Bài học hạn chế xe máy ở Trung Quốc

Cập nhật: 14-03-2011 | 00:00:00

Ùn tắc giao thông trở thành vấn nạn khiến nhà chức trách của nhiều nước đau đầu, người dân phiền lòng. Riêng với một số nước ở châu Á, nơi xe máy là phương tiện lưu thông chính của người dân thì việc hạn chế loại phương tiện này theo một lộ trình nhất định được cho là sẽ góp phần quan trọng để giải quyết bài toán nút thắt giao thông trong giờ cao điểm.

 

Chuyện từ Quảng Châu

 

Ở các quốc gia châu Á có tốc độ phát triển ấn tượng hiện nay như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Philippines, Indonesia, Thái Lan… việc di chuyển bằng xe máy bị cho là rào cản khiến ách tắc trong lưu thông ở các khu đô thị ngày càng nghiêm trọng. Thành phố Quảng Châu của Trung Quốc với số dân 15 triệu người cũng trong hoàn cảnh tương tự, nhưng điều khác biệt là họ đã áp dụng thành công một phương pháp mà thoạt đầu đề xuất đã gây khá nhiều tranh cãi. Bằng cách nói không với xe gắn máy 2 bánh lưu thông trong khu vực nội thành, Quảng Châu trở thành điển hình được nhiều chuyên gia về đô thị nghiên cứu để lên kế hoạch áp dụng ở nhiều nơi.

 

 Xe máy lưu thông vào nội thành Quảng Châu bị tịch thu và đưa vào bãi phế liệu.

Đằng sau thành công của Quảng Châu là một chuỗi cột mốc đáng nhớ, bắt đầu từ giai đoạn cuối thập niên 1970, việc sở hữu một chiếc xe máy tương đương với sở hữu xe ô tô ngày nay. Lúc đó, chỉ khoảng hơn 3.000 xe máy được đăng ký. Thế nhưng, kể từ lúc đất nước này thực hiện chính sách mở cửa đầu thập niên 1980, đời sống người dân tăng nhanh, lượng xe gắn máy 2 bánh được đăng ký năm 1982 lên gần 9.000 chiếc và đến năm 1988, con số này tăng đến… 100.000 chiếc!

 

Vào thập niên 1990, xe máy trở thành phương tiện thân thuộc của nhiều gia đình. Lượng xe máy đăng ký được ghi nhận trong các năm 1992, 1995, 1997 lần lượt là: 200.000, 361.000 và 402.000. Cũng trong thời điểm này, nghề lái xe ôm trở nên nở rộ và 90% số họ là người nhập cư, đến từ các khu vực nông thôn. Trước tình hình số lượng xe máy tăng quá nhanh và khó kiểm soát nguồn gốc như thế, năm 1998, chính quyền Trung Quốc đã đưa ra sáng kiến đánh dấu biển số xe nội thành và ngoại thành. Theo đó, những chiếc xe mang biển số ngoại thành sẽ không được phép lưu thông vào khu vực nội thành. Nhưng phương pháp này tỏ ra không hiệu quả, nhất là vào giờ cao điểm, việc kiểm soát và phân loại hết sức khó khăn.

 

Xe máy ngoài mặt tích cực di chuyển linh hoạt vẫn có nhiều mặt tiêu cực. Trước tiên, về “ô nhiễm tiếng ồn”. Một xe máy đi ngang qua mang theo tiếng ồn 80,4db, còn khi khởi động, tiếng ồn phát ra đến 90-100db, gấp 3 lần tiếng ồn từ một chiếc xe ô tô. Hơn nữa, tiếng ồn này vượt ngưỡng giới hạn âm thanh cho phép chỉ từ 55 - 70db. Kế đến, gây ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu trong phạm vi TP Quảng Châu đã chỉ ra xe máy thải đến 15% lượng khí CO (độc hơn cả CO2) và 40% lượng hợp chất hydrocarbon có trong không khí. Ngoài ra, đây còn là phương tiện có mặt nhiều nhất trong các vụ tai nạn giao thông đường bộ.

 

Lộ trình dài, kết quả lớn

 

Các TP lớn ở Trung Quốc đang phát triển hệ thống tàu điện ngầm, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

 

Không phải ngẫu nhiên TP Quảng Châu được đăng cai tổ chức Á Vận hội lần thứ 16 vào tháng 11 năm ngoái. Nỗ lực của Quảng Châu trong suốt quá trình dài đã được nhìn nhận. Năm 2008, TP này được Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc trao tặng danh hiệu “Thành phố gương mẫu về bảo vệ môi trường trong nước”. Trong thành công ấy, việc cấm lưu hành xe máy vào khu vực nội thành là bước tiến đáng kể.

 

Bắt đầu từ tháng 10-1991, Ban An ninh công cộng TP Quảng Châu cấm xe máy không có đăng ký ở Quảng Châu lưu thông vào TP này từ 7 giờ đến 19 giờ mỗi ngày. Song song đó cũng siết chặt số lượng xe gắn máy đăng ký mới. Đến năm 1995, chấm dứt hẳn việc đăng ký xe mới.

 

Tháng 6-1996, chính quyền TP Quảng Châu trong kế hoạch 5 năm lần thứ 9 đã kêu gọi đầu tư, đẩy mạnh hệ thống vận chuyển công cộng, đồng thời hạn chế tối đa việc phát triển làn đường dành cho xe gắn máy, nghiêm cấm xe máy chạy ở một số tuyến đường. Năm 1999, cấm hẳn xe gắn máy không phải đăng ký ở Quảng Châu lưu thông vào thành phố và bước tiếp theo hạn chế dần những xe máy đăng ký ở Quảng Châu.

 

Tháng 1-2002, quy định quản lý loại bỏ xe gắn máy có hiệu lực. Những xe đã sử dụng quá 15 năm sẽ bị tịch thu và xem như phế thải. Ngoài ra, những xe qua kiểm tra không đủ chất lượng, dù dưới 15 năm của thời hạn đăng ký vẫn phải chịu sự ràng buộc của quy định trên. Thời hạn 15 năm được kéo xuống còn 8 - 10 năm vào năm 2003. Tháng 5-2004 đến hết năm 2006, người dân bị hạn chế lưu thông xe máy ở một số tuyến đường chính vào những khoảng thời gian được quy định cụ thể. Đây là bước đệm quan trọng để chính quyền TP Quảng Châu áp dụng lệnh cấm hoàn toàn xe gắn máy lưu thông trên tất cả các tuyến đường trong TP kể từ ngày 1-1-2007.

 

Để việc chấp hành quy định được thực hiện triệt để, nhà chức trách còn cho đặt những thanh sắt lớn cách mặt đất khoảng 20cm, ngăn không cho xe gắn máy chạy qua trong trường hợp người tham gia lưu thông cố tình vi phạm. Ngoài ra, dọc đường phố còn thiết kế xen kẽ những bậc thang, chỉ chừa đường cho xe đạp, gần như bít đường hoàn toàn đối với xe máy.

 

Tính đến tháng 11-2010, hệ thống tàu điện ngầm ở Quảng Châu đã có 8 tuyến đang hoạt động, với 144 nhà ga và 14 trạm chuyển bến. Việc mở rộng hàng loạt mạng lưới tàu điện ngầm đã được lên kế hoạch cho giai đoạn 2011-2020. Ngoài ra, từ bến tàu điện ngầm đến các khu vực nội thành còn có 50 tuyến xe buýt ngắn, với giá “không thể mềm hơn” 1 NDT (khoảng 3.000 VNĐ). Đối với những người hành nghề xe ôm, chính quyền TP đã tổ chức 16 hội chợ việc làm, cung cấp 3.000 đầu việc nhằm giảm bớt phần nào áp lực cho đối tượng này.

 

Theo kết quả đánh giá môi trường của Trạm Trung tâm giám sát môi trường Quảng Châu, sau khi TP không cho xe máy lưu thông trong TP, mỗi năm ít nhất giảm thải 24.000 tấn khí CO. Bên cạnh đó, ô nhiễm tiếng ồn ban đêm cũng giảm mạnh. Hầu hết người dân Quảng Châu ủng hộ việc không cho xe máy lưu thông trong TP. Một công dân địa phương cho biết: “Sau khi cấm xe máy lưu thông trong TP, không khí đã trong lành hơn, an toàn hơn, đây là điều rất tốt đối với mọi người”.

 

Giải quyết xe máy chưa phải là bước cuối cùng để thiết lập hệ thống giao thông hoàn chỉnh. Bước tiếp theo mà những người có trách nhiệm ở đây cần làm là xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông có quy mô và chắc chắn hơn nữa trong bối cảnh dân số đang tiếp tục tăng nhanh.

 

* Ở Trung Quốc, 92 TP của 24 tỉnh hiện đang áp dụng quy định cấm xe gắn máy lưu thông. Trong đó có các TP Quảng Châu, Trung Sơn, Chu Hải, Đông Quản của tỉnh Quảng Đông; TP Hợp Phì (tỉnh An Huy); TP Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc)… Một số quốc gia ở khu vực Trung Đông cũng đang áp dụng. Còn Thái Lan, Malaysia hay Canada, Na Uy… đang nghiên cứu những quy định tương tự tại các TP lớn của mình.

 

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên