Anh: Cắt giảm chi tiêu xã hội gây ra bạo loạn?

Cập nhật: 12-08-2011 | 00:00:00

Các vụ bạo động vừa qua đã làm nổi lên nhiều vấn đề kinh tế - xã hội của nước Anh, từ vấn đề phúc lợi cho người nghèo và thanh niên đến các mâu thuẫn sắc tộc.

 Monika Konczyk - 32 tuổi, di cư từ Ba Lan tới London (Anh) - nhảy khỏi cửa sổ căn hộ một toà nhà bị đốt cháy trong đêm bạo loạn 8.8, có cảnh sát đỡ phía dưới, đã nói lên nỗi khiếp sợ của người dân bình thường trong những ngày qua.

Người Hồi giáo là mục tiêu

Tại Birmingham, cộng đồng người Hồi giáo đã tổ chức lễ tưởng niệm ba thanh niên Haroon Jahan (21 tuổi), Shahzad Ali (30 tuổi) và Abdul Musavir (31 tuổi) bị chết trong các vụ cướp bóc lúc 1h sáng 10.8. Đêm hôm đó, không thấy cảnh sát ở khu vực đường Dudley, cộng đồng người Hồi giáo tại đây đã tự trang bị gạch đá, gậy bóng chày để bảo vệ các cửa hàng và đền thờ của họ khỏi những kẻ phiến loạn.

Cửa hàng và đền thờ không sao, nhưng họ phải trả giá đắt: Một xe ôtô chở đầy kẻ càn quấy đã lao thẳng vào đám đông người bảo vệ cửa hàng, giết chết 3 thanh niên nói trên. Những người sống sót cho biết, thủ phạm là người da đen và họ cáo buộc người da đen đang nhằm vào tấn công cửa hàng của người Hồi giáo.

Vụ việc này làm dấy lên căng thẳng sắc tộc ở Birmingham - thành phố lớn thứ hai của Anh và là thành phố đa dạng nhất về sắc tộc. Khoảng 1/5 trong số 1 triệu dân Birmingham là người Hồi giáo, chủ yếu là gốc Pakistan, khoảng 7% là người da đen. Nhiều thanh niên Hồi giáo tại đây đang vô cùng giận dữ và đòi săn lùng người da đen để trả thù. Cảnh sát Birmingham phải tổ chức đối thoại với cộng đồng người Hồi giáo để kêu gọi họ giữ bình tĩnh. 60 lính đặc nhiệm đang được phái đi truy lùng kẻ giết người. Cảnh sát đã bắt giữ một lái xe và 11 người khác bị tình nghi liên quan.

Trẻ 11 tuổi tham gia tấn công

Ngược lại, cũng có nhiều vấn đề khi tìm hiểu những kẻ tấn công. Tại London, Asyraf Haziq Rosli - sinh viên người Malaysia, 21 tuổi, bị thương trong một vụ tấn công - cho biết, anh đang đi xe đạp thì gặp một đám thanh niên càn quấy gây sự và đánh anh bị thương. Điều kinh khủng là - Asyraf kể - trong đám đông đó có cả những thiếu niên rất trẻ, trông như chỉ mới đang tuổi học phổ thông. Đoạn băng ghi hình Asyraf bị thương đang kể lại sự việc trên giường bệnh được tung lên mạng, thu hút vô số người xem.

Thủ tướng Anh David Cameron nêu đích danh trường hợp của Asyraf: “Khi chúng ta thấy những đứa trẻ mới chỉ 13 tuổi cướp bóc và cười cợt, khi thấy hình ảnh một thanh niên bị thương bởi những kẻ giả vờ giúp anh ta rồi cướp tài sản của anh ta, rõ ràng đó là  dấu hiệu của những điều tệ hại trong xã hội chúng ta”.

Vẽ chân dung những kẻ bạo loạn ở Anh, báo chí đã gọi họ là “một thế hệ bị đánh mất”. Quả thực trong số bị bắt giữ có những thiếu niên mới 15 - 17 tuổi, thậm chí 11 tuổi. Người ta tranh luận nhiều về lý do của cuộc bạo loạn: Đó là tội phạm cơ hội hay là do bất bình với những chính sách kinh tế và việc cắt giảm chi tiêu đã đào sâu bất bình đẳng trong xã hội.

Nhưng dù lý do gì thì cảm giác bị ruồng bỏ vẫn nổi lên từ câu chuyện của họ. Freddy - một thanh niên 19 tuổi ở Tottenham đã tham gia bạo động - nói: “Chẳng ai làm gì cho chúng tôi hết, cả các chính trị gia lẫn cảnh sát, chẳng ai cả”.

Đã có gần 1.200 người bị bắt kể từ khi bạo động nổ ra tối 7.8, chủ yếu là những thanh niên nghèo thuộc nhiều sắc tộc. Tại  London, Manchester và Solihull ở miền trung, các toà án phải làm việc suốt đêm 11.8 để giải quyết 1.200 trường hợp bị bắt  này, chủ yếu các nghi phạm bị cáo buộc gây rối trật tự và trộm cắp, nhiều bị cáo không được nêu tên vì vẫn còn nhỏ.

Một số chuyên gia cho rằng, thật hẹp hòi khi đánh giá bạo động chỉ là sự bùng nổ bạo lực ngẫu nhiên không liên quan đến cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Hiện giờ chính phủ đang cắt giảm các việc làm dịch vụ dân sự, tăng tuổi nghỉ hưu, giảm trợ cấp hưu trí, cắt giảm trợ cấp nhà ở của hàng chục nghìn gia đình nghèo. Năm ngoái, kế hoạch cắt giảm phúc lợi giáo dục đã gây nên phản đối bạo lực khi sinh viên xuống đường biểu tình.

Hans-Joachim Voth - nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách kinh tế - cho rằng, kế hoạch cắt giảm sẽ còn tiếp tục gây bất ổn, bởi những khoản cắt giảm nặng nề nhất vẫn còn chưa được thực hiện.

Sáng 11.8, Quốc hội Anh triệu tập phiên họp khẩn cấp để thảo luận về tình hình bạo động ở London suốt 5 ngày qua. Đây là lần thứ hai trong vòng một tháng Quốc hội Anh họp khẩn cấp - lần trước là về vụ bê bối nghe lén của tờ News of the World. Ngay trước cuộc họp quốc hội, Thủ tướng Anh David Cameron đã chủ trì cuộc họp của chính phủ cũng về vấn đề này, trong đó ông công bố kế hoạch chi tiết về giúp đỡ tài chính cho những người đã mất nhà ở hoặc có cửa hàng bị cướp bóc.

 Theo Lao Động

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên