Ấn tượng với tay vợt “ốc tiêu” Tamitha Nguyễn

Cập nhật: 19-10-2010 | 00:00:00

  Tamitha (trái) trên bục nhận cúp vô địch đơn nữ U18 ITF Becamex CupTại giải vô địch quần vợt U18 ITF (nhóm 5) tranh cúp Becamex IDC, vừa kết thúc mới đây tại TX.TDM, tay vợt nhí Tamitha Nguyễn gây ấn tượng mạnh không chỉ vì thân hình nhỏ bé, hàm răng kiềng đen nhánh hay thành tích vô địch đơn nữ mà còn bởi em là VĐV mang hai dòng máu Việt - Phi, mang những tính cách rất Việt...

Tay vợt 16 tuổi Tamitha Nguyễn gây chú ý cho người viết bởi cái tên có chút gì đó gần gũi với Việt Nam qua chữ “Nguyen” đứng đằng sau tên. Dò hỏi, anh Lê Việt Cường, Giám đốc Công ty CP Kinh doanh và Thể thao Bình Dương, Trưởng BTC giải cho biết: “Tamitha Nguyễn đăng ký dự giải với quốc tịch Philippines, nhưng em mang họ Nguyễn, chắc là có bố hay mẹ là người Việt. Em nhỏ người như ốc tiêu, nhưng đánh tốt lắm”. Những thông tin từ ông Trưởng BTC giải đã gây tò mò cho người viết, chúng tôi quyết định tìm cách trò chuyện với tay vợt nhí này. Sau trận chung kết đơn nữ, đánh bại hạt giống số 2 của giải là Patrimonio với tỉ số 2-0 (6/2 và 6/4), Tamitha hãnh diện bước lên bục nhận cúp vô địch đơn nữ rồi nhanh chóng cùng với mẹ rút lui vào một góc của căn tin cụm sân quần vợt Becamex. Thấy có phóng viên đến hỏi chuyện nhà vô địch, cả 2 mẹ con Tamitha tỏ vẻ e dè. Nhưng khi nghe nhắc đến 2 từ Việt Nam, cặp mắt của cô gái mang 2 dòng máu Việt - Phi sáng lên. Với giọng rất tự hào, Tamitha cho biết bố của em là ông Nguyễn Thuận, sang Philippines định cư từ năm lên 10 tuổi, hiện đang làm phó giám đốc một bưu điện trung tâm ở thủ đô Manila, Philippines. “Em rất tự hào về bố và nguồn gốc Việt Nam của mình. Tính đến giải này là lần thứ 3 em dự Becamex Cup trong 3 năm qua. Như vậy em đã 3 lần về thăm quê cha, cho dù em và bố vẫn chưa biết quê ở đâu tại Việt Nam” Tamitha bày tỏ.

Tamitha cho biết em chơi quần vợt từ năm lên 6 tuổi nhưng do thể hình quá nhỏ bé nên em gặp rất nhiều vất vả khi thi đấu. Tuy nhiên, để bù lại bất lợi về thể hình, Tamitha có lối chơi bóng thông minh, khéo léo và điềm tỉnh, rất hiếm thấy ở các tay vợt ở cái tuổi 16 như cô bé. Cũng chính nhờ những điểm mạnh này mà Tamitha đã khéo léo khuất phục tay vợt đồng hương Philippines Patriminio vốn cao hơn em 1 cái đầu ở trận chung kết để lần đầu tiên giành được danh hiệu vô địch ở một giải đấu quốc tế. Nơi Tamitha còn dễ dàng bắt gặp một tính cách rất Việt Nam khác, đó là tinh thần ham học và cầu tiến. Sau trận chung kết và giành cúp vô địch, trong khi các tay vợt khác người thì tranh thủ mua quà lưu niệm, đi ăn mừng hay thư giãn với chiếc máy nghe nhạc hoặc “tám” với bạn bè thì Tamitha lại lôi bút chì ra để vẽ, hí hoáy làm bài tập. Bởi vậy, chúng tôi không có gì ngạc nhiên khi nghe Tamitha bộc lộ mục tiêu lớn nhất của mình trong tương lai: “Em ráng học để giành được suất học bổng sang Mỹ du học. Gia đình em ở Philippines chỉ thuộc dạng trung lưu, nên để đeo đuổi giấc mơ thi đấu quần vợt chuyên nghiệp là rất khó khăn. Vì thế em phải nỗ lực phấn đấu để nếu không thi đấu quần vợt chuyên nghiệp được thì vẫn còn cơ hội tiến thân nếu có kết quả học tập tốt”. 

Trước khi chia tay với cô gái Phi gốc Việt, chúng tôi hỏi Tamitha có ý định khoác áo thi đấu cho đội tuyển quần vợt Việt Nam không? Tamitha hồn nhiên trả lời: “Em đang có 2 quốc tịch Philippines và Việt Nam. Em thích thi đấu cho đội tuyển Philippines hơn vì em đã thích nghi với cuộc sống bên đó. Nhưng chắc là khó được vào đội tuyển Philippines lắm vì thể hình em nhỏ quá”. Chúng tôi tin rằng, với sự ham học, thông minh và nghị lực phấn đấu của mình, Tamitha sẽ còn tiến xa trong sự nghiệp quần vợt. Biết đâu được, một ngày nào đó, Tamitha sẽ trở về quê cha đất tổ để khoác áo thi đấu cho đội tuyển quần vợt Việt Nam?!

CHÍ THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên