Ấm áp những xóm trọ nghĩa tình

Cập nhật: 06-04-2013 | 00:00:00
Những “cư dân” ở trọ thường là những người xa quê, cảm giác nhớ nhà, buồn tủi nhiều khi không tránh khỏi. Sẽ thật may mắn nếu họ sống với những người đồng cảnh một cách bảo bọc, chia sẻ hoặc gặp được những chủ nhà trọ biết quan tâm, giúp đỡ.

Chủ nhà trọ thân thiện

Xóm trọ nhà cô Thu có khoảng 10 phòng tất cả. Hầu hết là những công nhân làm ở mấy công ty giày da gần nhà. Khu này có một “mẫu số chung”, đó tất cả đều là những người có thu nhập tương đối thấp. Không phải là xóm trọ quá đông đúc nên việc “hàng xóm láng giềng” hỏi han, gần gũi nhau cũng là chuyện bình thường. Chục phòng trọ thì mỗi người một quê, người ở An Giang, người Trà Vinh, có người ở xa tít tận Ninh Bình… Kể cũng hay, mỗi người mỗi quê nên đôi khi lại học hỏi lẫn nhau được khoản “văn hóa ẩm thực” giữa vùng này, vùng kia… Khu này ban ngày thường vắng hoe vì ai nấy tất bật đi làm, tối đến mới nghe những tiếng rậm rịch, í ới gọi nhau.  

 Ảnh minh họa

Ở xóm trọ nhỏ này, ai cũng quý mến cô chủ nhà vì sự quan  tâm chu đáo. Cũng là người “tha phương cầu thực”, hơn ai hết, cô Thu hiểu được cảm giác nhớ nhà, nhớ quê như thế nào. Những việc làm những tưởng rất đơn giản nhưng lại khiến nhiều người rất nhớ. Biết công nhân đi làm về thường mệt, tối đến cũng chẳng rủ nhau đi đâu nên cô chủ động ghé thăm, hỏi han. Thấy chị em trong xóm có nhu cầu làm thêm tăng thu nhập, cô hướng dẫn họ làm hoa voan, hoa vải kiếm thêm. Ấm áp nhất vẫn là khi đến ngày lễ, ngày tết, hay một dịp đặc biệt nào, mỗi phòng sẽ được cô cho dĩa xôi, tô canh xương hầm hoặc ít bánh trái. Những việc những tưởng rất nhỏ nhặt nhưng lại khiến nhiều cư dân trong xóm trọ nhỏ này cảm thấy ấm lòng.

Gắn kết tình cảm

Xóm trọ của Ngân đang ở rất đông người. Chạy xe từ đầu cổng vào có khi còn dễ bị… lạc vì sự lắt léo, vòng vèo của các dãy trọ. Khu này gần các trường nên quy tụ chủ yếu là sinh viên. Hồi mới chuyển đến, Ngân còn rụt rè, suốt ngày đóng cửa ngồi lỳ trong phòng. Nhưng dần dần do thấy vui vì sự rôm rả của những hàng xóm nên Ngân cũng mon men làm quen. Rặt xóm trọ toàn sinh viên nên lúc nào cũng ồn ào, náo nhiệt. Ngân còn nhớ như in dịp Tết Trung thu, cả dãy phòng (một dãy khoảng chục phòng) chung tiền mua bánh kẹo về tổ chức. Cái chiếu nhỏ trải ra giữa đường đi, người đàn, kẻ hát, thi nhau nói cười… nghe sao mà gần gũi, thân thuộc. Cũng chính từ những lần tụ họp đó mà anh em, bạn bè hiểu nhau hơn. Đến kỳ thi, có tài liệu thì cùng trao đổi, cùng rủ nhau lên thư viện trường ôn bài. Sách vở, tài liệu đều xài chung. Anh chị phòng nào đã học xong rồi thì cho các em lớp dưới mượn…

Ngân nhớ nhất vẫn là lúc bị ốm. Không dám điện thoại về nhà vì sợ mẹ lo lắng. Hiểu được suy nghĩ đó nên những người chung xóm trọ chẳng ai bảo ai, người thì mua thuốc, kẻ nấu cháo… rồi ở cạnh để cô đỡ buồn. Những lúc như thế Ngân thấy nguôi ngoai đi nỗi buồn rất nhiều. Tuy mẹ không bên cạnh cô như ngày xưa nữa nhưng những người bạn mới cũng khiến cô cảm thấy mình như có một gia đình ở bên.

Vậy đấy, xóm trọ thường là nơi quy tụ của những người xa quê. Và chữ tình giữa những người “tha phương cầu thực” với nhau là rất quan trọng. Xa gia đình, xa quê hương là điều không ai muốn nhưng đôi khi ở những nơi đất khách quê người, họ biết bảo bọc, che chở cho nhau thì những nỗi buồn sẽ vơi đi...

 

THU THỦY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên