An toàn thực phẩm bếp ăn tập thể: Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm

Cập nhật: 02-05-2012 | 00:00:00

Công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại các bếp ăn tập thể (BATT) ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng được các doanh nghiệp (DN), cơ sở quan tâm và chấp hành tốt. Tuy nhiên vẫn còn một số DN, cơ sở vẫn chưa thật sự quan tâm đến việc thực hiện đúng các quy định về VSATTP nên nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn luôn tiềm ẩn.  Một cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp chưa bảo đảm đúng các quy định về VSATTP

Qua kết quả kiểm tra 63 DN có tổ chức BATT, tỷ lệ bếp ăn đạt ATTP chiếm 58,73% (26 cơ sở vi phạm ATTP). Các DN tự tổ chức nấu ăn có tỷ lệ đạt ATTP thấp hơn các DN có hợp đồng cơ sở cung cấp suất ăn nấu sẵn trong DN. Tỷ lệ BATT vi phạm ATTP chiếm 41,27% và 100% cơ sở vi phạm đều được xử lý nghiêm với hình thức phạt tiền. Trong đó có 2/26 cơ sở bị đình chỉ kinh doanh do không có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP, bếp ăn không bảo đảm điều kiện ATTP. Đa số các cơ sở vi phạm chủ yếu là không tổ chức khám sức khỏe, tập huấn định kỳ cho nhân viên nấu ăn, không bảo đảm điều kiện ATTP đối với vệ sinh cơ sở, lưu mẫu thức ăn không đúng quy định...

Thực tế kiểm tra hầu hết các DN khi tổ chức xây dựng BATT không thông qua tư vấn của ngành y tế, nên thường bếp ăn xây dựng xong không bảo đảm quy trình chế biến một chiều, không phù hợp công năng phục vụ và không bảo đảm quy định về ATTP. Kiểm tra đột xuất một cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp ở Bình Chuẩn, ngành chức năng  phát hiện cơ sở này đã vi phạm ATTP: cơ sở không đạt yêu cầu vệ sinh, sàn đọng nước, thức ăn không được che đậy, khu vực nấu ăn gần chuồng nuôi heo, chó chạy trong khu vực chế biến thức ăn, dụng cụ không đạt tiêu chuẩn vệ sinh, sử dụng thực phẩm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc... Liệu các DN có biết được mình đã hợp đồng với cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp, nơi cung cấp thức ăn hàng ngày cho DN mà cơ sở không bảo đảm ATTP và điều kiện vệ sinh kém như thế này chăng?

Ông Nguyễn Văn Đạt, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Đa số những người chủ nấu ăn chưa qua trường lớp đào tạo về nấu ăn, thiếu kiến thức về dinh dưỡng và ATTP. Mặt khác, người kinh doanh nấu ăn vừa đảm nhận vai trò là người quản lý và điều hành nên khó sắp xếp thời gian dành cho việc theo dõi hồ sơ pháp lý và kiểm soát ATTP một cách có hệ thống. Nguồn nhân công phục vụ nấu ăn là lao động phổ thông, thường xuyên biến động, do vậy các cơ sở thường chậm trễ trong việc tổ chức tập huấn và khám sức khỏe phát hiện người lành mang vi trùng cho người trực tiếp chế biến thực phẩm.

Công tác tổ chức bữa ăn cho công nhân trong DN thường là người của DN tự đứng ra nấu ăn hay hợp đồng với cơ sở chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp đã chế biến sẵn mang đến DN hoặc công nhân tự túc ăn... cho nên nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn tiềm ẩn, vì vẫn tồn tại một số cơ sở chưa quan tâm đến các quy định về bảo đảm VSATTP. Chính vì thế, việc tổ chức bữa ăn cùng chỗ làm là cần thiết để DN có thể kiểm soát về ATTP, dinh dưỡng khẩu phần ăn công nhân bảo đảm duy trì sức khỏe công nhân và năng suất lao động. Ngược lại, hình thức hợp đồng mua thức ăn hoặc để công nhân tự túc ăn uống, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ATTP do DN không thể chủ động kiểm soát ATTP. Ngoài ra, nguồn thực phẩm cung cấp cho BATT thường lớn, phải thu gom nhiều nguồn khác nhau, do đó khó bảo đảm VSATTP. Bên cạnh giá tiền của một suất ăn thường ở mức 12.000 - 16.000 đồng, nhưng với giá cả tăng như hiện nay thì khó có thể lựa chọn thực phẩm theo đúng quy định của VSATTP, nên có nhiều nguy cơ ô nhiễm dẫn đến ngộ độc thực phẩm.

Do nhu cầu sử dụng nên số lượng cơ sở cung cấp dịch vụ này không ngừng gia tăng, nhiều cơ sở quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở chế biến thực phẩm thủ công, khó kiểm soát yêu cầu về VSATTP. Nhận thức về VSATTP của người chế biến, kinh doanh chưa cao. Bên cạnh đó, cán bộ chuyên trách ATTP ở Trung tâm y tế huyện, thị chưa được đào tạo nghiệp vụ thanh tra nên khả năng phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP còn nhiều hạn chế, vì vậy vẫn còn chứa đựng nhiều nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm BATT. Để phòng chống ngộ độc thực phẩm hiệu quả, bền vững thì đòi hỏi sự nỗ lực, sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của các cấp, các ngành, địa phương và của cả cộng đồng.

T.PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên