Nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Khoa các phương pháp trị liệu bằng nghệ thuật sáng tạo thuộc trường Đại học Drexel ở Philadelphia (Mỹ) cho biết âm nhạc có thể làm giảm lo lắng ở những bệnh nhân ung thư.
Ngoài ra, âm nhạc còn tạo ra những tác động tích cực đến tâm trạng, giảm sự đau đớn và cải thiện chất lượng cuộc sống ở những bệnh nhân này.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích kết quả từ 1.891 bệnh nhân tham gia trong 30 buổi thử nghiệm. Cụ thể, các đối tượng này được nghe nhạc với sự hướng dẫn từ các chuyên gia trị liệu trong 13 buổi, trong khi 17 buổi khác họ nghe từ các băng đĩa được thu từ trước. Trong các thử nghiệm này, thời gian và tần xuất tham gia vào các buổi nghe nhạc của những đối tượng này khác nhau rất nhiều.
Kết quả cho thấy, so sánh với các phương pháp điều trị thông thường, âm nhạc đã làm giảm đáng kể sự lo lắng của họ dựa trên các chỉ số lo lắng mà các nhóm nghiên cứu trên đo được. Đặc biệt, một số buổi thử nhiệm trong số này cho thấy những tác động có lợi lớn hơn nhiều so với các thử nghiệm còn lại.
Kết quả cũng cho thấy các liệu pháp trị liệu bằng âm nhạc có thể làm tăng chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Ngoài ra, âm nhạc cũng có ảnh hưởng nào đó đến tâm trạng và sự đau đớn của họ. Các chỉ số đo được cũng cho thấy âm nhạc có những tác động có lợi đối với nhịp tim, nhịp thở và huyết áp của họ.
Trưởng nhóm nghiên cứu trên, tiến sĩ Joke Bradt nói: “Các kết quả trên cho thấy sự can thiệp bằng âm nhạc có thể được dùng làm liệu pháp điều trị bổ sung cho những người bị mắc ung thư.”
Ông Bradt còn khẳng định thêm: “Những can thiệp bằng âm nhạc do các chuyên gia trị liệu bằng âm nhạc hướng dẫn cũng như việc tự nghe nhạc được thu âm trước đó đều cho thấy các kết quả tích cực trong nghiên cứu này.”.
Theo TTXVN