiện số lính Mỹ ở Iraq đã giảm xuống dưới 100.000. Theo thỏa thuận giữa Mỹ và Iraq, lực lượng chiến đấu của Mỹ sẽ rút khỏi nước này vào cuối tháng 8 năm nay và đến cuối năm 2011, tất cả lính Mỹ sẽ rời khỏi Iraq. Một số nhà phân tích nghi ngờ về khả năng các lực lượng của Iraq có thể gánh vác được trách nhiệm duy trì an ninh trên mảnh đất của mình sau mốc thời gian này.

 

Sau chính phủ lâm thời và chuyển tiếp, Iraq đã tổ chức cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên tháng 12-2005 và chính phủ do Thủ tướng Nuri al-Maliki lãnh đạo ra đời tháng 5/2006, với nhiệm kỳ 4 năm. Để cân bằng quyền lực, các ghế tổng thống, thủ tướng và chủ tịch quốc hội được chia đều cho người Kurd, người Shiite và người Sunni. Trong hệ thống chính trị non trẻ này cũng có nhiều phe phái đại diện cho lợi ích của các nhóm khác nhau và từ đó, luôn tồn tại những tranh cãi về những vấn đề như giải tán lực lượng dân quân địa phương, chia sẻ nguồn lợi dầu mỏ giữa chính quyền trung ương và địa phương và quy chế lãnh thổ của người Jirkuk. Những tranh cãi này đã từng dẫn đến một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong nội các. Và chừng nào những tranh cãi này chưa được giải quyết, chừng đó còn rất khó để đạt được sự ổn định chính trị và thống nhất dân tộc thực sự.

 

Một ngày sau mốc 7 năm cuộc chiến Iraq, người phát ngôn ủy ban bầu cử Iraq khẳng định kết quả chính thức cuộc bầu cử quốc hội tiến hành 7-3 sẽ được công bố vào ngày 26-3, nhưng mọi thứ vẫn còn bề bộn. Thủ tướng đương nhiệm Nuri al-Maliki đang kêu gọi kiểm lại phiếu bầu; Khối Iraqiya của cựu Thủ tướng Irắc Iyad Allawi đã lên án lời kêu gọi trên của ông Maliki là "một mối đe dọa rõ ràng" đối với ủy ban bầu cử. Những con số mới nhất của ủy ban bầu cử Iraq dựa vào 92% số phiếu được kiểm cho thấy đảng của ông Allawi đã vượt lên dẫn trước Liên minh nhà nước pháp quyền của ông Nuri al-Maliki 7.928 phiếu. Những động thái này báo trước việc thành lập chính phủ mới tiếp theo có thể là một chiến trình khó khăn do sự cạnh tranh quyết liệt giữa hai phe chính. Tương lai ổn định chính trị lại đặt Iraq vào một thách thức mới.

 

Trong khi đó, do tình hình an ninh bất ổn và thiếu đầu tư, tiến trình tái thiết hậu chiến của Iraq thu được rất ít kết quả rõ ràng. Các số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở nước này là 28%, nhưng các nhà phân tích trong nước cho rằng con số thực tế còn cao hơn nhiều. Hiện có khoảng 7 triệu người, tức gần 1 phần tư số dân của Iraq, sống dưới mức nghèo khổ.

 

Là nước có trữ lượng dầu mỏ dự trữ lớn thứ 3 thế giới, nhưng thiếu đầu tư khiến ngành dầu mỏ phát triển rất chậm. Chính phủ Iraq ước tính nước này có thể thu được 200 triệu USD từ dầu mỏ trong vòng 6 năm tới bằng mục tiêu tăng sản xuất dầu lên 12 triệu thùng/ngày từ 2,5 triệu thùng/ngày hiện nay. “Không có dầu mỏ, Iraq sẽ lâm vào rắc rối thực sự”, Ali al-Rawi, một giáo sư kinh tế của Đại học Baghdad nói. “Nhưng nếu không có môi trường đủ an toàn và ổn định đối với các nhà đầu tư nước ngoài, sẽ rất khó phát triển khai thác dầu với quy mô lớn. Cải thiện an ninh là điều kiện tiên quyết cho một tiến trình tái thiết lớn hơn ở Iraq”.

 

Cuộc chiến khác ở Mỹ

 

Với khẩu hiện “Không chiến tranh ở Afghanistan" treo phía trước xưởng, Josh Stieber không còn là một cựu binh chiến tranh Iraq bình thường, mà cũng không phải là cựu binh chống chiến tranh bình thường.

 

Trong 6 tháng năm ngoái, Stieber đã đi vòng quanh nước Mỹ, từ Đại Tây Dương ở Maryland đến Thái Bình Dương ở California, để nói về hòa bình và những lựa chọn phi bạo lực với những người anh gặp trên đường đi. Nỗ lực của anh đã thu hút được sự chú ý của rất nhiều người đồng quan điểm.

 

Những người biểu tình dơ cao khẩu hiệu chống chiến tranh ở Manhattan, New York

Trước ngày kỷ niệm 7 năm Chiến tranh Iraq, Stieber đã cùng nhập vào nhóm những cựu binh và các nhà hoạt động khác lập nên hàng nghìn bia mộ giả dưới Đài tưởng niệm Washington uy vệ ở D.C., khởi động cho một cuộc biểu tình lớn phản đối cuộc chiến Iraq. Trước báo giới, Stieber đã nói anh muốn cùng với mọi người nâng cao ý thức và khuyến khích những sáng kiến về cách thức giải quyết các vấn đề mà không cần dùng bạo lực.

 

Cùng với Stieber, hàng nghìn người Mỹ hôm 20-3 đã tham gia cuộc tuần hành phản đối chiến tranh, kêu gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama rút quân khỏi Iraq. Kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh xâm lược Irắc tháng 3-2003 đến nay đã có hơn 4.000 lính Mỹ thiệt mạng ở Iraq và hơn 1.000 nữa không trở về từ Afghanistan. Nhưng con số thường dân bị giết hại trong hai cuộc chiến này là hàng chục nghìn.

 

Trở về từ cuộc chiến Iraq, Stieber không thể dứt được suy nghĩ về những gì quân đội đã làm với những người dân ở Iraq: phá cửa, đập tường, tìm kiếm những “phần tử nổi dậy”, bắt người – đôi khi không vì những lý do gì cả. “Điều gì sẽ xảy ra nếu quân đội khác đến và đưa tôi hoặc bố tôi đi. Tôi biết mình không muốn thế”, anh nói. Chính điều này đã đặt ra một câu hỏi lớn về chiến tranh. Stieber nói anh mơ ước trở thành một giáo viên và anh sẽ nói trước mọi người rằng không thể có chiến tranh để có một tương lai hòa bình hơn.

(Theo Dân Trí)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên