Hàng chục ngàn người khiếm thị (KT) trên cả nước nói chung và hơn 800 người KT là hội viên Hội Người mù ở Bình Dương nói riêng, hầu hết đều tiềm ẩn một nghị lực phi thường. Bởi, nếu không có nghị lực phi thường thì họ - những người KT - nhất là những người bị KT khi đã trưởng thành khó mà trụ vững ở đời để tiếp tục sống, tiếp tục chiến đấu vượt qua nghịch cảnh đau thương mà không may mình phải gánh chịu. Trong số họ, có biết bao gương sáng để tôn vinh mà vài trường hợp dưới đây là những ví dụ…
Những phút giây thư giãn ở Hội Người mù Bình Dương. Ảnh: D.T
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Hải - Trịnh Thị Thúy Diễm
Đối với những người bình thường kiếm sống đã là chuyện khó, với người KT lại càng khó hơn cả trăm lần. Vậy nên sự nỗ lực của đôi vợ chồng Hải - Diễm khiến nhiều người phải cảm phục. Họ đến với Hội Người mù Bình Dương (quê Hải ở Dầu Tiếng, còn quê Diễm ở Tân Uyên) khoảng 20 năm nay và hiện nay họ đã có với nhau một bé gái 4 tuổi. Nhưng vì cuộc mưu sinh, đôi vợ chồng này phải gửi con bên ngoại và hàng tháng họ gửi 2 triệu đồng về quê phụ ông bà nuôi cháu. Không những thế, cách đây khoảng 5 năm, đôi vợ chồng Hải - Diễm vừa tích cóp vừa vay mượn mua được một căn nhà trị giá gần 300 triệu đồng - ngôi nhà của họ chỉ cách hội khoảng 500m - đó là một thuận lợi để họ làm nghề mát-xa tại cơ sở Rạng Đông. Đối với nhiều người, số tiền gần 300 triệu đồng là không lớn, nhưng với Hải - Diễm là cả một sự nghiệp và họ đã tạo dựng được từ chính đôi tay và sự nỗ lực vượt bậc của mình.
Hải - Diễm là nhân viên mát-xa ở cơ sở Rạng Đông hơn chục năm nay, tuy thu nhập không đều nhưng nhờ tính tiết kiệm, cần cù, chịu khó mà họ vẫn lo được cuộc sống cho mình, có tiền gửi về quê nuôi con ăn học cũng như trả nợ mua nhà…
“Có được căn nhà là niềm hạnh phúc lớn nhất của vợ chồng tôi. Tôi ước mong luôn đủ sức khỏe để cố gắng tạo dựng tương lai cho mình và lo cho con ăn học thành tài…”, anh Hải nói.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Thủy - Nguyễn Đình Phương
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy quê Thuận An, anh Nguyễn Đình Phương quê Bến Cát. Anh chị là hội viên Hội Người mù Bình Dương trên 20 năm nay và họ đã có với nhau một cậu con trai nay đã học lớp 11. Chị Thu Thủy cho biết, suốt thời gian qua, con trai chị không phải bươn chải để kiếm sống mà chỉ lo học hành, mình phải làm tròn bổn phận của một người mẹ, một người cha… với hết khả năng, hết tấm lòng của mình đối với con cái.
Chị Thu Thủy
Chị Thu Thủy làm nghề mát-xa, còn anh Phương làm chổi. Thu nhập tuy thất thường nhưng nhờ biết lo xa, biết dè sẻn nên họ cũng nuôi được con khôn lớn, ăn học đàng hoàng.
Trước đây, vợ chồng chị cũng được địa phương Thuận An cấp cho căn nhà tình thương song vì chỗ làm xa nên anh chị phải thuê nhà để ở gần hội. “Tôi ước mơ con trai sẽ có nghề nghiệp ổn định và vợ chồng có chỗ ăn ở (chỉ những hội viên độc thân mới được ở lại tại hội - NV) gần nơi làm việc để thuận lợi hơn… Đó là mơ ước lớn nhất của vợ chồng tôi”, chị Thu Thủy nói.
Với 21 năm sống với hội, chị Thu Thủy đã có đến 14 năm làm chị nuôi cho 40 - 50 người ăn/ngày. Với một người sáng mắt điều đó đã không dễ, đối với một người mù lòa như chị thật vô cùng gian nan. Song, chị đã hoàn thành xuất sắc công việc, được nhiều người khen. “Dù khó đến mấy nhưng với lòng quyết tâm, sự nhẫn nại, lòng tin yêu cuộc đời, tôi tin chắc rằng không riêng gì tôi mà nhiều người khác cũng sẽ vượt qua mọi thử thách để thấy đời luôn tươi đẹp…”, chị Thủy cười nói.
DẠ TRẦM (lược ghi)