Bài ca thống nhất

Thứ hai, ngày 26/04/2021

(BDO) Bài 1: Bắt đầu cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ...

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được ký kết; Mỹ hất cẳng Pháp nhảy vào miền Nam Việt Nam thực hiện chính sách thực dân mới, thôn tính Đông Dương. Một thời kỳ cách mạng mới, đặt ra những thách thức cực kỳ to lớn, nhưng Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thủ Dầu Một - Sông Bé - Bình Dương đã “Muôn người như một, quyết tâm vượt qua khó khăn gian khổ, một lòng kiên trung với Đảng, với cách mạng, đoàn kết đấu tranh để đi đến thắng lợi cuối cùng”.

“Đi thắng lợi, ở lại vinh quang”

Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, chúng tôi lại tìm về những nhân chứng lịch sử, những người từng đi qua trận chiến để nghe họ kể về những gì đã xảy ra trong quá khứ. Và, người chúng tôi gặp đầu tiên là bà Nguyễn Thị Hoa, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một, một chiến sĩ cách mạng kiên trung từng trải qua 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc với 16 năm tù đày ở các nhà lao, từ khám đường Bình Dương đến Côn Đảo…

Cuối năm 1954, tỉnh Thủ Biên được tách ra thành tỉnh Biên Hòa và Thủ Dầu Một. Giữa tháng 1-1955, tỉnh Thủ Dầu Một mở Hội nghị Ban Chấp hành đầu tiên từ khi tái lập tại suối Đá Bàn (Chiến khu Đ). Theo đó, Tỉnh ủy đề ra nhiệm vụ lúc này là tổ chức lại lực lượng thành hai bộ phận bí mật và công khai; đẩy mạnh công tác binh vận, bố trí cơ sở cách mạng trong bộ máy ngụy quân, ngụy quyền; xây dựng căn cứ trong dân, dựa vào cơ sở quần chúng cách mạng trung kiên đào hầm bí mật nuôi giấu để hoạt động. Khẩu hiệu đấu tranh lúc này là đòi quyền dân sinh, dân chủ, kết hợp đấu tranh chính trị đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Bà Nguyễn Thị Hoa (thứ 2, bên trái sang) tại buổi họp mặt Nữ kháng chiến tiêu biểu

Bà Hoa nhớ lại: “Lúc này, tôi được giao phụ trách giao liên ở các huyện, thị cùng nhiều đồng chí đảng viên nữ khác. Mỗi cán bộ giao liên phải tạo thế ở, đi lại hợp pháp và tìm công việc để tự kiếm sống”. Còn ông Nguyễn Văn Hữu (Một Hữu), Tỉnh đội trưởng tỉnh Thủ Dầu Một, cho biết: “Với tư tưởng “Đi thắng lợi, ở lại vinh quang”, anh em người đi, kẻ ở đều dặn dò nhau: Người ra đi làm tròn nhiệm vụ, người ở lại quyết tâm đấu tranh để sau 2 năm gặp nhau trong ngày Bắc - Nam thống nhất, gia đình đoàn tụ”.

Giữ vững niềm tin

Trong danh sách những người bị địch bắt tù đày, nhắc đến tên bà Nguyễn Thị Hoa nhiều người nể phục. Bởi theo họ, chỉ ở tù vài năm đã chịu không nổi, tuổi về chiều đủ thứ bệnh, đằng này bà Nguyễn Thị Hoa có gần 16 năm bị giam trong ngục tù Mỹ - Ngụy từ trại giam Lái Thiêu đến khám đường Bình Dương, Phú Lợi, Chí Hòa, Côn Đảo… Theo lời kể của bà Hoa, từ giữa năm 1956, Mỹ - Diệm công khai tuyên bố không hiệp thương Tổng tuyển cử, đẩy mạnh thực hiện chính sách “Tố Cộng, diệt Cộng” trên toàn miền Nam. Ngày 10-7, chúng mở chiến dịch “Trương Tấn Bửu”, đánh phá phong trào cách mạng ở các tỉnh miền Đông Nam bộ. Tỉnh Thủ Dầu Một là một trong những địa bàn trọng điểm đánh phá của địch. Chỉ trong vài tháng đầu chiến dịch “Trương Tấn Bửu”, lực lượng cách mạng của tỉnh bị tổn thất lớn.

Trong 2 năm 1956-1957, phong trào đấu tranh cách mạng vẫn được duy trì liên tục. Tuy nhiên, tình hình cách mạng trong tỉnh cũng rất khó khăn, lực lượng cách mạng ngày càng tổn thất. Cả tỉnh đến đầu năm 1957 chỉ còn 28 chi bộ mật với 200 đảng viên.

Từ năm 1957, hoạt động vũ trang đã tăng lên phối hợp cùng đấu tranh chính trị. Một số đơn vị vũ trang cách mạng đã tập kích, phục kích địch, bảo vệ căn cứ. Bước sang năm 1958, phong trào phát triển hơn, có trận tiến công quận lỵ Dầu Tiếng, cách Sài Gòn 70km, đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn địch, diệt 200 tên, làm chủ quận lỵ. Đầu tháng 6-1959, Ngô Đình Diệm ban bố Luật 10-59, lê máy chém khắp nơi, lập tòa án quân sự xử tử hình không cần chứng cớ. Chúng chủ trương “thà giết lầm hơn bỏ sót”, ra sức bắt bớ, khiến hàng trăm gia đình tan cửa nát nhà, gây xáo trộn lớn trong thôn xóm.

Bà Nguyễn Thị Hoa kể, tháng 6-1959, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một điều bà về làm Phó Bí thư Huyện ủy Lái Thiêu. Thời kỳ này, Mỹ - Diệm ban hành Luật 10-59, một thứ luật tàn bạo, dã man hòng tiêu diệt những người cộng sản, những người kháng chiến cũ. Khi bà về Lái Thiêu nhận nhiệm vụ thì Huyện ủy chỉ còn 4 cán bộ. Đến tháng 8-1959, Tỉnh ủy mới đưa thêm bà Mười Nghĩa về làm Bí thư Huyện ủy. 4 cán bộ nam chỉ hoạt động được ban đêm, ban ngày phải ẩn nấp. Chỉ có bà và bà Mười Nghĩa có thể hoạt động bán hợp pháp ban ngày. Khi thì bà giả dạng đi thăm bệnh, đám cưới, buôn gánh bán bưng… để đi lại các xã móc nối quần chúng tốt, nắm tình hình hoạt động của địch, xây dựng cơ sở cách mạng, hướng dẫn bà con đấu tranh hợp pháp - trực diện với địch.

Việc đi lại lâu ngày của bà Hoa đã bị theo dõi và đêm 8-11- 1959, bà Hoa đã bị bắt tại ấp Thạnh Quý (An Thạnh). Từ đó đến ngày giải phóng, bà Hoa đã bị đày ải qua 19 lượt ở 8 nhà tù.

Những tấm huy hiệu “50 năm tuổi Đảng”, “60 năm tuổi Đảng” của bà cũng như là những lời thề kiên trung, sắt son niềm tin với Đảng. (còn tiếp)

Cuộc đấu tranh chính trị đơn thuần của nhân dân ta đòi địch thi hành Hiệp định Giơnevơ vô cùng khó khăn do địch khủng bố. Ngày càng nhiều cán bộ, đảng viên, đồng bào yêu nước bị địch truy bắt, giết hại... Sau hơn 2 năm quán triệt thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, mặc dù địch ngày càng trắng trợn không thi hành Hiệp định Giơnevơ, thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng; tổ chức Đảng và lực lượng cách mạng có tổn thất, nhưng không vì thế mà kẻ thù khuất phục tinh thần yêu nước của nhân dân, lòng tin tưởng vào cách mạng.

THU THẢO

Từ khóa: