Bài học thực tiễn

Cập nhật: 24-10-2013 | 00:00:00

Ở nhà, tôi hay dặn các con sử dụng nước phải tiết kiệm; khi đánh răng hoặc tắm không nên múc nhiều nước quá; lúc nào cũng phải xả đầy xô nước trong nhà tắm để khi cúp nước vẫn còn một xô dự phòng trong trường hợp khẩn cấp… Nhưng trẻ con mà, không phải lúc nào cũng ghi nhớ và thực hiện đủ.

Hôm nọ nhà cúp nước. Chiều tối nhưng không có nước nên không thể nấu cơm, rửa rau… được. Kiểm tra thùng nước trong nhà tắm thì đã khô ran, vì hai con sử dụng nước sau cùng trước khi cả nhà đi vắng nên tôi hỏi con gái lớn, thì cô chị đổ qua em: “Tại em đó ba! Em múc hết nước mà không chịu xả”. Tôi hỏi lại: “Vậy sao con không xả giúp em?”. Con bé phụng phịu: “Tại con… quên!”. Tôi bảo: “Vậy thì hôm nay nhịn đói”.

 Mè nheo một lát chán, hai đứa dán mắt vào ti vi, nhưng rồi cơn đói kéo đến, không thể cưỡng lại được. Chị Hai nói: “Ba qua hàng xóm xin nước về nấu cơm đi, con đói quá rồi!”. Em Út bảo: “Mình đi ăn quán đi ba!”. Vợ tôi nhìn tôi cười: “Vậy cho con thấm thía. Lúc xài nước thì không chịu để ý tiết kiệm. Lúc ăn thì nhơi nhơi, giờ mới đói một tí đã kêu gào. Ba mẹ khi nãy ăn rồi, tụi con chịu khó nhịn đói chờ đến khi có nước nhé!”. Trông khuôn mặt hai con gái lúc này thật thảm não. Hơn 7g tối, tôi mới chở cả nhà đi ăn phở. Về đến nhà, thật may là đã có nước trở lại nên tụi nhỏ mới được tắm táp và yên tâm ngồi vào bàn học.

Kỳ thực vợ chồng tôi muốn cho các con trải nghiệm một chút về sự thiếu ăn, thiếu nước. Xa hơn là sự trải nghiệm về sự thiếu thốn các phương tiện, việc không thể đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, mà bình thường các con có thể không thấy hết ý nghĩa, tầm quan trọng của nó, không tỏ ra trân trọng. Tôi tin rằng đó không chỉ là sự trải nghiệm mà còn ít nhiều tác động để có ý thức về sự tiết kiệm, về nhận thức đối với những điều các con có thể xem là mặc nhiên có. Có lần, con gái lớn dùng dằng không chịu ăn sáng để chuẩn bị đi học mà càu nhàu: “Ăn xôi hoài, con chán quá!”. Vợ tôi tỏ ra giận: “Hồi đó ba mẹ đi học toàn nhịn đói, hôm nào trưa về có đủ cơm ăn no là quý rồi. Giờ con được ăn xôi nóng thơm ngon mà còn chê nữa sao?”. Tôi nghĩ rằng dù nói như thế nhưng chắc con bé cũng khó hình dung được hết câu chuyện, về hoàn cảnh xã hội của ba mươi năm trước. Vì vậy, chỉ có trải nghiệm mới giúp con dễ thấm.

Trong việc dạy con, tôi thường “tạo điều kiện” để các con có những bài học thực tiễn. Thấy các con chưa có ý thức tiết kiệm, mỗi lần về quê, tôi hay cho con theo nội ngoại làm việc để thấy bà ngoại cặm cụi nhặt cho kỳ hết từng hạt bắp, hạt cà phê rơi vãi…

Tôi thấy cách dạy con của mình có tác dụng tích cực. Như việc tiết kiệm nước thì rất rõ. Không còn cảnh đổ ào ào nữa; đánh răng thì múc nước ra ca chứ không mở vòi cho nước chảy thoải mái...

Không đao to búa lớn, không giáo điều, luôn làm gương và cùng con trải nghiệm là cách mà tôi nghĩ rằng mình đang trang bị vốn sống cho trẻ một cách hợp lý.

Theo PNO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên