Bảo tồn, phát huy giá trị của Di tích khảo cổ Dốc Chùa

Cập nhật: 19-11-2018 | 06:37:22

Di tích khảo cổ Dốc Chùa có giá trị cao về mặt lịch sử và khảo cổ. Phát huy giá trị của khu di tích, Bình Dương không chỉ chú trọng công tác tôn tạo, bảo tồn mà còn tích cực giới thiệu, quảng bá di tích đến các thế hệ trên mọi miền đất nước.

Di tích quan trọng

Di tích khảo cổ Dốc Chùa, ấp Tân Hòa, xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, nằm bên bờ sông Đồng Nai, bên trái con đường 746 liên tỉnh lộ TX.Tân Uyên đi Lạc An, trên một gò đất dạng mu rùa. Di tích bao bọc cả ngọn đồi, trên đồi có một ngôi chùa cổ được xây dựng cách đây khoảng 200 năm đã bị phá hủy do chiến tranh (hiện tại trên nền ấy đã xây dựng một ngôi chùa mới vào năm 2002). Dốc Chùa là một trong những di tích quan trọng và có nhiều thông tin khoa học hé lộ nhiều mặt về đời sống cư dân cổ. Đây là một di tích được giới nghiên cứu quan tâm và khai quật nhiều nhất trong số các di tích khảo cổ đã phát hiện ở Đông Nam bộ. Qua 4 lần khai quật vào các năm 1976, 1977, 1979 và 2009 đã hình thành nhiều bộ sưu tập hiện vật có giá trị lịch sử và khoa học rất lớn, biểu hiện cho một đỉnh cao phát triển của thời tiền sử vùng Đông Nam bộ. Một di tích đa dạng và phong phú có nhiều yếu tố mới, sự hội tụ về kinh tế, kỹ thuật của xã hội phát triển cao, có niên đại từ 2.500 - 3.000 năm cách ngày nay. Ngày 28-12-2001, di tích Dốc Chùa được công nhận là di tích khảo cổ học cấp quốc gia; là địa điểm khảo cổ tiêu biểu cho nền văn hóa đồng thau ở vùng hạ lưu sông Đồng Nai, với tổng diện tích 10.788,31m2.

Các cán bộ văn hóa đang khai quật di tích Dốc Chùa theo Quyết định khai quật khảo cổ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 5-9-2018

Đặc biệt trong lần khai quật vào năm 1977, các nhà khảo cổ đã tìm thấy tượng động vật, có niên đại 545 ± 50 năm trước Công nguyên (2495 ± 50 năm cách ngày nay) và được công nhận là bảo vật quốc gia. Hiện vật có màu xám xanh của đồng bị oxy hóa. Tượng động vật 4 chân đứng trên bệ hình chữ nhật, có 4 mấu uốn cong vào phía chân, đầu dài, mồm doãng ra hai bên, trên đỉnh đầu và tai có hai gờ nhọn có vết gãy (có thể là hai sừng), cổ cao và to không cân xứng với thân, trên lưng có quai nhỏ, giữa có lỗ thủng... Đây là hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo, tiêu biểu cho nghệ thuật đúc đồng mỹ thuật của người tiền sử ở Bình Dương.

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích

Ông Nguyễn Khoa Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết thời gian qua, UBND tỉnh, ngành văn hóa luôn quan tâm đến công tác duy tu, bảo tồn các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh, trong đó có Di tích khảo cổ Dốc Chùa. Quá trình duy tu luôn bảo đảm bản gốc và không làm sai lệch các thiết kế của di tích. Hiện nay, ngành đang tập trung nguồn vốn để tu bổ, tôn tạo các di tích đang xuống cấp và xây dựng kế hoạch kết hợp giữa phát triển du lịch gắn với tham quan các di tích tạo nguồn thu để duy tu, bảo vệ di tích và giới thiệu những di tích của Bình Dương cho khách tham quan.

Thực hiện Đề án “Bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị di tích tỉnh Bình Dương đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”, di tích Dốc Chùa đã được quy hoạch đưa vào khai thác phát huy tác dụng một di tích khảo cổ thời tiền sử tiêu biểu. Các hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích Dốc Chùa như: Khai quật mới một số hố, giữ nguyên hiện trạng di vật trong hố khai quật và làm mái che, hàng rào bảo vệ khai thác giới thiệu phát huy giá trị lịch sử một cách khoa học, sinh động cho công chúng và các nhà nghiên cứu; quy hoạch lại các cây trồng làm cho khu di tích trở thành khu du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, Ban quản lý di tích còn phối hợp với tuyến du lịch sinh thái đường sông Đồng Nai và đường bộ, thu hút du khách đến di tích tìm hiểu về văn hóa cổ xưa, tham quan chùa và thưởng ngoạn cảnh sông nước hữu tình. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án “Xây dựng nhà trưng bày phát huy giá trị di tích Dốc Chùa phục vụ khai thác du lịch”, nơi đây đã phát lộ tầng văn hóa khảo cổ. Hiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có kế hoạch trưng bày nguyên hiện trạng để phục vụ khách tham quan, giới thiệu di tích Dốc Chùa là nơi bảo tồn các thành tựu đỉnh cao của một trung tâm kim khí quan trọng vào thời điểm cách đây 3.000 năm.

Từ quy mô, vị trí và giá trị của di tích, bà Văn Thị Thùy Trang, Trưởng ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh, cho biết: “Di tích khảo cổ Dốc Chùa có giá trị cao về mặt lịch sử và khảo cổ, do đó đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần hướng đến xếp hạng Di tích khảo cổ Dốc Chùa trở thành di tích cấp quốc gia đặc biệt nhằm nâng tầm vị thế của di tích”.

KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên