Ai sẽ tiếp tục "giấc mơ" của ông Shinzo Abe?

Cập nhật: 07-09-2020 | 09:22:52

Ngày 28-8, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tuyên bố từ chức để dành thời gian trị căn bệnh lâu năm. Ngay lập tức, một cuộc đua thay thế ông Abe đã diễn ra với một loạt cái tên quen thuộc xuất hiện trên truyền thông. Giới phân tích cho rằng, dù ai được chọn thì cũng phải gánh trọng trách hoàn thiện những “giấc mơ dang dở” của ông Abe.

Ông Shinzo Abe, năm nay 65 tuổi, được bầu làm Thủ tướng Nhật Bản lần đầu vào năm 2006 và tại vị đúng 1 năm, từ chức ngày 26-9-2007 cũng vì lý do sức khỏe. Lần thứ hai ông Abe trở lại làm Thủ tướng Nhật Bản vào ngày 26-9-2012 và tại vị từ đó cho đến nay, gần tròn 8 năm. Ông được mọi người xem là vị Thủ tướng Nhật Bản tại vị lâu nhất tính đến nay. Trong thời gian tại vị, ông Abe đã làm được nhiều việc cho Nhật Bản và được lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đánh giá cao.

Trong phát biểu đầu tiên sau khi ông Abe thông báo từ chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết trên Twitter rằng Abe là “vị thủ tướng vĩ đại” của nước Nhật. Tuy nhiên, khi tuyên bố từ chức, ông đang đối mặt một số khó khăn trên nhiều mặt trận và còn nhiều việc, những lời hứa ông thực hiện dang dở, chưa đạt được kết quả sau cùng. Đây chính là những điều khiến ông cảm thấy tiếc nuối khi từ chức.

Do ông Abe đột ngột tuyên bố từ chức và không đưa ra kế hoạch tuyển chọn người thay thế, truyền thông Nhật Bản rộ lên những thông tin đồn đoán về người sẽ kế vị ông. Một cuộc đua tìm người thay thế ông Abe đang nóng dần lên trong nghị trường cũng như trong nội bộ đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) của ông Abe. Trước mắt người ta thấy có một số cái tên xuất hiện nhiều trên truyền thông trong mấy ngày qua, bao gồm: cựu Bộ trưởng Tài chính Taro Aso; cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba; cựu Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida; Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga; Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi (con trai cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi); Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi; Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono và bà cựu Bộ trưởng Nội vụ Seiko Noda.

Mỗi người trong số họ đều có tham vọng riêng đối với chiếc ghế thủ tướng, trong đó các ông Kishida, Motegi, Kono và Ishiba đã tuyên bố tranh cử. Giới phân tích chú ý đến con trai cựu Thủ tướng Koizumi không chỉ cái tên nổi tiếng Koizumi, mà còn bởi ông là người trẻ tuổi nhất (39 tuổi) trong số các chính khách được nhắc đến có tham vọng đua tranh vào vị trí thay thế ông Abe.

Ông Shinzo Abe tuyên bố từ chức.

LDP hiện chưa công bố phương thức bầu chọn người thay thế ông Abe nhưng theo giới quan sát, đảng này sẽ chọn lựa trong các hình thức bầu chọn, như có thể tổ chức một cuộc bầu cử bổ sung chỉ tiến hành giới hạn trong số thành viên nghị viện của LDP và một số đại diện các tỉnh hoặc tổ chức một cuộc bỏ phiếu trong nội bộ đảng với sự tham gia của tất cả 1 triệu thành viên.

Ai sẽ là người thay thế ông Abe trong số khá nhiều cái tên sáng giá nêu trên? Cho dù là ai thì người đó cũng sẽ phải hoàn thành những “giấc mơ dang dở” của ông Abe. Vị thủ tướng mới của Nhật Bản sẽ phải đương đầu với một loạt khó khăn, thách thức mà ông Abe đang đối mặt. Trước hết và lớn nhất có lẽ là cuộc chiến chống COVID-19. Trong tuyên bố từ chức của mình, Abe nói ông không bình luận gì về người kế nhiệm nhưng cho rằng người đó cần phải tiếp tục cuộc chiến chống COVID-19 mà ông đang làm dang dở.

Một trong những điều khiến ông Abe tự nhận là tiếc nuối nhất được nêu trong tuyên bố của ông, là việc ông không thể cải cách Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản và vì thế cũng không thể đưa quân đội Nhật trở lại “trạng thái bình thường” để đảm bảo đủ sức mạnh giành lại những hòn đảo tranh chấp và đưa người bị bắt cóc trở về Nhật Bản. Vì vậy, đây cũng là những vấn đề “dang dở” mà người kế nhiệm cần phải thay ông thực hiện cho xong. Nhưng, xử lý những vấn đề mang tính nền tảng này lại không dễ dàng chút nào, cho dù có tại vị thời gian rất lâu nhưng bản thân ông Abe cũng chưa thể thực hiện được.

Bên cạnh đó là lời hứa cải thiện nữ quyền cũng đang gặp nhiều khó khăn. Cho dù bà Noda có tham vọng trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của nước Nhật và bản thân bà đã bộc lộ rõ ý định ra tranh cử, người ta vẫn cho rằng sẽ rất khó khăn cho bà khi xã hội Nhật Bản hiện nay vẫn chưa thật sự thông thoáng trong vấn đề nữ quyền. Ngay trong nội các chính phủ gồm 20 người của ông Abe cũng chỉ có 3 phụ nữ.

Vấn đề ưu tiên hàng đầu đối với người kế nhiệm ông Abe hiện nay là phục hồi nền kinh tế Nhật Bản chịu tác động bởi sự tụt dốc kinh tế toàn thế giới do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Nền kinh tế Nhật vốn đã bị đè nặng bởi gánh nợ công, lại phải gồng mình chi tiêu khá nặng cho các gói kích thích kinh tế.

Trên trường quốc tế, giới quan sát cho rằng điều đáng ngại nhất chính là tình trạng thay đổi lãnh đạo xoành xoạch của nước Nhật thời kỳ trước khi ông Abe lên nắm quyền lần 2 có nguy cơ quay trở lại lần nữa, khiến nghị trình của nước Nhật luôn trong tình trạng ngắn hạn. Sau thời gian nắm quyền, ông Abe đã xây dựng và phát triển được các quan hệ ngoại giao rất tốt mà thời gian trước đây không thể có được. Thành quả đó giúp nước Nhật đạt được các thỏa thuận thương mại và đối tác an ninh với nhiều đồng minh và cả những quốc gia không phải đồng minh. Vì vậy, sau khi ông Abe từ chức, khoảng trống để lại trong lĩnh vực này sẽ là thách thức vô cùng lớn cho người nào thay thế ông.

Đương đầu với những vấn đề gai góc như thế nhưng những người tiềm năng kế nhiệm ông Abe theo đánh giá của truyền thông quốc tế đều chưa có được bản lĩnh, phẩm chất, uy tín và quyền lực như ông Abe. Cho nên người ta cho rằng một giai đoạn rất khó khăn đang bắt đầu không chỉ đối với đảng LDP mà cả nước Nhật sau khi ông Abe từ chức và sẽ mất một thời gian để đảng này có thể tìm được người thay thế ông.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên