Bài cuối: Buôn thúng bán mẹt... chờ cơ hội

Cập nhật: 07-07-2012 | 00:00:00

Công cuộc mưu sinh sau khi rời nhà máy của CN còn có trăm điều khốn khổ, được buôn rau, bán cà cũng đã là may, có người xin đi làm cửu vạn ở khắp các chợ, chạy xe ôm…

  Chật vật với đủ thứ nghề vẫn không đủ sống, CN mong muốn được quay lại nhà máy làm việc.>> Công nhân thất nghiệp nhọc nhằn mưu sinh

Lo được bữa cơm hôm nay lại vắt óc nghĩ đến ngày mai, tất cả họ đều mong được quay lại nhà máy, xí nghiệp, bởi như lời một anh xe ôm từng là cựu CN chia sẻ: “Tôi sợ cái cảnh chạy ăn từng bữa lắm cô ạ”.

Chỉ mong lo được bữa cơm

Mất việc từ tháng 3 đến nay, anh Long, quê Thanh Hóa đang gồng mình kiếm tiền chạy chợ từng ngày bằng đủ thứ nghề từ xe ôm, bốc vác đến “thợ đụng” (đụng đâu làm đó). Sau khi Cty cho nghỉ việc, chưa biết bấu víu vào đâu thì bạn bè giới thiệu, anh xin một chân bốc vác ở chợ, đi làm từ 1 - 2 giờ sáng, sau vài giờ bốc dỡ hàng hóa cũng được 150 ngàn, sau đó anh tranh thủ hành nghề xe ôm hoặc ai thuê gì làm đó.

“Việc gì tôi cũng làm, miễn là kiếm được tiền. Anh Long cho biết, hai vợ chồng anh từng làm CN ở KCX Linh Trung I. Trước tết, vợ anh sinh con, nghỉ sinh 4 tháng, nhưng sau đó, Cty của vợ anh cũng giảm thợ, thế là chị bỗng dưng mất việc. Hai vợ chồng lúc trước lương CN cũng được gần 7 triệu đồng, chi tiêu tằn tiện cũng đủ. Nay con nhỏ, vợ lại chưa đi làm được, một mình anh Long gồng gánh chi tiêu cả nhà. “Hai vợ chồng làm CN được gần 5 năm rồi, nên cũng được nhận hơn 3 triệu tiền trợ cấp thất nghiệp. Tiền đó để trả tiền nhà và mua sữa thêm cho con. Còn ăn uống của hai vợ chồng thì tôi phải nhận trách nhiệm” - anh Long tâm sự.

Dọc theo hai bên đường Tây Thạnh, dẫn vào KCN Tân Bình người buôn bán quần áo, giày dép, kẻ bán quán nhậu hàng ăn chào mời khách đến điếc cả tai. Gian hàng của các “cựu CN” dễ dàng được nhận dạng. “Ít đồ bán, giày dép thì vài chục đôi, áo quần cũng chừng vài chục cái... người bán còn khá trẻ ấy là những CN thất nghiệp ra buôn bán” - chị Lan, từng làm CN may KCN Tân Bình cho biết.

“Khéo léo một chút, mỗi đêm cũng lời được 1 đến 2 trăm ngàn nhưng đó là những người có nhiều vốn. Còn CN mới bắt đầu đi bán, vốn ít, mua chục bộ đồ, hai ba chục đôi dép, ít mẫu nên bán cũng khó. Bữa nào mà gặp dân quân đuổi, hốt đồ không kịp thì mất hết”. Bây giờ giá hàng tăng, vốn thì ít, người bán nhiều, bán lề đường nhưng cạnh tranh  cũng dữ, những người mới bán tiền lời đủ lo được bữa cơm đã là may mắn lắm” - chị Lan than thở!

Gắng gượng chờ cơ hội

Câu chuyện hậu mất việc của chị Lan dài và ảm đạm. Ban đầu chị xin đi giữ trẻ, sau ra bán giày dép, quần áo ngoài lề đường, chồng chị thì chạy xe ôm rồi chuyển sang bán cá viên chiên, bánh tráng trộn... “Chỉ trong vòng 4 tháng mà vợ chồng em thay đổi 3 nghề, lăn lộn đủ thứ, không biết bao giờ mới đỡ khổ. Chỉ mong nhà máy, xí nghiệp tuyển lao động, mình lại xin đi làm CN. Dù gì thì vẫn có chế độ và lương vẫn ổn định, ốm đau cũng không phải lo lắng nhiều”.

Mong ước của chị Lan, anh Long cũng là mong muốn của hơn 65 ngàn CN bị cho thôi việc từ đầu năm đến nay. Theo ông Nguyễn Cao Thắng - Phó GĐ Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM thì tình hình thị trường LĐ phổ thông đã có vẻ biến chuyển tốt khi trong tháng 5 và tháng 6 số lượng người đến đăng ký thất nghiệp có giảm do nhiều Cty nhận được đơn hàng tết, đây cũng là cơ hội để CNLĐ tìm được việc làm mới.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó GĐ thường trực Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực TPHCM - cho rằng, trong 6 tháng cuối năm các KCN-KCX của TP có nhu cầu gần 30 ngàn LĐ, tập trung nhiều vào ngành dệt-may, LĐ phổ thông. Tuy nhiên, vẫn còn một số lượng NLĐ sẽ vẫn chưa tìm được việc làm, ông Tuấn đề xuất nên mở rộng các đối tượng cho vay các nguồn quỹ tín dụng việc làm, quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ hỗ trợ đào tạo nghề... để hỗ trợ NLĐ mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn có khả năng tự tạo việc làm. Bởi vì nhiều LĐ sau khi mất việc đã phải vay mượn để buôn bán, kinh doanh với lãi suất cao, chứa đựng không ít rủi ro. Làm được việc này chính là san sẻ bớt một phần khó khăn cho NLĐ khi họ mất việc.

Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (HEPZA) cho biết, nhiều DN hạn chế cho CN nghỉ việc bằng cách thay vì tổ chức 3 ca như trước đây, các DN chỉ bố trí cho CN làm 1 hoặc 2 ca, nhằm giữ LĐ và CN cũng không “nhảy việc” như trước. 6 tháng đầu năm, Trung tâm Giới thiệu việc làm Hepza đã giới thiệu việc làm cho 3.223 LĐ, trong đó có 2.375 LĐ có việc làm ổn định. Hiện số LĐ mới tập trung về TP cũng giảm dần do giá cả sinh hoạt đắt đỏ. Bên cạnh đó, do chênh lệch tiền lương giữa các vùng không đáng kể nên nhiều CN có xu hướng trở về quê làm việc.

Theo Lao Động

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên