Ấn Độ: Tranh cãi quanh “những cỗ quan tài bay”

Cập nhật: 29-08-2013 | 00:00:00
Ngày 15-7 vừa qua, một máy bay chiến đấu MIG-21 Bison do Nga chế tạo, vận hành bởi lực lượng Không quân Ấn Độ, đã bị rơi khi cố gắng hạ cánh tại căn cứ không quân Uttarlai tại Barmer, bang Rajasthan. Đây là vụ tai nạn máy bay MIG-21 thứ hai tại căn cứ không quân này trong vòng 2 tháng. Không có bất cứ thương vong nào được ghi nhận trong vụ tai nạn trước đó, nhưng lần này một phi công đã thiệt mạng. Và vụ tai nạn xảy ra được quy là do lỗi của phi công.

  Máy bay MIG-21 tại căn cứ không quân Kalaikunda ở Tây Bengal.

Chỉ một ngày sau vụ tai nạn thứ hai ở Rajasthan, một sĩ quan phục vụ trong Không quân Ấn Độ là trung tá Sanjeet Singh Kaila - người sống sót sau vụ tai nạn MIG-21, đã kiến nghị tòa án, yêu cầu xem lại sự việc. Trung tá Kaila cho rằng, việc ông bị bắt lái loại máy bay này đã vi phạm quyền được làm việc trong một môi trường an toàn của cá nhân ông.

Vị chỉ huy này trước đó cũng đã bị một tai nạn cháy máy bay trong một cuộc tập trận vào năm 2005. Lần đó ông đã trì hoãn việc nhảy ra khỏi chiếc máy bay đang bốc cháy vì đang bay trên khu vực đông dân cư. Vụ tai nạn này cũng đã diễn ra ở Rajasthan.

MIG-21 đã phục vụ trong Không quân Ấn Độ được 50 năm, là nòng cốt  của phi đội không quân. MIG-21 đã tham gia tất cả các cuộc xung đột lớn liên quan đến Ấn Độ từ năm 1963, và  tham gia hầu hết các hoạt động chủ chốt của lực lượng không quân.

Mặc dù MIG-21 chứng tỏ hiệu quả cực kỳ hữu ích đối với lực lượng vũ trang Ấn Độ nhưng mức độ an toàn của nó lại bị chỉ trích gay gắt trong suốt thập kỷ qua. Vài tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ - AK Antony công bố tổng số 29 vụ tai nạn máy bay trong vòng 3 năm qua của Không quân Ấn Độ, có 12 vụ liên quan đến khung máy bay MIG-21. Hai chiếc MIG-21 nữa đã bị rơi kể từ khi ông Antony đưa ra những số liệu thống kê này.

Vì hồ sơ an toàn bay đầy những tì vết nguy hiểm của MIG, nên dòng máy bay này đã được giới phi công đặt tên là "Cỗ quan tài bay" hoặc "Kẻ tạo ra những quả phụ". Hơn 170 phi công của Không quân Ấn Độ đã thiệt mạng trong các vụ tai nạn MIG-21 từ năm 1970. Các vụ tai nạn này cũng đã dẫn đến cái chết của 40 thường dân.

Không quân Ấn Độ đã đưa vào sử dụng hơn 1.200 biến thể của chiếc MIG từ năm 1963. Hiện nay, ít nhất có 252 chiếc MIG-21 còn đang hoạt động trong lực lượng không quân, bao gồm cả phiên bản nâng cấp mới nhất là chiếc Bison. Đây là lọai máy bay phản lực chiến đấu được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử hàng không kể từ Thế chiến II. Hơn 11.000 khung của phiên bản MIG gốc được biến thể cũng như các bản sao khác của nó như Chengdu J-7 được Trung Quốc sản xuất từ năm 1959.

Ấn Độ đã phụ thuộc rất nhiều vào MIG-21 để duy trì ưu thế trên không đối với các khu vực lân cận. Sự thành công của loại máy bay này đã được công nhận trên toàn cầu. Theo các tác giả David Nicole và Tom Cooper trong "MIG 19 - Arập và MIG 21 các đơn vị trong chiến đấu", Ấn Độ thậm chí còn cung cấp đào tạo phi công MIG sang  Iraq. Họ cho biết trái với suy nghĩ của nhiều người, các phi công Iraq trong những năm 70 thế kỷ trước được đào tạo về MIG-21 bởi Ấn Độ nhiều hơn là ở Pakistan hay Liên Xô.

Do chi phí vận hành và bảo trì các máy bay MIG-21 thấp đã khiến nó được xem như "máy bay chiến đấu của nhân dân". Năm 1980, Ấn Độ mới sản xuất được máy bay trong nước sau một thỏa thuận chuyển giao với Liên Xô và chỉ một đơn vị sản xuất duy nhất với chi phí hơn 30 triệu rupee (489,000 USD). Thành tựu này được xem là thắng lợi lớn cho Không quân Ấn Độ khi nền kinh tế nước này còn rất non yếu so với ngày hôm nay.

Những chỉ trích và phê bình xung quanh loại máy bay MIG-21 đặt ra câu hỏi về chất lượng bảo trì của phi đội. Trong bản kiến nghị của mình, Trung tá Kaila đã cáo buộc Hindustan Aeronautics Limited (HAL) -  công ty chuyên sản xuất các máy bay phản lực MIG trong nước, phải có trách nhiệm trong sự cố máy bay do công tác bảo dưỡng kém. Trong diễn biến ngược lại, Công ty HAL không đưa ra bất cứ bình luận nào.

Tham mưu trưởng Không quân Marshal P.V. Naik - cựu lãnh đạo của Không quân Ấn Độ, quyết liệt bảo vệ việc sử dụng các máy bay chiến đấu của lực lượng không quân. "Tôi đã bay hơn 2.000 giờ với các biến thể khác nhau của MIG-21, từ các loại đầu tiên như dòng 77, hay 96 được cải tiến và cả dòng Bison. Máy bay MIG là chiếc tốt nhất của chủng loại này và hoàn toàn không chính xác khi gọi nó là "Cỗ quan tài bay" hay "Kẻ tạo ra những quả phụ".

"Bất cứ khi nào một chiếc máy bay không được sử dụng nữa thì có nghĩa là nó đã được dùng hết 100% hiệu suất. Một chiếc máy bay không thể sử dụng được sẽ không bao giờ được phép cất cánh. Các bộ phận có thể hư trong vòng 3 phút sau khi cất cánh hoặc có thể không hoạt động vì rất nhiều lý do. Bất kỳ vấn đề gì với MIG-21 đều bị phóng đại lên vì phần lớn các phi đội đều có loại máy bay này".

Sự sẵn có của phụ tùng thay thế cũng là một vấn đề đáng quan tâm đối với phi đội bay của Ấn Độ, họ đã xem xét nhiều lựa chọn rẻ hơn ở các nước như Israel hoặc  Ukraina. Cơ quan quốc phòng tại Moscow trước đó đã cảnh báo Ấn Độ về việc cắt xén những bộ phận mua chính hãng. Đại sứ Nga tại New Delhi, ông Alexander Kadakin, đã nói rằng Ấn Độ không nên ngạc nhiên khi máy bay của họ gặp tai nạn nếu vẫn tiếp tục sử dụng phụ tùng nhập từ một nước khác ngoài Nga.

Trong những năm đầu của thập kỷ này, các phi công mới được chuyển từ máy bay huấn luyện như HAL Kiran (một loại máy bay phản lực bản địa dùng trong công tác huấn luyện phi công được chế tạo vào năm 1964 bởi Hindustan Aeronautics) sang  MIG-21, đây được xem là một bước nhảy vọt  mà các phi công phải mất rất nhiều thời gian mới thích nghi được. Các phi công trẻ và thiếu kinh nghiệm đã quen với máy bay Kiran - máy bay phản lực cận âm với tốc độ tối đa 201 dặm/giờ, họ sẽ khó xoay xở hơn với loại máy bay MIG siêu âm dùng năng lượng thô, có tốc độ tối đa 1.468 dặm/h.

Bước nhảy vọt giữa hai loại hình máy bay này đòi hỏi rất nhiều cố gắng, và việc xử lý loại máy bay MIG làm tăng gấp đôi khó khăn vì loại máy bay phản lực tiên tiến thì không phải là giải pháp "tối ưu" hay "hiệu quả về mặt chi phí". Năm 2004, Ấn Độ đã đặt hàng 66 chiếc máy bay phản lực tiên tiến dùng trong huấn luyện BAE Hawk, của Anh, sau đó là đơn đặt hàng thêm 57 chiếc nữa vào năm 2010 để bổ sung cho chương trình đào tạo phi công. Quyết định mua bán này đã nhanh chóng bị theo dõi vì sự bất bình của dân chúng gia tăng sau nhiều vụ tai nạn máy bay MIG-21.

Việc hiện đại hóa lực lượng Không quân Ấn Độ đang được thực hiện rất chậm vì quá trình phê duyệt mua sắm kéo dài khá lâu và có nhiều vi phạm trong giao dịch do nạn quan liêu và tham nhũng. Đơn cử là vụ bê bối hối lộ gần đây trong một thỏa thuận mua máy bay trực thăng trị giá 750 triệu USD đã liên tục gây cản trở cho các lực lượng vũ trang Ấn Độ.

Các chương trình quốc phòng bản địa của Ấn Độ, chẳng hạn như máy bay chiến đấu hạng nhẹ được dự kiến sẽ thay thế phi đội MIG-21 đang chậm tiến độ cả một thập niên! Trong khi đó những giao dịch mới như chương trình máy bay chiến đấu hạng trung nhiều chức năng vẫn còn trên bàn đàm phán, làm tăng thêm sự chậm trễ vô thời hạn trong nỗ lực hiện đại hóa. Trong vài năm tới, MIG-21 vẫn được dùng để lấp chỗ trong khi chờ tốc độ hiện đại hóa quân sự của Ấn Độ được cải thiện.

Theo CAND

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên