Bắc Tân Uyên: Hiệp đồng trách nhiệm vì môi trường

Cập nhật: 05-09-2019 | 08:09:14

Từ khi bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND huyện Bắc Tân Uyên đã ban hành nhiều văn bản vừa mang tính phối hợp thông tin tuyên truyền vừa thể hiện trách nhiệm “hiệp đồng” cùng nhà nông bảo vệ môi trường.

 Điểm thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng được triển khai tại các địa phương của huyện Bắc Tân Uyên. Ảnh: DUY CHÍ

 “Sản xuất không an toàn, nhà nông gánh hậu quả trước”

Ông Nguyễn Hữu Hạng, ngụ ấp 4, xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên được người dân địa phương thường gọi là “lão nông” vì gần cả đời ông gắn liền với đồng ruộng. Từ sản xuất nông nghiệp hữu cơ trước đây do điều kiện kinh tế chưa phát triển, ông chuyển sang sản xuất vô cơ dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, rồi lại quay về sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic (châu Âu).

Ông Hạng nói: “Sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất diệt côn trùng, nấm bệnh mà không bảo đảm an toàn, thiếu hiểu biết thì nhà nông chúng tôi gánh hậu quả trước. Bởi vì hàng ngày chúng tôi hít thở, làm việc trong không gian, môi trường độc hại”.

Ông Đoàn Minh Chiến, chủ trang trại tổng hợp Đoàn Minh Chiến (xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên), với trên 50 ha bưởi da xanh đang thu hoạch, chia sẻ: “Môi trường sinh thái thì phải có con này con kia cùng cộng sinh, phát triển, tôi phải theo dõi, quản lý làm sao cho nó cân bằng để cây trồng phát triển đúng mục đích. Nếu phát hiện có mật độ ấu trùng sâu bệnh cao thì tôi đặt bẫy để bắt con cái hoặc con đực, khống chế ngay từ đầu; thân cây, gốc cây phải được làm vệ sinh bằng vôi để phòng nấm bệnh tấn công. Phân bón tôi dùng toàn là vi sinh với chất hữu cơ đã được tính toán theo công thức. Tổ chức sản xuất như vậy thì lấy đâu ra hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật mà làm ô nhiễm môi trường?”.

Nổi tiếng là vùng nguyên liệu cây ăn trái có múi với trên 2.000 ha được tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trái cây có múi ở Bắc Tân Uyên đã được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng chứng nhận Nhãn hiệu tập thể “Cam, bưởi Bắc Tân Uyên”. Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Kinh tế huyện, cho hay mỗi ngày có không dưới 20 container trái cây từ địa phương đi các tỉnh, thành trong cả nước. Dựa trên thông tin này, thử làm bài toán để sản xuất ra được 20 container trái cây mỗi ngày/2.000ha thì nhà nông sẽ sử dụng bao nhiêu tấn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, hóa chất cho cây.

Ông Thuận khẳng định: Nếu không có giải pháp, kế hoạch từ đầu trong quy hoạch, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa thì sản lượng càng cao, diện tích càng lớn bao nhiêu thì mức độ ô nhiễm để lại cho đất, cho môi trường cũng càng lớn bấy nhiêu. Nhưng thực tế, nếu so sánh trên 1 đơn vị diện tích thì năng suất cây ăn trái có múi ở Bắc Tân Uyên cao gấp đôi so với nhiều địa phương khác, kể cả ở các tỉnh có truyền thống về trồng cây ăn trái có múi; còn giá luôn cao gấp 3 lần so với trái cây có múi cùng loại ở các nơi khác. Lý do là các nhà nông ở Bắc Tân Uyên cam kết bảo đảm quy trình sản xuất sạch, an toàn, chất lượng, có sự kiểm soát, chứng nhận từ các tổ chức có uy tín.

“Dù vậy, về mặt quản lý nhà nước, chúng tôi vẫn thường xuyên và chủ động đến các vườn cây lấy mẫu, gửi đi phân tích. Nếu đạt yêu cầu chúng tôi thông báo để bà con tiếp tục phát huy, nếu không đạt thì cùng nhau tìm hiểu nguyên nhân, nếu phát hiện nhà nông cố tình làm trái, gian dối thì đề nghị xử lý theo thẩm quyền”, ông Thuận nói.

Hiệp đồng bảo vệ môi trường

Bà Trần Thị Minh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện, cho biết thực hiện Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 15- 6-2016 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, ngày 1-8-2017 UBND huyện ban hành và triển khai Kế hoạch số 1692/KH-UBND về việc bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Theo đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường được giao phối hợp cùng UBND các xã, thị trấn, ban, ngành, đoàn thể triển khai công tác tuyên truyền, tập huấn, giám sát về môi trường. Kết quả cho thấy, Phòng Kinh tế đã tổ chức 2 lớp tập huấn khoa học - công nghệ về kỹ thuật trồng cây có múi theo hướng VietGAP và quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả cho người dân trên địa bàn huyện, 1 lớp tập huấn, phổ biến và hướng dẫn người dân sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn trong lĩnh vực nông nghiệp, 1 lớp tập huấn cung cấp kiến thức cho nông dân về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tại các lớp tập huấn, đơn vị tổ chức đã lồng ghép các nội dung tuyên truyền, vận động người dân thu gom vỏ chai, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc thú y đã qua sử dụng bỏ đúng nơi quy định nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ môi trường.

Trong khi đó, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện phối hợp cùng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức 12 lớp tập huấn kiến thức trồng trọt cho hơn 1.200 lượt nông dân tham dự. Trạm Chăn nuôi và Thú y phối hợp cùng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tổ chức 1 lớp tập huấn triển khai các giải pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi cho đại diện 14 trang trại trên địa bàn.

Sau thời gian phối hợp triển khai thực hiện công tác thu gom vỏ chai, bao bì thuốc thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trên địa bàn gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Thiện Tâm, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, nhận xét ý thức, nhận thức về bảo vệ môi trường của nhân dân nói chung và bà con nông dân nói riêng trong huyện đã chuyển biến rõ nét. Thực tế cho thấy, người dân đã biết sử dụng biện pháp thay thế thân thiện với môi trường.

 DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên